Tuesday 22 December 2009

Say mê nghệ thuật và khoa học


Bài của I. FUYUNO
ký giả của tạp chí Nature
đăng tại RIKEN Research, tập 1, No. 2, trang 11, 8/2006

Nghệ thuật luôn chiếm vị trí quan trọng đối với Nguyễn Đình Đăng. Anh bắt đầu học vẽ từ khi mới lên năm tuổi và chẳng mấy chốc đã trở thành một học sinh xuất sắc. Được trời phú cho năng khiếu nghệ thuật và niềm say mê bền bỉ, Đăng có thể đã trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên những hạn chế sáng tạo nghệ thuật cũng như cuộc sống khó khăn của nghề hoạ trong thời chiến đã khiến anh chọn con đường làm khoa học. Song nghệ thuật đã trở thành mối quan tâm suốt đời anh. Ngay cả chiến tranh Việt Nam và sự thiếu thốn vật chất cũng không dập tắt được niềm say mê hội hoạ trong người con của Hà Nội ấy.
Nhiều người tự nhận là hoạ sĩ, song cái khó nhất và đẹp nhất lại là sự bí ẩn của vũ trụ. Chỉ có một số ít người có thể lĩnh hội được điều đó,” Đăng nói. Anh hiện là nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Máy gia tốc Nishina thuộc viện RIKEN ở thành phố Wako.
Giỏi toán và vật lý, Đăng là một trong các học sinh đoạt điểm cao tại kỳ thi vào đại học Việt Nam năm 1975 và được nhận học bổng nhà nước cử ra nước ngoài học. Năm 1976 anh vào học tại một trong những đại học tốt nhất thế giới về khoa học cơ bản – Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva.
Đăng kể lại trong thời gian học tại Maxcơva anh đã đi thăm các bảo tàng mỹ thuật tuyệt vời và dành toàn bộ các kỳ nghỉ để vẽ tranh. Về học vị, anh đạt hai bằng tiến sĩ: một bằng PhD (TS) và một bằng tiến sĩ khoa học toán – lý (TSKH) tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva.
Đăng làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đức và Italia vào đầu thập niên 1990. Khi ở Italia, Đăng ngạc nhiên vì nhận được một bức thư đề nghị anh nộp hồ sơ nhận tài trợ sang nghiên cứu tại Nhật Bản. Sau này anh được biết đó là nhờ sự giới thiệu của thầy cũ của anh, giáo sư Vadim Soloviev, một nhà vật lý nổi tiếng tại viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt Nhân Dubna, Nga.
Từ Italia trở về, Đăng tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về hạt nhân lần đầu tiên tại Việt Nam vào mùa xuân năm 1994. Tại đây anh đã gặp giáo sư Akito Arima, nhà vật lý hạt nhân lý thuyết lỗi lạc khi đó là chủ tịch viện RIKEN. “Đăng biết nhiều thứ tiếng, trình bày quan điểm rõ ràng, có kiến thức sâu và chắc chắn về vật lý,” giáo sư Arima nhớ lại.
Nghiên cứu tính chất của các hòn đá tảng xây nên lâu đài tự nhiên
Nhiều nhà vật lý, kể cả Đăng, nghiên cứu các hạt nhân nguyên tử ở trong các điều kiện bất thường. Mỗi hạt nhân nguyên tử gồm các proton và neutron, tạo thành cái lõi của nguyên tử. Hạt nhân ở trạng thái bền vững khi số proton và neutron nằm trong một tỉ lệ cân bằng nhất định. Nhưng các hạt nhân dễ trở thành không bền vững khi chúng bị biến dạng mạnh hoặc có quá nhiều neutron so với proton. Chúng còn có thể nóng lên khi bị kích thích tới các năng lượng cao. Mặc dù tính chất các hạt nhân bền vững đã được nghiên cứu kỹ, tính chất của các hạt nhân trong các điều kiến tới hạn vẫn còn là một bí mật. Tiếp tục khám phá cấu trúc các hạt nhân loại này có thể cung cấp kiến thức mới về sự hình thành của vũ trụ.
Một trong các đặc trưng của hạt nhân là cộng hưởng khổng lồ. Đó là dao động được tạo bởi chuyển động của nhiều nucleon tại một tần số nào đó xung quanh dạng cân bằng của hạt nhân. Cộng hưởng khổng lồ được phân loại tùy theo dao động. “Nghiên cứu tính chất các cộng hưởng khổng lồ giúp ta hiểu nhiều về hạt nhân,” Đăng nói.
Cộng hưởng khổng lồ được biết nhiều nhất là dao động của các proton đối với neutron. Loại cộng hưởng này, gọi là cộng hưởng khổng lồ lưỡng cực (Giant Dipole Resonance, viết tắt là GDR), được phát hiện lần đầu tiên trong các phản ứng quang hạt nhân cách đây 70 năm. Đăng đã từng nghiên cứu GDR từ những năm 1980 và đã trở thành chuyên gia về vấn đề này sau khi làm việc tại các nước khác nhau.
Giúp kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài ba thập niên
Tới Nhật Bản năm 1994, Đăng được tài trợ nghiên cứu 10 tháng tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân thuộc Đại học Tổng hợp Tokyo. Trong khi đó Arima đề nghị anh sang làm việc tại RIKEN, nơi anh chuyển tới vào năm 1995, để giải quyết một vấn đề gây tranh cãi liên quan tới một loại cộng hưởng khổng lồ gọi là cộng hưởng Gamow-Teller. Cộng hưởng này được tạo bởi dao động của các neutron có spin hướng lên trên (hoặc xuống dưới) so với các proton có spin quay xuống dưới (hoặc hướng lên trên), và đóng vai trò then chốt trong vật lý các hạt neutrino và vật lý thiên văn bởi nó tác động tới động học ban đầu của sự tan biến của các sao siêu mới (supernova).
Vấn đề tranh cãi xảy ra là ở chỗ các thực nghiệm chỉ thấy được khoảng 60% tổng lực của cộng hưởng được lý thuyết tiên đoán. Các nhà nghiên cứu trên thế giới chia làm hai phe với hai cách giải thích sự chênh lệch này. Arima là người cổ vũ cho cách giải thích đơn giản, không cần viện đến các bậc tự do dưới nucleon, song ông chỉ có một ảnh hưởng khá hạn chế tới kết quả của tranh luận.
Năm 1997 các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân ở Osaka đã thành công trong việc thu được kết quả thực nghiệm ủng hộ giả thuyết của Arima. Cũng cùng lúc đó, Đăng đề xuất một mô hình mới, kết hợp khả năng tiên tiến của máy tính điện tử tại RIKEN với cách tiếp cận vi mô. Kết quả tính toán của anh mô tả tốt kết quả thực nghiệm của nhóm Osaka. Như vậy cuộc tranh luận kéo dài ba thập niên đã hầu như kết thúc bởi nhóm của Arima đã tiến gần tới mức hầu như giải thích được toàn bộ lý do của sự chênh lệch trước đây giữa lý thuyết và thực nghiệm.

Tiết diện của GDR có hình chuông đặc trưng, độ rộng của nó phụ thuộc nhiệt độ. Năm 2003, so với tiên đoán của mình vào năm 1998 (đường màu lục), Đăng và Arima đã thu được kết quả lý thuyết (đường màu đỏ) rất gần kết quả thực nghiệm về sự phụ thuộc của độ rộng của GDR vào của nhiệt độ
Sau đó Đăng tập trung vào mối quan tâm từ lâu của mình về GDR trong các hạt nhân nóng, được tạo ra trong các phản ứng liên kết ion nặng hoặc trong một số các phản ứng khác. Các nhà khoa học bối rối vì, trong khi độ rộng cùa GDR trong các hạt nhân nóng này tăng theo nhiệt độ tại các nhiệt độ vừa phải, thì bắt đầu từ một nhệt độ cao nào đó, GDR ngừng lại không “nở ra” nữa. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, các nhà vật lý đã không tìm được một cách mô tả nhất quán nào cho hiện tượng này.
Năm 1998 Đăng và Arima đã đề xuất một mô hình mới giải thích tính chất phụ thuộc nhiệt độ của GDR. Kết quả tính toán của Đăng và Arima mô tả tốt phần tăng và bão hòa của độ rộng của GDR (Hình 1). Năm 2003 họ tiếp tục hoàn thiện lý thuyết của mình và trở thành nhóm đầu tiên chứng tỏ một hiệu ứng quan trọng gây bởi siêu dẫn hạt nhân lên độ rộng của GDR, đưa đến một hiểu biết toàn diện hơn về hiện tượng GDR trong các hạt nóng. Được cổ vũ bởi thành công trong nghiên cứu các hạt nóng và GDR, Đăng tiến hành áp dụng mô hình của mình cho các cộng hưởng khác.
Trời phú cho cuộc sống nghệ thuật
Bên cạnh việc phát triển sự nghiệp khoa học ưu tú của mình, chuyển tới sống tại Nhật Bản đã cho Đăng những cơ hội lớn để rèn luyện kỹ năng nghệ thuật của anh. “Chỉ có ở Nhật tôi mới có một cuộc sống ổn định để có thể vẽ thường xuyên,” anh nói. Năm 1995 anh lại tiếp tục vẽ sau bốn năm gác bút, và từ đó anh đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân cũng như tham gia nhiều triển làm tập thể. Anh nói khi tìm ra một ý tưởng mới, anh vẽ liên tục hàng đêm liền và trong tất cả các ngày nghỉ cuối tuần.

"Trong tâm hồn tôi, tôi luôn là một đứa trẻ đối với cha mẹ tôi. Họ đã già yếu nhưng tình yêu của họ cho tôi và cho nhau thật mênh mông như đại dương mùa đông," Đăng nói. Anh đoạt danh hiệu "Hoạ sĩ có tác phẩm đẹp" tại triển lãm Chủ Thể lần thứ 41 nhờ bức tranh này.
Trong hai thập niên cuối cùng, tranh của Đăng chuyển từ phong cách ấn tượng sang siêu thực, mà đại diện xuất sắc nhất, Salvador Daili, đã trở thành một trong các bậc thầy Đăng đặc biệt ngưỡng mộ. “Siêu thực là cách tốt nhất để tôi biểu hiện mình,” anh nói. Trong một bức hoạ gần đây, bức “Đại dương mùa đông”, Đăng tự họa mình bên cạnh mẹ anh đang cho cha anh ăn chuối (Hình 2). Hai cặp vợ chồng trên nền phía sau cũng là cha mẹ anh thời họ còn là sinh viên ở Paris. Đăng đã hai lần đoạt danh hiệu “Hoạ sĩ có tác phẩm đẹp” tại triến lãm Chủ thể tại Tokyo. Tháng 11 này Đăng dự định sẽ tổ chức một triển lãm chung tại Hà Nội với 12 nghệ sĩ Nhật Bản.
Đăng nói rằng nội dung văn học của một tác phẩm nghệ thuật không phải là điều quan trọng. Cảm xúc mới là tất cả. “Trong sáng tạo khoa học lẫn nghệ thuật điều quan trọng nhất là trực giác. Bạn cảm thấy điều gì đó bằng trực giác. Bạn không thể giải thích được tại sao nó lại nảy ra trong đầu bạn,” anh nói.


Về nhân vật trong bài viết
Nguyễn Đình Đăng sinh năm 1958 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva năm 1982. Anh nhận học vị tiến sĩ vật lý hạt nhân năm 1985, và tiến sĩ khoa học toán lý năm 1990 tại đại học này. Anh đến Nhật Bản năm 1994 với tư cách là research fellow của Quỹ Tưởng niệm Nishina, và vào làm việc tại RIKEN năm 1995. Anh hiện là nhà khoa học nghiên cứu tại phòng Vật lý Ion Nặng thuộc Trung tâm Khoa học Máy gia tốc Nishina của RIKEN. Đồng thời anh cũng là nhà khoa học thuộc viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân trong viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nơi anh nhận biên chế từ năm 1982. Đăng là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam và hội Mỹ thuật Chủ thể Nhật Bản. Anh thạo tiếng Việt, Anh, Nga, và Pháp.
Trang web của anh: http://ribf.riken.go.jp/~dang/

Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Anh tại RIKEN Research Vol. 1 Issue 8, 4 August 2006
Bản tiếng Nhật: 芸術と科学を心に抱いて

Nhà vật lý Việt Nam thành đạt tại Nhật Bản


Bên cạnh nghiên cứu cấu trúc hạt nhân nguyên tử, Nguyễn Đình Đăng còn là một hoạ sĩ hoàn hảo
Bài của EDAN CORKILL
ký giả thường trực của Japan Times
đăng tại Japan Times ngày 8/12/2009
Nguyễn Đình Đăng dịch

Xử lý các con số: nhà vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Đăng trong phòng làm việc của mình tại viện RIKEN, thành phố Wako, tỉnh Saitama. Ảnh: Edan Corkill
Nguyễn Đình Đăng không lựa chọn Nhật Bản nhiều bằng nước Nhật đã chọn anh. Nhà vật lý hạt nhân người Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đồng thời là hoạ sĩ đến sống tại đây vào năm 1995 theo lời mời của RIKEN – viện nghiên cứu khoa học và công nghệ một phần được tài trợ bởi nhà nước.
“Đầu tiên tôi được mời tới Đại học Tổng hợp Tokyo 10 tháng vào năm 1994 theo tiến cử của thầy cũ của tôi tại Đại học Tổng hợp Maxcơva, rồi sau đó năm 1995 tôi được mời tới RIKEN,” Đăng giải thích. Từ đó anh làm việc tại cơ sở của RIKEN tại Wako thuộc tỉnh Saitama, lúc đầu như một research fellow, sau đó trở thành nhà nghiên cứu theo hợp đồng (contract researcher).
Đăng sống tại Wako cùng với vợ người Việt Nam và, cho tới gần đây, con trai, hiện là sinh viên đại học tại Hoa Kỳ. Anh có cái nhìn tích cực về mọi mặt của cuộc sống tại đây, ví dụ như độ tin cậy của hệ thống hành chính quan liêu -  “Nếu họ nói việc gì đó sẽ được giải quyết trong một tuần thì sẽ đúng là trong một tuần” – và mức chăm sóc tại các bệnh viện công cộng. “Khi vợ tôi có lần phải nhập viện, sự phục vụ tốt tới mức mà vợ tôi tưởng mình là bệnh nhân duy nhất của bệnh viện,” anh nói.
Nếu những điều này nghe có vẻ như những ưu đãi nhỏ, tưởng cũng nên nhớ tới những hình mẫu anh dùng để so sánh nước Nhật ngày hôm nay: đó là Việt Nam trong và sau chiến tranh, và Liên Xô.
Đăng sinh năm 1958 tại Hà Nội, có nghĩa là anh và gia đình anh ở về phía của Bắc Việt, tức là cộng sản, trong giai đoạn họ gọi là “kháng chiến chống Mỹ”, được biết đến tại phương Tây dưới cái tên Chiến tranh Việt Nam.
Vào giữa thập niên 1960 Đăng và gia đình phải đi sơ tán về nông thôn.
“Không có đánh nhau trên mặt đất ớ miền Bắc, song có các trận oanh tạc từ trên không,” anh giải thích. “Tôi nhớ có đêm tôi đã nhìn thấy cả chân trời phía Hà Nội đỏ rực vì lửa cháy.”
Tuy phải xa thành phố, Đăng vẫn tiếp tục đi học và sống bình thường, dù bị mất điện.
Anh nhớ lại chính thầy giáo dạy nhạc của anh đã bảo anh rằng, đối với anh, con đường duy nhất để tự phát triển là đi ra ngoại quốc. Anh đã quyết đạt mục tiêu này bằng cách duy nhất có thể: đó là giành điểm cao nhất  trong khi học phổ thông và nhờ đó đoạt học bổng đi học đại học ở nước ngoài trong khối cộng sản.
“Tôi là một trong những học sinh đạt điểm cao nhất cả nước,” Đăng nhớ lại.
Thế là vào mùa thu năm 1976 anh cùng hàng trăm học sinh Việt Nam trẻ tuổi và sáng dạ khác đã đáp chuyến tàu đặc biệt, trải qua một hành trình dài hai tuần lễ xuyên qua Trung Quốc, Mông Cổ, Siberia để tới Maxcơva. Hành trang của anh gồm một va-li đựng một bộ com-lê, một đôi giầy và một cái áo len cổ lọ – tất cả do nhà nước Việt Nam cấp.
“Chúng tôi chẳng có gì cả vì không có tiền,” Đăng vừa cười vừa nhớ lại. “Họ cho chúng tôi lựa chọn giữa cái áo len màu xanh và màu da cam.”
Đăng bắt đầu thành công vào cuối thập niên 1970. So với đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh mà anh đã để lại phía sau, Maxcơva là miền đất hứa. “Maxcơva thật đẹp và sạch, có nhiều toà nhà cao tầng. Có thể mua được hàng hoá trong các cửa hiệu,” anh nói.
Mê vẽ từ nhỏ, Đăng lao vào hội họa và dùng phần lớn thời giờ rảnh để ngồi trước giá vẽ.
Sau khi đậu bằng tiến sĩ vật lý hạt nhân, anh trở vè Việt Nam vào năm 1985. Anh lập gia đình, sinh con trai, rồi quay lại Maxcơva vào năm 1987 để hoàn tất học vị Tiến sĩ Khoa học – bằng cấp cao nhất của hệ thống đào tạo hàn lâm Liên Xô.
Trong lần thứ hai này, anh được thấy sự tan rã của chế độ Xô Viết. Các cửa hàng tại Maxcơva bây giờ trống trơn như Hà Nội trước đó một thập niên.
Quay lại Việt nam vào năm 1990, Đăng vào làm việc tại viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân, và sau đó 4 năm anh được mời sang Nhật Bản.
Nhà khoa học này nói anh chưa từng làm việc ở đâu có trang bị tốt như ở RIKEN. Nhiệm vụ của anh hiện nay là nghiên cứu cấu trúc của hạt nhân nguyên tử, một trong những thách thức then chốt của vật lý.
“Cơ bản mà nói, mục tiêu là nhằm tìm hiểu vũ trụ này đã được hình thành như thế nào,” anh nói.
Đăng thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật vào vốn tiếng Việt, Nga, và Pháp của anh, song anh nói các nhà nghiên cứu Nhật Bản tại RIKEN nói tiếng Anh tốt. “Ở đây cũng có nhiều người ngoại quốc làm việc”, anh nói thêm.
Lúc rảnh rỗi, Đăng tiếp tục vẽ. Năm 2003 một bức tranh của anh được nhận bày tại triển lãm của hội mỹ thuật tư nhân mang tên hội Chủ Thể. Đăng lập lại kỳ công này vào năm 2004, và tới năm 2005 hội này đã phong tặng anh danh hiệu “hội viên”, một vinh dự thường đòi hỏi hàng thập niên mới đạt được.

Thế hệ mới: Trong bức tranh "Ngày trưởng thành" vẽ năm 2008, Nguyễn Đình Đăng diễn tả con trai mình trước ngày lên đường sang Hoa Kỳ học đại học
Tranh của Đăng mang phong cách Siêu thực. Anh thích thể hiện cuộc sống hay ý nghĩ của mình bằng cách hoà trộn các vật thể khác nhau mang tính tượng trưng vào các phong cảnh mộng mị. Trong một bức tranh anh vẽ một kẻ đầu trâu đang bịt miệng một người đàn ông, nhằm diễn tả sự thiếu tự do biểu hiện trên đất nước quê hương anh.
“Nhật Bản hay ở chỗ anh có thể vẽ, về cơ bản mà nói, bất cứ cái gì,” Đăng nói. “Ở Hà Nội ngay cả tổ chức triển lãm cũng phải xin phép chính quyền.”
Tương tự như thế, cách nhìn của anh lên xã hội Nhật Bản nói chung được hình thành từ những trải nghiệm anh từng gặp ở những nơi khác. Ở Liên Xô ai cũng có vẻ như tức tối và nghi ngờ, anh nói, vì thế anh cảm kích trước sự lịch thiệp của người Nhật.
“Những người Mỹ có thể nói rằng họ không cần người ấn nút thang máy cho họ tại các cửa hàng bách hoá. Nhưng ở Nhật đó là bộ mặt của sự phục vụ thượng lưu, một cách để cửa hàng biểu thị lòng kính trọng đối với các khách hàng của mình,” anh giải thích.
Có thể Nhật Bản đúng là nước đã chọn Nguyễn Đình Đăng, qua lời mời làm việc ban đầu của RIKEN, song trải qua 14 năm nhà khoa học kiêm hoạ sĩ người Việt Nam đã tìm được nhiều lý do để chọn ở lại nơi đây.
Nguyễn Đình Đăng sẽ mở triển lãm cá nhân tranh của mình vào tháng Tư tại Fazioli Piano Showroom gần bến metro Tamachi ở Tokyo. Đón xem chi tiết tạiwww.fazioli.co.jp

Japan Times, thứ Ba ngày 8/12/2009
Dịch từ nguyên văn tiếng Anh Edan Corkill, “Vietnamese physicist thrives in Japan”,
Japan Times, mục “Who’s Who”, Dec. 8, 2009.
Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Đình Đăng

Saturday 7 November 2009

Vladimir Ashkenazy – Mục đích hàng đầu của tôi là chơi nhạc và làm nhạc công

Nguyễn Đình Đăng dịch


Lời giới thiệu của hãng thông tấn ABC của Australia




Vladimir Ashkenazy đang chỉ huy dàn nhạc

Nghệ sĩ piano và nhạc trưởng Vladimir Ashkenazy [1] là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất về âm nhạc cổ điển của thời đại chúng ta. Ông được khán giả tôn sùng và được đồng nghiệp kính trọng bởi cách tiếp cận âm nhạc khiêm tốn và ý nghĩa. Sinh ra tại nước Nga Xô-viết trước khi bỏ trốn sang phương Tây vào thập niên 1960, cách nhìn cuả cá nhân ông về cuộc sống trong cả hai thế giới cũng hấp dẫn như sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của ông. Vladimir Ashkenazy đã nhập quốc tịch Iceland và tài năng của ông đã đưa ông đi khắp thế giới.

Dưới đây là phần Nguyễn Đình Đăng trích dịch từ phỏng vấn Vladimir Ashkenazy (VA) do Monica Attard (MA) của hãng ABC thực hiện nhân dịp ông được mời làm chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Sydney (bắt đầu từ năm 2009). Nguyên văn toàn bài phỏng vấn bằng tiếng Anh đăng ngày 13/5/2007 có tựa đề Vladimir Ashkenazy: the Maestro

_____________________

ABC phỏng vấn Vladimir Ashkenazy (trích)

Monica Attard: Bây giờ, thưa ông Ashkenazy, liệu tôi có thể hỏi một chút về tiểu sử của ông? Ông có một tiểu sử lý thú. Ông sinh tại Gorky năm 1937 và cha mẹ ông là các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp.

Vladimir Ashkenazy: Không, không. Chị đã đọc quyển sách viết sai về chuyện này. Cha mẹ tôi không phải là các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Cha tôi chơi piano. Mẹ tôi không phải là nhạc công.

Monica Attard: Ồ, vậy ư?

Vladimir Ashkenazy: Đúng vậy. Chị đã đọc một quyển sách mà mọi người đều nói vậy từ 40 năm nay vì tất cả đều đọc quyển sách đó và có người nào đó đã nhầm lẫn.

Monica Attard: Và ông luôn luôn phải chữa lại, có phải vậy không?

Vladimir Ashkenazy: Vâng (cười).

Monica Attard: Khi nhớ lại tuổi thơ của mình, ông có nghĩ rằng có lẽ số phận luôn an bài để ông trở thành một nhạc công hay ông không tin vào số phận như vậy?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, khi chị còn là một đứa trẻ tôi không cho rằng chị thực sự biết trong tương lai mình sẽ ra sao (cười). Bố tôi không phải là một người chơi piano cổ điển. Ông ấy chơi nhạc nhẹ, mà thực ra tôi không bao giờ thích cả. Vì thế tôi không biết. Tất nhiên, tôi được nghe loại nhạc đó, nhưng tôi nhớ là một hôm mẹ tôi hỏi tôi: “Con có muốn thành nhạc công không?” và tôi trả lời đại loại: “Vâng, con muốn.” Mẹ tôi hỏi tôi muốn chơi gì, tôi trả lời là piano vì bố tôi chơi piano. Mọi việc bắt đầu như vậy song tôi không chắc tôi chịu ảnh hưởng của bố tôi, vì ông chơi thứ nhạc tôi không thích. Tôi bắt đầu học piano vào năm 1943 tại Moscow.

Monica Attard: Rồi ông vào học tại Nhạc viện Moscow, có đúng vậy không?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, đầu tiên tôi học trong trường. Trong 10 năm tại trường nhạc trung ương Moscow. Ở Nga người ta vào nhạc viện (đại học âm nhạc ở Nga – ND) lúc 17, 18 tuổi. Và sau đó, ở lứa tuổi đó, tôi vào nhạc viện học 5 năm.

Monica Attard: Học nhạc tại Liên Xô dưới chế độ cộng sản có những khó khăn đặc biệt gì không, hay trái lại, có dễ hơn ở những nơi khác không?

Vladimir Ashkenazy: Có lẽ. Song, chị biết đấy, thật là khó nói bởi vì ở Liên Xô điều quan trọng là nhà nước trả tiền cho toàn bộ học vấn, và thực tế là nhà nước trả tiền cho mọi thứ, nhà nước như là cha mẹ mình, chị hiểu chứ. Vì thế giáo dục là không mất tiền. Vì thế, về mặt này, đúng là không cần trả tiền cho bất cứ cái gì cả. Thực sự là, người ta còn cấp học bổng cho chị, nếu như chị có tài.

Ở phương Tây thì có khác. Ở phương Tây, người có tài thế nào cũng tìm được học bổng và không phải trả tiền học. Những người khác thì phải trả. Hoặc là những người có nhiều tiền, chẳng cần bận tâm tới nguồn tài trợ của ai khác, họ trả tiền học. Nhưng cái đó không hoàn toàn rõ ràng thẳng tuột như vậy ở phương Tây.

Còn ở Liên Xô thì rõ ràng. Không ai phải trả tiền học cả. Đó là cái khác biệt. Song điều đó không làm cho phương Tây trở nên quá tiêu cực bởi vì nếu một người thực sự có tài người ta sẽ tìm ra cách để giúp người đó.

Monica Attard: Tôi cho rằng ở phương Tây có nhiều người tài cũng bị rơi vào khe đá. Họ không đạt được mục đích.

Vladimir Ashkenazy: Ồ, chị biết đấy, có rất nhiều số phận, cá nhân, con người khác nhau đến thật khó cho một câu trả lời chung. Song tôi biết, vì nhiều người từng đến hỏi ý kiến tôi, chơi đàn cho tôi nghe, và nói cho tôi về những gì họ muốn làm, những gì họ làm được và không làm được. Tôi cho rằng tôi hiểu khá rõ những thanh niên, những nghệ sĩ trẻ tiến bộ như thế nào trong đời, và tôi có thể thấy rất rõ rằng, nếu một người mà có tài thì anh ta hoặc chị ta sẽ dễ dàng tìm được tài trợ để đi lên tiếp trên các nấc thang của sự nghiệp.

Chị thấy đấy, những người bất tài thì sẽ gặp khó khăn, tất nhiên rồi, song họ sẽ gặp khó khăn ở mọi nơi. Họ có thể nhận học vấn mà không phải trả tiền học trong một nước cộng sản, song họ cũng chẳng tiến lên được ở đâu cả.

Monica Attard: Ông có nghĩ rằng nước Nga hiện nay cũng có một sự quan tâm đặc biệt như thế cho những mưu cầu văn hoá và âm nhạc? Nước Nga dưới chính thể của Vladimir Putin ấy mà?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, không, tôi không biết nhiều về những gì đang diễn ra ở đó. Nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ quan âm nhạc thì ít hơn trước kia. Chắc chắn là như vậy. Người ta nói với tôi rằng họ gặp khó khăn trong việc duy trì một số nhạc viện và trường nhạc.

Các nguồn tài trợ tư nhân cũng không lấy gì làm to tát lắm, đại để cái gọi là chủ nghĩa tư bản ở Nga vẫn còn đang trong giai đoạn trẻ con, và những người rất, rất giàu – những người mới trở thành giàu có trong vài năm gần đây – hỗ trợ nghệ thuật không được tốt lắm. Đại để họ xa rời đời sống nghệ thuật, nhưng như chị biết đấy, đây mới chỉ là khởi đầu.

Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau này song tôi cho rằng Nhà nước hiện đang hỗ trợ Nhà hát Lớn (Bolshoi Theatre) bởi vì nó luôn là một kiểu đại sứ văn hóa đối với phương Tây, đối với thế giới, và theo tôi, cuối cùng Nhà hát Lớn đã sa sút tới mức đáng hổ thẹn đến nỗi Nhà nước phải quyết định giúp. Bây giờ thì ổn rồi, tôi cho là như vậy. Người ta sẽ đại tu lại nó và sẽ giúp nó hoạt động. Đó là điều tôi được biết.

Monica Attard: Tôi có thể quay lại một chút thời ông sống ở Liên Xô? Ông có thấy hạnh phúc không?

Vladimir Ashkenazy: Hạnh phúc (cười) là một vấn đề rất rộng. Ồ, khi tôi còn là một đứa trẻ, vâng, tất cả những gì tôi biết đó là tôi chơi piano và chơi rất giỏi, giỏi hơn rất nhiều một số bạn cùng lớp và tôi hạnh phúc khủng khiếp vì tôi chơi nhạc rất nhiều và chỉ tập trung vào mỗi việc đó thôi.

Khi chị trưởng thành tại Liên Xô chị bắt đầu hiểu ra chính thể độc tài ở đó khủng khiếp như thế nào.

Và đó là cái gì đó khác. Chị học được có thể nói gì và không thể nói gì. Chị học được cách phải ứng xử như thế nào, và làm thế nào để tìm được đường đi trong cái mê lộ của những gì có thể và không thể, bởi vì cái tự do mà chị, và bây giờ là tôi đã quen trải nghiệm, không tồn tại ở nước Nga. Không hề có tự do đi lại, không hề có tự do phát biểu quan điểm của mình, về cơ bản mà nói, không có tự do thực sự để làm cái mà chị muốn làm trong cuộc đời mình.

Thế nên trở thành một người trưởng thành quả thực là khó không thể tin được, nhưng tôi, về mặt nào đó, đã gặp may. Tôi đã tận dụng được từ học vấn rất tốt, từ các nghệ sĩ rất tài, các thầy giáo rất giỏi, từ cuộc sống âm nhạc, cho dù ở mức rất hạn chế, song rất tốt.

Monica Attard: Và tất nhiên ông đã biểu diễn ra mắt tại London vào năm 1963 và đó cũng chính là năm ông trốn sang phương Tây, có phải vậy không?

Vladimir Ashkenazy: Đúng, đúng. Tôi đã ở lại London khi tôi 26 tuổi và tôi đã rất may mắn vì ở lại được. Thực sự là tôi đã ở lại đó với hộ chiếu Xô-viết cuả tôi, mà sau này tôi còn sử dụng trong nhiều năm. Và những người Xô-viết không biết phải diễn giải quyết định ở lại Anh của tôi như thế nào. Song tôi vẫn bị liệt vào loại người không được hoan nghênh (persona non grata) tại Liên Xô. Tên tôi không được nhắc đến, băng đĩa của tôi không được bán, v.v. và v.v.

Chị biết không, tôi kể chị nghe một sự cố rất khôi hài, một sự thật rất tức cười. Vợ tôi, người Iceland, đã đến học tại Nhạc viện Moscow với tư cách là một sinh viên trao đổi từ Iceland. Tên của cô ấy hồi đó là tên bố cô Johannsdottir. Đó là tên ghi trong hộ chiếu của cô ấy, mặc dầu tại Iceland đôi khi cũng có khác. Nhưng cô ấy sống tại London từ bé, nên cô đến Moscow như một người Iceland từ London. Cô ấy và tôi học cùng một giáo sư, ông Oborin. Chị hiểu chứ?

Monica Attard: Dạ.

Vladimir Ashkenazy: Thế rồi, khi chúng tôi ở lại London, vài năm sau đó tôi nhớ là giáo sư của tôi qua đời và một cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông được xuất bản, vào khoảng giữa thập niên 1970 gì đó. Chúng tôi mua được cuốn sách đó ở phương Tây, tất nhiên bằng tiếng Nga. Chúng tôi mở ra xem, đọc từ đầu đến cuối, và xem phần phụ lục ở cuối cuốn sách có danh sách tất cả các học trò của ông.

Monica Attard: Dạ.

Vladimir Ashkenazy: Nhớ rằng cuốn sách được xuất bản tại Liên Xô nhé. Thế nên, tên tôi không có trong danh sách mà thực tế có lẽ tôi là học trò nổi tiếng nhất của ông ấy. Tên tôi không có trong danh sách nhưng tên vợ tôi, Johannsdottir, thì có bởi họ đã không biết, những chủ biên cuốn sách đó, đã hoàn toàn không biết rằng đó là vợ tôi, thế nên, OK, chúng ta cứ in tên đó!

Monica Attard: Vâng.

Vladimir Ashkenazy: Nhưng không có tôi.

Monica Attard: Đúng. Ông đã bị xoá trắng.

Vladimir Ashkenazy: Tôi đã bị xóa sổ hoàn toàn. Cho tới khi Gorbachev lên cầm quyền và khi đó tôi được mời trở về biểu diễn.

Monica Attard: Ông có được phục hồi lại quốc tịch Nga không?

Vladimir Ashkenazy: Tôi không đề nghị bởi lẽ tôi đã chính thức thôi quốc tịch Nga vào đầu thập niên 1970 và tôi chẳng bao giờ bận tâm phục hồi lại nó vì tôi không muốn.

Monica Attard: Và đến giờ ông vẫn không muốn?

Vladimir Ashkenazy: Vâng, đúng thế.

Monica Attard: Ông có lý do gì đặc biệt cho chuyện này?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, trước hết không có lý gì phải có nó bởi vì nó vô tích sự trong việc đi lại. Tôi không sống ở Nga. Tại sao tôi lại cần phải có nó? Chỉ để nói, này tôi có hộ chiếu Nga đây này ư? Chẳng có lý gì cả. Tôi cho rằng thủ tục sẽ rất lôi thôi và tôi không thấy lý do đặc biệt nào để làm cả. Bên cạnh tình trạng của nước Nga hiện nay, tôi hy vọng có một nước Nga tự do hơn nước Nga bây giờ, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ bàn về chuyện đó. Nhưng, về cơ bản mà nói, cái hộ chiếu đó đối với tôi chẳng có nghĩa gì cả.

Monica Attard: Cho nên, ông không thể biết được khi nào ông cùng gia đình sẽ lại quay về sống tại nước Nga?

Vladimir Ashkenazy: (Cười) Không, không.

Monica Attard: Không?

Vladimir Ashkenazy: Tôi đã sống ở phương Tây từ năm 1963, dài hơn thời gian tôi từng sống tại Nga, và các con cái tôi đều có gia đình ở phương Tây và mọi thứ. Hoàn toàn không có cơ hội (quay lại Nga – ND) đâu.

Monica Attard: Vâng. Ông có nói ông không tin nước Nga sẽ sớm có tự do và dân chủ. Tuần trước người ta bàn tàn rất nhiều về Yeltsin, vừa chết. Khi ông theo dõi các sự kiện ở nước Nga, tôi cho rằng ông quan tâm tới những gì đang xảy ra khi chế độ cộng sản tan rã trên tổ quốc ông, ông có quan điểm thế nào về Yeltsin?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, có lẽ tôi cũng như nhiều người trong số chúng tôi ở phương Tây nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản đã hết thời và dĩ nhiên nước Nga sẽ bắt đầu đi theo con đường dân chủ.

Chúng tôi đã hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất và có lẽ tất cả chúng tôi đều đã ao ước, song chúng tôi, tất cả chúng tôi, có lẽ đã không thấy rằng, nếu chị nhìn lại lịch sử nước Nga, nước Nga trước thời Liên Xô, với chế độ quân chủ và chuyên quyền khủng khiếp, rồi sau đó là chủ nghĩa cộng sản, chị sẽ thấy rằng nước Nga có một quá khứ dân chủ vẻn vẹn chỉ khoảng 12 năm, từ 1905 đến 1917, và ngay cả đấy cũng chưa phải là một nền dân chủ đầy đủ bởi Tsa hoàng vẫn còn đó và ông ta vẫn bức chế nhiều chuyện, rồi sau đó chính thể độc tài hoàn toàn nắm quyền từ sau Cách mạng năm 1917 và chế độ này kéo dài hơn 70 năm.

Cho nên lịch sử không thực sự thuyết phục chị tin rằng nước Nga bỗng dưng, từ năm 1991 cho đến giờ là 2007, sẽ trở thành một nền dân chủ hoàn toàn trong vòng 15, 16, hay 17 năm nữa. Sau một lịch sử như vậy tôi không cho rằng một thập niên rưỡi là đủ để thay đổi tâm tính con người, kết cấu của xã hội của một đất nước khổng lồ đang trong một tình trạng rất khó khăn để điều hành kinh tế và mọi thứ.

Monica Attard: Ông có tin rằng điều đó đến một lúc nào đó sẽ xảy ra không?

Vladimir Ashkenazy: Có thể có một hy vọng nào đó rằng nếu tình hình quốc tế chuyển theo một hướng, hướng nào thì tôi không biết, mà sẽ khiến cái đất nước khổng lồ, đất nước khó khăn này trở nên dân chủ hơn và có xu hướng ngả về phương Tây hơn, có thể tới một thời điểm nào đó ở đây sẽ có một nền dân chủ đại loại tương tự như dân chủ phương Tây. Cơ hội thì có đấy.

Nhưng thế giới có thể ngả theo hướng khác, và người Nga có thể quay sang phương Đông, và có Trời mới biết, có thể họ lại quay về phương Nam, và sẽ không có nền dân chủ. Ai mà biết được? Tôi chỉ có thể hy vọng mà thôi.

Monica Attard: Khi ông rời hẳn sang phương Tây sống, ông có thấy hạnh phúc với mọi mặt của cuộc sống không?

Vladimir Ashkenazy: Thế chị có thể cảm thấy được mình hạnh phúc với mọi mặt của cuộc sống không?

Monica Attard: Nhưng khi ông đến từ một đất nước có an ninh chặt chẽ và tập thể quan trọng hơn cá nhân, ông có cảm thấy một sự phân đôi khó xử không?

Vladimir Ashkenazy: Lúc đầu quả thật có khó khăn vì tôi chưa quen, nhưng sau khi tôi hiểu rằng đây là cách sống đúng đắn chứ không phải cái cách mà một tập thể hay một tên độc tài nào đó quyết định cho mình, như ở Liên Xô, thì tôi nghĩ ồ đó là cách mà con người nên sống.

Monica Attard: Và khi ông phát hiện ra rằng ông có tài vô cùng, thành công vô cùng, nổi tiếng trong thế giới âm nhạc, ông thấy tất cả những tin phóng đại và giật gân gắn với tài năng cực kỳ của ông là tích cực hay tiêu cực?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, chị biết đấy, tôi không bao giờ nghĩ nhiều về điều này bởi vì khi tôi học nhạc, và trong – như người ta nói – sự nghiệp – từ mà tôi không thích – nhưng không sao, trong cái kiểu tôi xuất hiện trước công chúng, tôi bắt đầu thành công, thì đó là cảm giác rất kỳ lạ, bởi tôi chưa bao giờ phấn đấu để đạt một thành công, hay tiếng tăm, hay bất cứ cái gì đó. Tất cả những gì tôi làm là làm thế nào chơi cho hay, để trở thành một nhạc công, và thế là bỗng dưng tôi thắng các cuộc thi, tôi trở nên đại loại như một thanh niên rất thành công ở nước tôi. Điều đó thật là đáng kinh ngạc.

Monica Attard: Vâng.

Vladimir Ashkenazy: Chị cũng biết vậy à? Rồi tôi nghĩ, ồ, nếu tôi đã thắng các cuộc thi đó và tôi đang thành công, thì tôi phải bắt tay vào lao động thật siêng năng bởi vì tôi phải chứng minh cho thành công đó bằng chơi đàn trước công chúng, và tôi bắt đầu làm việc rất chăm chỉ. Và đó là cái mà tôi đã làm suốt cuộc đời tôi, tập đàn rất nhiều, chuẩn bị cho các buổi hoà nhạc quan trọng, say mê công việc đó một cách ghê gớm bởi vì tôi yêu âm nhạc. Tôi chẳng cần phải nói với chị điều đó.

Mọi việc đã diễn ra như vậy. Đại loại là tôi biết rằng tôi là người thành công song thành công không phải là mục đích hàng đầu của tôi. Mục đích hàng đầu của tôi là chơi nhạc và làm một nhạc công bởi tôi rất yêu những gì tôi làm.

Monica Attard: Và chắc là để tiếp tục làm khán giả thích thú?

Vladimir Ashkenazy: Tôi chẳng bao giờ cố làm cho ai đó thích thú. Tôi cố chơi hay, và nếu người ta thích thì càng tốt.

Monica Attard: Rất cảm ơn ông, ông Ashkenazy, vì đã dành thời gian nói chuyện với chúng tôi tại ABC.

*

Thay lời kết: Khiêm tốn là sự xa hoa của các vĩ nhân

Sau khi Van Cliburn (23 tuổi, Hoa Kỳ) đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky lần thứ nhất (1958) tại Moscow đem lại vinh quang cho nước Mỹ, người Nga quyết giành lại giải nhất về cho Liên Xô. Trả lời về việc ông đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky lần thứ hai (năm 1963) cùng với John Ogdon (Anh), Vladimir Ashkenazy nói: “John Ogdon đã chơi concerto số 1 của Tchaikovsky hay một cách kỳ diệu trong khi tôi chỉ chơi hay thôi.” (“Ashkenazy – Still Russian to the core”, The Independent, 3/10/2008).

Trong bài “Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị” đăng tại Tuần Việt Nam ngày 24/6/2009, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết, trong một lần lỡ độ đường vào năm 1995, maestro Vladimir Ashkenazy đã tình cờ ghé TP HCM (Sài Gòn) 2 ngày. Lợi dụng dịp may trời cho này, Nhạc viện TP HCM đã cử một phái đoàn gồm các giáo sư tiến sĩ của nhạc viện do giám đốc nhạc viện đồng thời là một giáo sư – tiến sĩ – nghệ sĩ nhân dân dẫn đầu tới hotel gặp Ashkenazy để mời ông biểu diễn tại nhạc viện. Sau khi đã giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của đoàn với đầy đủ chức danh, học vị, các giáo sư nhạc sĩ của ta hỏi ông ta (trích nguyên văn) Ashkenazy là gì? Thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa? Và câu trả lời là: “Tôi chỉ là Ashkenazy”. Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sĩ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: “Tôi chỉ là Ashkenazy”. Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? Hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: “Tôi chỉ là Ashkenazy!”

Xem Vladimir Ashkenazy chơi Etude Op. 10 No. của Chopin tại YouTube (thu năm 1963) . Người phụ nữ tóc vàng trong clip là vợ ông, Thorunn Johannsdottir-Ashkenazy.

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Đình Đăng
--------------------------------------------------------------------------------

[1] Vladimir Ashkenazy (sinh ngày 6/7/1937) là nghệ sĩ piano kiệt xuất đồng thời là nhạc trưởng người Nga (gốc Do Thái). Ông đoạt giải nhì tại cuộc thi piano Chopin năm 1955, giải nhất cuộc thi âm nhạc mang tên Hoàng hậu Elisabeth tại Brussels năm 1956, giải nhất cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky năm 1962 tại Moscow (cùng với John Ogdon người Anh). Năm 1963 ông bỏ nước Nga Xô-viết sang Anh. Năm 1977 ông nhập quốc tịch Iceland. Ông hiện sống với vợ (người Iceland) tại Thụy Sĩ. Ông từng là nhạc trưởng các dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia Anh (1987 – 1994), Tiệp (1998 – 2003), NHK (Nhật Bản, 2004 – 2009). Ông được thưởng 6 giải Grammy (1974, 1979, 1982, 1986, 1988, 2000) và giải cống hiến Hanno R. Ellenbogen Citizenship Award năm 2000.

Saturday 31 October 2009

Đi tìm Rumpelstiltskin

Nguyễn Đình Đăng

Trong bài “Chuyên nghiệp… nghiệp dư và cách đưa tin mập mờ” tôi đã viết “Trường âm nhạc Việt Nam (nay là HVANQGVN) đã có công đào tạo Đặng Thái Sơn trong những năm ông học sơ cấp và trung cấp piano tại Việt Nam.” Trong bài phản hồi “Đọc Nguyễn Đình Đăng (và nhớ đến Rumpelstilzchen)” tác giả Trịnh Hữu Tuệ đã dùng tới 6 câu để khẳng định lại điều tôi đã viết trong một câu nói trên. Song, điều này không đảo ngược sự thật mà tôi đã phân tích là: “Giải nhất cuộc thi Chopin mà Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 phải được coi là thành tựu của Nhạc viện mang tên Tchaikovsky của Nga, nơi ông Sơn theo học 3 năm trước khi đoạt giải, và các giáo sư Nga của ông, thì mới đúng.” Tiếc thay, trong bài phỏng vấn tại TT&VH không có từ nào cho Nhạc viện Tchaikovsky của Nga! Sự nhập nhằng này trong văn cảnh bài phỏng vấn dễ khiến cho những ai không biết rõ câu chuyện, nhất là những người sinh sau 1980, có thể lầm tưởng rằng Đặng Thái Sơn được đào tạo hoàn toàn tại trường Âm nhạc Việt Nam, rồi từ đó được cử sang Ba Lan thi Chopin và đoạt giải, như các em học sinh HVANQGVN mới đây đi Jakarta thi rồi đoạt giải vậy, cho dù tầm cỡ các cuộc thi này là hoàn toàn khác nhau.

Về cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin, nguyên văn trả lời của bà Trần Thu Hà là như sau: “Mặc dù NSND Đặng Thái Sơn khi tham gia cuộc thi Chopin mới ở tuổi 22, nhưng cuộc thi đó được đánh giá là cuộc thi chính quy dành cho người lớn.” Đọc câu này, tôi hiểu là “Đặng Thái Sơn tuy còn rất trẻ nhưng đã tham gia và đoạt giải tại một cuộc thi dành cho người lớn.” Sự thực thì không phải như vậy như tôi đã giải thích trong bài.

Về cuộc thi âm nhạc tại Jakarta cũng như vài cuộc thi khác về âm nhạc hay các ngành khác, cách đưa tin của TT&VH nói riêng và nhiều tờ báo khác trong nước nói chung mập mờ ở chỗ chỉ nói đến người Việt Nam đoạt giải mà không nói rõ bối cảnh của toàn bộ giải[1]. Người đọc sẽ có cảm giác khác nếu được biết chi tiết về vị trí của cuộc thi cũng như kết quả của tất cả các thí sinh đoạt giải (piano) như tôi đã trích dẫn trong bài.

Về vị trí của HVANQGVN, độ ngắn dài của bài phỏng vấn không thể được viện dẫn làm lý do biện hộ cho những khẳng định thiếu bằng chứng, nhất là những khẳng định tuyệt đối (categorical statement) như “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” hay “HVANQGVN là trường hàng đầu trong khu vực” [2].  Ngoài ra, người đọc phải hiểu là khu vực nào đây? Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), Đông Nam Á, Đông Á, hay châu Á? Theo tôi hiểu thì ở đây là Đông Nam Á (vì cuộc thi tại Jakarta là có tên là ASEAN International Concerto Competition). Song, bà Hà lại nói: “Một số cuộc thi diễn ra ở khu vực Đông Nam Á, nhưng thực ra là mở rộng cả châu Á (trong đó có sự tham gia của các nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc).” Cần lưu ý rằng đoạn cuối cùng được đánh dấu hoa thị (*) trong bài phỏng vấn (nói về việc HVANQGVN thừa hưởng hệ thống đào tạo thời Xô-viết XHCN) là do TT&VH thêm vào sau khi bài viết của tôi đã được đăng. Copy bản đầu tiên của bài phỏng vấn mà tôi đang lưu giữ không có phần này. Việc có một số học sinh đoạt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc, Olympiad về toán học, vật lý, hoá học không phải là bằng chứng rằng một quốc gia có nền âm nhạc, toán học, vật lý, hoá học đứng hàng đầu khu vực hay quốc tế. Đề tài này đã được nhiều tác giả nói đến trên báo trong và ngoài nước nên tôi không bàn tới ở đây nữa.

Nói về vai trò của HVANQGVN, Trịnh Hữu Tuệ chú thích thêm: “Thậm chí, chúng ta tự hỏi số phận của ông Sơn – với một người bố như vậy trong một thời kỳ như vậy – sẽ ra sao nếu không có Nhạc viện Hà Nội.” Dễ thấy đó là một cách đặt ngược vấn đề đã nêu trong bài của tôi và nhiều bài khác về Đặng Thái Sơn: “Số phận của ông Sơn sẽ ra sao nếu không gặp giáo sư Isaac Katz và nhạc viện Tchaikovsky?”[3] Trịnh Hữu Tuệ còn nhắc tới Bùi Công Duy (sinh 1981) như công dân Việt Nam từng đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho thiếu niên (1997), nhưng lại quên không cho người đọc biết rằng “Bùi Công Duy là một trong những điển hình hiếm hoi của giới trẻ Việt Nam đã được đào tạo một cách bài bản ở chiếc nôi đào tạo về âm nhạc lớn nhất thế giới. Ngay từ 10 tuổi Duy đã sang Nga học.”[4] Cũng theo bài báo tại Phong Cách: “Với Bùi Công Duy thì hình như `ngay cả cách suy nghĩ cũng một nửa là của người Nga’, vì 14 năm được đào tạo tại Nga và cả vì sự cảm hoá của những người thầy, người bạn.” Bùi Công Duy từ Nga về nước năm 2005 khi anh 24 tuổi. Như vậy giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho thiếu niên mà Bùi Công Duy đã đoạt năm 16 tuổi cũng là thành tựu của nhạc viện ở Nga.

Đọc các phản biện như thế này, bỗng dưng tôi nhớ tới những buổi tập tranh luận (bằng tiếng Anh) mà con trai tôi và các bạn của cháu tham gia khi cháu còn học cao học, tức lớp 10 – 12 ở Nhật (Hiện nay cháu đã 22 tuổi và đang là sinh viên đại học). Thầy giáo nêu đề tài, ví dụ “Hút thuốc lá”. Học sinh tham gia được chia làm 2 phe (bằng cách rút thăm): một phe phải ủng hộ (bảo vệ, thuyết phục) luận điểm “Hút thuốc lá có hại”, phe kia - “Hút thuốc lá có lợi”. Học sinh phải chuẩn bị diễn văn, lập luận, thu thập bằng chứng. Tới buổi tranh luận, mỗi người chỉ được nói trong một khoảng thời gian quy định chung cho tất cả. Thầy giáo làm người điều phối. Các lớp thi với nhau. Những người tranh luận giỏi được nhà trường cho vào đội tuyển đi thi với các trường khác trong vùng, trong tỉnh, liên tỉnh, cả nước v.v. Đó thật sự là những bài học vỡ lòng bổ ích cho các nam thanh nữ tú về cách thể hiện mình, cách thuyết phục người khác, cách tư duy độc lập về nhiều vấn đề, cách lập luận có cơ sở, diễn giải mạch lạc, ngắn gọn, đúng văn phạm bằng một ngoại ngữ, v.v. Tất nhiên đó chỉ là một liên tưởng vẩn vơ của tôi, như thể trong khi nghe tiếng đàn nhị của một người đàn bà hành khất ngồi trước cổng một ngôi chùa tại đảo Phú Quốc thì bỗng dưng tôi lại nhớ tới tiếng violin của Leonid Kogan chơi trên sân khấu nhà văn hoá trường đại học quốc gia Moscow nhiều năm trước, hay như khi đang ăn bún ốc đột nhiên lại thấy thèm rượu vang và pho-mat vậy!

Cuối cùng quý độc giả thử đoán xem ai sẽ có hân hạnh được sắm vai Rumpelstiltskin trong câu chuyện này.

Tokyo 29/10/2009

© 2009 Nguyễn Đình Đăng

--------------------------------------------------------------------------------
[1] Thậm chí tại cuộc thi piano quốc tế Chopin của châu Á lần thứ 7 (7th International Chopin Piano Competition in Asia) tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2006 một thí sinh Việt Nam đã đoạt giải khuyến khích (奨励賞 Encouraging Prize, như đã ghi rõ trên bảng kết quả của các thí sinh hạng trung học). Vậy mà khi về Việt Nam giải này bỗng dưng được hô biến thành giải đặc biệt (特別賞Special Prize) là giải không hề có tên trong cuộc thi này. Giải đặc biệt cố nhiên nghe “oách” hơn giải khuyến khích và cũng… mập mờ hơn. Như thế nếu không phải là háo danh và không thành thực với chính mình và với mọi người thì là gì đ̣ây? Khỏi cần phải lo thêm nhiều rơm cỏ cho rặm bụng, mà cũng chẳng nên đổ tại đánh máy nhầm, bởi ngay cả sau khi đã nhận được thông tin chính xác, chỉ có duy nhất báo Tuổi Trẻ ngày 14/6/2006 là đã cải chính lại.

[2] Đến ngay người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại các cuộc họp báo (với thời gian khá eo hẹp mà vấn đề thì nhiều) cũng vẫn thường phải nói thêm: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…” để làm cơ sở cho các khẳng định.

[3] Theo dịch giả Trịnh Lữ và một số bà con của ông, năm đó GS Isaac Katz đã phát hiện ra 2 nhân tài piano có triển vọng xuất sắc của Việt Nam là Đặng Thái Sơn và Trịnh Thị Nhàn – em gái ông Trịnh Lữ, và đã đề nghị phía Việt Nam cho hai người sang Nhạc viện Tchaikovsky tu nghiệp. Song cuối cùng, chỉ có ông Đặng Thái Sơn được đi. Bà Trịnh Thị Nhàn tốt nghiệp đại học âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (tức HVANQG hiện nay), và hiện sống tại Pháp.

Nếu không có Nhạc viện Hà Nội, ông Đặng Thái Sơn vẫn có thể trở thành pianist vì ông có tài và thực tế là thân mẫu của ông – bà Thái Thị Liên – là người đã dạy ông piano trong suốt thời gian ông học sơ cấp và trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội (Xem phỏng vấn của Trịnh Tú tại Lao Động ngày 12/6/2006). Nhưng nếu không gặp GS Isaac Katz và sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky, ông Đặng Thái Sơn chắc sẽ không đoạt giải nhất piano councours mang tên Chopin năm 1980. Điều này đã được nói tới nhiều lần và thiết nghĩ đã trở thành sự thật hiển nhiên.

[4] Xem “Bùi Công Duy: “Chất” Nga trong con người Việt”, Phong Cách, 2/11/2007



Tuesday 27 October 2009

Đã mập mờ lại thiếu sòng phẳng

Nguyễn Đình Đăng


Sau khi đọc bài “Thể thao & Văn hóa (TT&VH) phỏng vấn nguyên giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (HVANQGVN)” (bài phỏng vấn), tôi đã gửi một ý kiến bình luận ngắn cho TT&VH, trong đó tôi nêu 2 điểm:

1 – Giải nhất concours Chopin mà Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 phải được coi là thành tựu của Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), nơi Đặng Thái Sơn theo học 3 năm trước khi đoạt giải, mới đúng.

2 – ĐTS, đoạt giải Chopin năm 22 tuổi, không phải là trẻ trong số những người đoạt giải (nhất) cuộc thi này.

Thay vì nhìn thấy ý kiến của mình được đăng trên TT&VH, tôi nhận được email ngày 7/10/2009 của ông/bà Đỗ Doãn Phương – tự giới thiệu là trưởng phòng văn hóa xã hội của TT&VH, thanh minh về một số câu chữ trong bài phỏng vấn và nói muốn biên tập lại ý kiến của tôi, nếu được phép, rồi mới đăng.

Tôi đã trả lời email này và gửi kèm bài phản hồi “Chuyên nghiệp… nghiệp dư và cách đưa tin mập mờ” mà tôi phát triển từ ý kiến phản hồi của mình. Trong trả lời TT&VH tôi viết: “Tôi nghĩ rằng đăng bài này tại Quý Báo là phù hợp nhất vì nó liên quan tới bài phỏng vấn nói trên. Song tôi không tin rằng Quý Báo sẽ đăng bài này của tôi mà không kiểm duyệt cắt xén nó đi. Tuy nhiên tôi vẫn gửi để Quý Báo tham khảo thông tin. Tôi sẽ đăng bài này tại một chỗ khác[1]. Trong trường hợp Quý Báo sẵn sàng đăng nguyên văn bài này, đề nghị Quý Báo cho tôi biết.” Ngay sau đó, tôi đã nhận được trả lời từ ông/bà ĐDP, trong đó có viết: “Cảm ơn sự thẳng thắn của anh. Bây giờ đã là 21h Việt Nam, ngay lập tức tôi chưa thể trả lời anh rằng sẽ đăng bài phản hồi trên TT&VH hay không, vì tôi cần báo cáo với lãnh đạo tòa soạn rồi sẽ trả lời anh sớm. Dĩ nhiên chúng tôi cũng sẽ trả lời thẳng thắn chứ không vòng vo, vì anh đã chọn cách thẳng thắn.”

Tuy nhiên, 2 ngày sau, thay vì một câu trả lời thẳng thắn, tôi lại nhận được từ ông/bà Đỗ Doãn Phương một email có nội dung (vòng vo) muốn trao đổi về những điểm nêu trong bài phản hồi của tôi. Trong trả lời của mình, tôi đã đề nghị TT&VH “trao đổi công khai vấn đề này trên báo”. Tôi cũng nói rằng “nếu đã chủ trương thảo luận về vấn đề này trên báo thì việc đăng lại bài phản hồi của tôi là cần thiết, để tránh việc phản biện một chiều. Vì những lý do đó, tôi cho rằng chúng ta nên ngừng mọi thảo luận chi tiết qua email tại đây”.

Ông/bà Đỗ Doãn Phương đã trả lời tôi như sau: “Tôi nhất trí với quan điểm của ông là dừng cuộc thảo luận trên email này. Nhưng cho phép tôi được nói thêm một lời nữa. Ấy là những gì tôi trao đổi với ông chỉ là những suy nghĩ từ phía chúng tôi, ngõ hầu làm rõ một vấn đề thôi, chứ không phải là điều cần thiết để đưa ra dư luận.” Cuối cùng, sau khi tôi hỏi lại vậy thì rốt cuộc TT&VH có đăng bài phản hồi của tôi không, ông/bà Đỗ Doãn Phương viết: “Rất tiếc, bài của ông có một số nội dung có thể không liên quan trực tiếp đến chủ đề, cho nên, nếu đăng TT&VH sẽ phải biên tập lại. Vì vậy TT&VH rất tiếc là không thể đăng được nguyên văn bài viết này như đề nghị của ông. Nhưng có thể đăng bản sau khi biên tập.”

Vì thế tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy những trao đổi này của ông/bà Đỗ Doãn Phương sau đó lại xuất hiện hầu như nguyên văn trong bài viết đăng ngày 15/10/2009 trên TT&VH dưới tựa đề “Thành tích của Đặng Thái Sơn có liên quan gì đến Nhạc viện HN không?” của tác giả mang bút danh Đông Kinh. Hơn nữa, bài viết đó có bàn về các ý kiến của tôi nhưng tác giả lại không hề đăng nguyên văn các ý kiến này. Theo tôi, cách xử sự như vậy là không sòng phẳng và mị dân (ở đây là các độc giả). Nếu sòng phẳng thì, như tôi đã đề nghị, TT&VH cần đăng bài phản hồi của tôi hoặc ý kiến bình luận ngắn mà tôi đã gửi đến TT&VH bên cạnh bài viết của Đông Kinh hay chí ít cũng có một đường link tới các ý kiến hoặc bài phản hồi của tôi để độc giả có thế tra cứu đối chứng.

Sự thiếu sòng phẳng còn có mặt trong chính cách đặt câu hỏi ở bài viết của Đông Kinh. Ở đây, tác giả nêu ra 3 điểm, trong đó câu trả lời cho điểm 1 và 2 đã có trong bài phản hồi của tôi. Câu hỏi thứ 3 do Đông Kinh tự đặt ra là: “Thành tích của tất cả các sinh viên đi du học và rồi cả sự thành đạt sau này của họ trong cuộc sống nữa có còn liên quan đến ngôi trường đã cử họ đi học hay không? Và như thế, có còn liên quan đến đất nước quê hương nữa không? Tôi nghĩ rằng những người từng du học, đặc biệt là được cử đi học ở nước ngoài, hay những người Việt thành đạt ở nước ngoài luôn có câu trả lời hợp đạo lý trước hết cho chính bản thân mình”. Thực chất đây là một lý lẽ ngụy biện kiểu “người rơm”, mà tôi đã phân tích trong bài “Báo chí văn chương”. Ngụy biện kiểu “bù nhìn rơm” là cách đánh lạc hướng sự chú ý, tạo ra một dạng bóp méo lý lẽ của đối phương thay cho lý lẽ thực sự mà đối phương đưa ra, và công kích cái lý lẽ bị bóp méo đó. Một dạng khác của ngụy biện đánh lạc hướng này có tên là “cá trích đỏ”. Đây là cách lẩn tránh vấn đề chính (việc nhập nhằng coi giải nhất cuộc thi piano Chopin năm 1980 là “thành tựu nổi bật của HVANQGVN”, mà lờ đi vai trò của Nhạc viện Tchaikovsky và các bậc thầy piano Nga), đánh lạc hướng sự chú ý sang một đề tài khác (vai trò của ngôi trường trong nước, của quê hương đối với thành tích của những người đi học nước ngoài, để “rao giảng đạo lý” cho những người Việt Nam thành đạt ở ngoại quốc) để dễ quy kết, chụp mũ đối phương dựa trên argumentum verecundiam (lý lẽ dựa vào uy tín) và argumentum ad popolum (lý lẽ dựa vào công chúng). Tôi không muốn mình cũng sẽ trở nên xấc xược nếu dám lên mặt giảng giải với bất kỳ ai trong số các độc giả khả kính về những cái gọi là đạo lý như thế này, bởi lẽ việc uống nước nhớ nguồn, con biết ơn cha mẹ, học trò biết ơn thày giáo và trường cũ là một lẽ tự nhiên trong đạo đức của nhiều dân tộc trên thế giới chứ không phải là nét độc đáo gì của riêng người Việt chúng ta. Tuy vậy, tôi thấy cần nói rõ điểm sau đây.

Tôi e rằng không phải ai cũng nhớ đây là mối quan hệ hai chiều. Những học trò sau này thành đạt đem lại thanh danh cho ngôi trường và những người thày đã từng dạy họ. Những người tài thành danh ở ngoại quốc, bất luận những người đó được quốc gia của họ cử đi học (bằng tiền thuế của dân), hay tự túc đi học, hay vượt biển tìm tự do rồi học hành để thành công, hay được người ngoại quốc nhận làm con nuôi rồi thành đạt v.v. đều là niềm tự hào của dân tộc và quốc gia đó[2]. Thiết nghĩ, quốc gia cũng đừng bao giờ quên điều này để biết cách đối xử với họ cho tử tế. Trong bài “Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát?” tôi đã viết rõ: Nhà nước và mọi tổ chức chính trị là do dân tạo ra và có nghĩa vụ phục vụ nhân dân chứ không phải ngược lại. Ngân sách nhà nước, trong đó có ngành giáo dục, là do nhân dân đóng thuế mới có. Quan điểm ‘nhân tài phải phục vụ nhà nước’ nay cần được đổi thành ‘nhà nước và các công ty tư nhân (hay cổ phần) phải biết cách trọng dụng nhân tài’, tức là phải đối xử tử tế với họ về mọi mặt để họ có thể tự do phát triển tất cả tài năng của họ, qua đó đem lại lợi ích cho đất nước, nhà nước và các công ty. ‘Đối xử tử tế’ ở đây cần được hiểu đầy đủ bao gồm tiền lương, trách nhiệm, quyền hạn v.v. tương xứng với tài năng của trí thức. Người tài không có lỗi nếu họ rời bỏ quê hương ra nước ngoài vì ở nước đó họ thấy được đối xử tốt hơn. ‘Đất lành thì chim đậu.’ Con người cũng vậy. Họ có quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn chỗ ở, tự do thay đổi quốc tịch.

Có làm được như vậy thì câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mới không còn đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu suông.

Tokyo 26/10/2009
© 2009 Nguyễn Đình Đăng

[1] Sau khi TT&VH từ chối đăng bài phản hồi, tôi đã đăng bài này tại talawas blogblog cá nhân của tôi.

[2] Ví dụ mới nhất là tin một người Đức gốc Việt, tiến sĩ Philipp Rösler (36 tuổi), mới được bầu làm bộ trưởng y tế Đức. Về việc này nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài “Mời cu Lờ làm thủ tướng” đã viết như sau: “… sướng rêm, máu tự hào dân tộc nổi lên, dù đã say vẫn nốc hết ly rượu to, hút hết nửa bao thuốc mới chịu lên giường. Lên giường rồi vẫn không ngủ được, cứ nghĩ vẫn vơ, giá mình là bố Philipp Roesler, nghe tin này thì sẽ thế nào nhỉ? Mới nghĩ đến thế đã nước mắt dàn dụa.

Saturday 10 October 2009

Chuyên nghiệp… nghiệp dư và cách đưa tin mập mờ





Nguyễn Đình Đăng
Báo Thể thao & Văn hoá (TTVH) số ra ngày thứ Bảy 03/10/2009 có đăng bài với tựa đề “Học sinh Học viện Âm nhạc liên tiếp giành giải thưởng quốc tế – Vẫn còn khoảng cách xa so với giải của Đặng Thái Sơn!“, phỏng vấn giáo sư – tiến sĩ (GS-TS) Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN).

Phóng viên TTVH cho rằng giải nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin (dưới đây gọi là cuộc thi Chopin) mà nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 là “thành tựu nổi bật” của HVANQGVN, song bà Hà không hề cải chính. Bà còn khẳng định “mặc dù NSND Đặng Thái Sơn khi tham gia cuộc thi Chopin mới ở tuổi 22, nhưng cuộc thi đó được đánh giá là cuộc thi chính quy dành cho người lớn.” Chưa hết, bà Hà còn nói: “Một nước tiên tiến, có nhiều sự đầu tư lớn như Nhật Bản, họ cũng mong muốn có những tài năng lớn, nên với họ chỉ cần có một người đại diện cho châu Á đi thi họ cũng đã thấy rất tự hào. Họ cũng đã có nhiều giải cao ở các kỳ thi lớn, nhưng giải cao ở kỳ thi Chopin thì vẫn chưa có.”

Thật đáng ngạc nhiên khi một đại diện gạo cội của làng âm nhạc hàn lâm “chuyên nghiệp” Việt Nam lại bộc lộ tư duy khá là… nghiệp dư! Và cũng rất tiếc khi cả người phỏng vấn lẫn người trả lời phỏng vấn đều nói khá là… mập mờ về cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Jakarta (Indonesia) hồi tháng 8 vừa qua, cũng như về các giải thưởng mà các thí sinh Việt Nam đã đoạt. Trên cơ sở những phát biểu như vậy, bài báo đánh giá “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” (!)

Dưới đây người viết bài này (NV) hy vọng giúp độc giả đặt sự vật vào đúng chỗ của chúng. Để tránh hiểu nhầm, xin được nói ngay rằng NV không hề có thành kiến với bất cứ ai trong số người phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn, cũng như tất cả những người được nhắc tên trong bài báo nói trên.

Giải nhất cuộc thi Chopin mà Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 phải được coi là thành tựu của Nhạc viện mang tên Tchaikovsky của Nga, nơi ông Sơn theo học 3 năm trước khi đoạt giải, và các giáo sư Nga của ông thì mới đúng. Tất nhiên, trước hết đó là kỳ tích của cá nhân ông Đặng Thái Sơn, và còn là của các cụ thân sinh ra ông Sơn là cụ ông Đặng Đình Hưng và cụ bà Thái Thị Liên. Trường âm nhạc Việt Nam (nay là HVANQGVN) đã có công đào tạo Đặng Thái Sơn trong những năm ông học sơ cấp và trung cấp piano tại Việt Nam. Trong bài “Không cần mạ vàng cho hoa huệ“[1] chính Đặng Thái Sơn đã nói như sau: “Tôi bắt đầu đi học khi Việt Nam có chiến tranh, và điều kiện học tập không hề chuyên nghiệp. Tôi đến Maxcơva vào năm 1977 và chỉ được có 3 năm để trở thành một nghệ sĩ dương cầm thực thụ. Đó là một khoảng thời gian ngắn không thể tin được. Sau khi tôi thắng cuộc, tôi quyết định quay về học. Thông thường, người ta bắt đầu sự nghiệp sau khi đoạt giải. Còn tôi thì chỉ cảm thấy là mình chưa sẵn sàng. Và tôi không cảm thấy sẵn sàng cho mãi đến tận năm 1986.“

Đó là chưa nói Việt Nam lúc đầu còn bác bỏ đề nghị của giáo sư Isaac Katz cho Đặng Thái Sơn sang Nga học (35 năm trước, GS Isaac Katz, trong khi sang Việt Nam dạy piano, đã phát hiện ra tài năng của Đặng Thái Sơn). Lý do rất đơn giản: cha của Sơn là cụ Đặng Đình Hưng – một nhân vật của Nhân Văn – Giai Phẩm. “Giáo sư Isaac Katz yêu cầu lần thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn với những du học sinh con ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông tạo một sức ép đủ mạnh để người học trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn”[2]. Trong thư gửi cho cha mình, Đặng Thái Sơn viết: “Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-tan-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”[3]

Cuộc thi Chopin, được tổ chức 5 năm một lần, cho phép các thí sinh trong độ tuổi từ 17 đến 28 tham gia (Riêng năm 2010, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Chopin, cuộc thi lần thứ 16 nới rộng độ tuổi thành từ 17 đến 30). Vì thế Đặng Thái Sơn, đoạt giải năm 22 tuổi, không phải là trẻ trong số những người đoạt giải nhất cuộc thi Chopin. Bản thân ông Sơn cũng công nhận điều này. Trong bài “Không cần mạ vàng cho hoa huệ” đã dẫn, ông nói: “Thông thường, một nghệ sĩ dương cầm bắt đầu phát triển từ khi còn là một đứa bé con. Có nhiều điều tôi đã không thể làm được khi tôi còn là một đứa bé. Đó là lý do vì sao tôi bị muộn màng thế này.” Một người ở tuổi 22 chắc chắn là một người lớn, chứ không còn là thiếu niên nhi đồng nữa. Luật pháp của đại đa số quốc gia trên thế giới quy định tuổi thành niên (tuổi trở thành người lớn) là khoảng 18 – 21 tuổi (Ví dụ, Việt Nam: 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam, Nhật Bản: 20 tuổi, Hoa Kỳ: 21 tuổi).

Những người trẻ tuổi đoạt giải nhất cuộc thi Chopin là:

- Maurizio Pollini (Italia, 18 tuổi, đoạt giải năm 1960)

- Krystian Zimerman (Ba Lan, 19 tuổi, đoạt giải năm 1975)

- Stanislav Bunin (Nga, 19 tuổi, đoạt giải năm 1985)

- Yundi Li (Trung Quốc, 18 tuổi, đoạt giải năm 2000)

Khi nói người Nhật vẫn chưa có “giải cao” tại cuộc thi Chopin, chắc bà Hà nghĩ “giải cao” chỉ là giải nhất. Thực sự cuộc thi Chopin có 5 giải, và người Nhật đã nhiều lần đoạt giải tại cuộc thi này (chỉ còn thiếu giải nhất), cụ thể là:

giải nhì: Mitsuko Uchida (năm 1970);

giải ba: Yukio Yokohama (năm 1990, không có giải nhất);

giải tư: Hiroko Nakamura (năm 1965),

Michie Koyama (năm 1985),

Shohei Seikimoto và Takashi Yamamoto (năm 2005);

giải năm: Akiko Ebi (1980),

Takako Takahashi (1990, không có giải nhất),

Rika Miyatani (1995, không có giải nhất).


Aimi
Thần đồng piano Nhật Bản Aimi Kobayashi (sinh năm 1995).
Xem Aimi Kobayashi chơi Chopin tại YouTube

Nền âm nhạc cổ điển của Nhật Bản có lịch sử hơn 100 năm. Bại trận trong đại chiến thứ 2, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, là nước duy nhất trên thế giới bị ném bom nguyên tử (tới 2 quả!), Nhật Bản đã vươn lên một cách phi thường, và đã cải tổ không ngừng, trở thành cường quốc thứ 2 trên thế giới. Ngày nay Nhật Bản có một mạng lưới nhạc viện và trường nhạc dày đặc, trình độ dạy nhạc và học nhạc cao, các phòng hoà nhạc hiện đại vào bậc nhất thế giới, nhạc cụ đầy đủ, chất lượng tốt, được bảo hành thường xuyên, trình độ thưởng thức âm nhạc cổ điển của công chúng cũng ở mức cao. Nước Nhật có tới 20 dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp[4]. Ngoài ra còn rất nhiều dàn nhạc giao hưởng nghiệp dư biểu diễn thường xuyên. Nước Nhật tự mình sản xuất ra các nhạc cụ nổi tiếng thế giới như Yamaha piano kể từ hơn 100 năm trước. Người Nhật từng đoạt giải nhất tại nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế kể cả cuộc thi âm nhạc lừng danh mang tên Tchaikovsky (piano: Akiko Uehara, năm 2002; violin: Akiko Suwanai năm 1990, và Maiuko Kamio năm 2007). Đem âm nhạc hàn lâm của ta ra đặt cạnh âm nhạc hàn lâm của Nhật Bản khác nào đứng dưới đáy vực mà nhìn lên đỉnh núi. Cho nên, việc người Nhật đoạt giải nhất tại cuộc thi Chopin chỉ là vấn đề thời gian trong tương lai gần. Trong khi đó, NV thật không muốn nghĩ rằng, đối với Việt Nam, hiện tượng Đặng Thái Sơn tại cuộc thi Chopin năm 1980 chắc chỉ còn là câu chuyện của lịch sử.

Trên thế giới hàng năm có rất nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế. Tuy nhiên chỉ có những cuộc thi nằm trong danh sách thành viên của Liên đoàn Thế giới của Các cuộc thi Âm nhạc Quốc tế (World Federation of International Music Competitions, WFIMC) như cuộc thi Chopin mới có tầm cỡ được quốc tế công nhận. Theo danh sách các thành viên của WFIMC[5], châu Á có 12 thành viên từ 3 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, bao gồm 6 cuộc thi tại Nhật Bản: piano ở Hamamatsu, opera ở Hamamatsu, sáo ở Kobe, organ ở Tokyo, âm nhạc ở Sendai, nhạc thính phòng ở Osaka, 3 cuộc thi tại Hàn Quốc: kèn ở Jeju, cello ở Tongyeong, âm nhạc ở Seoul, và 3 cuộc thi tại Trung Quốc: piano ở Hạ Môn, violon ở Thanh Đảo, thanh nhạc ở Ninh Ba. Khu vực Đông Nam Á chưa có cuộc thi nào lọt vào danh sách thành viên của WFIMC.

Cuộc thi tại Indonesia mà bài báo tại TTVH đề cập có tên là ASEAN International Concerto Competition (AICC) lần thứ 3 tại Jakarta từ 7 đến 16/8/2009. Cuộc thi này được tổ chức 2 năm một lần, và dĩ nhiên không phải là thành viên của WFIMC. Theo website của cuộc thi[6], cuộc thi này dành cho các thí sinh từ 13 đến 24 tuổi tức là từ thiếu niên đến người lớn. Theo bảng kết quà cho bộ môn piano[7] ta thấy:

Bảng C (trình độ cao nhất, tương đương đại học, từ 19 tới 24 tuổi)

Giải nhất: Gee Hyung Ha (Hàn Quốc)

Không có giải nhì và giải ba

Lọt vào chung kết
: Nichapat Valaiphatchra (Indonesia)

Chỉ có 4 thí sinh tham dự bảng này.

Bảng B (trình độ trung bình, tương đương trung cấp, từ 13 tới 18 tuổi)

Giải nhất: Joseph Nakaya Clarence (Indonesia) và Jiaqi Jin (Trung Quốc)

Không có giải nhì

Giải ba: Kansiri Laothamatas (Thái Lan)

Có 28 thí sinh tham dự bảng này.

Bảng A (trình độ thấp nhất, tương đương sơ cấp, dưới 13 tuổi)

Giải nhất: Đỗ Hoàng Linh Chi (Việt Nam), Tin Jing Fang (Trung Quốc) và Jennifer Salim (Indonesia)

Giải nhì: Janice Carissa (Indonesia)

Giải ba: Vidia Karlan (Indonesia) và Nguyễn Lương Minh (Việt Nam)

Có 39 thí sinh tham dự bảng này.

Trong bảng A này thí sinh phải chơi những tác phẩm sau:

Vòng 1: một etude của Czerni hoặc Mozkowski và một Invention hoặc sinfonia của Bach. Thời gian tổng cộng không quá 8 phút.

Vòng 2: một chương của một sonate thời kỳ cổ điển do thí sinh tự chọn và một tác phẩm bất kỳ do thí sinh tự chọn (không quá 5 phút). Thời gian tổng cộng không quá 15 phút.

Vòng 3: Chương 1 piano concerto cung Re trưởng của Haydn (chơi với một người đệm bằng piano thứ 2 thay cho dàn nhạc)

Như vậy, trong bộ môn piano tại AICC, Việt Nam có 1 thí sinh đoạt giải nhất (cùng với 1 thí sinh Trung Quốc và 1 thí sinh Indonesia) và 1 thí sinh đoạt giải ba (cùng với 1 thí sinh Indonesia) ở bảng A – bảng trình độ sơ cấp. Việt Nam không có ai đoạt giải tại hai bảng cao hơn là bảng B và C. Kết quả như vậy dĩ nhiên là hơn 33 thí sinh không đoạt giải gì ở bảng sơ cấp. Nếu qua các cuộc thi như thế này, các nhạc công tương lai của Việt Nam có thêm hứng khởi, rèn luyện được thêm bản lĩnh biểu diễn, biết được mình đứng ở đâu để tiếp tục phấn đấu thì đó quả là điều bổ ích cho sự nghiệp âm nhạc của họ sau này. Tuy nhiên, nếu dựa vào đây để khẳng định rằng HVANQGVN là trường “hàng đầu trong khu vực” hay “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” thì e rằng hơi… quá trớn, ít nhất về piano – chuyên ngành của bà GS-TS, người trả lời phỏng vấn. Nói một cách khác, những bằng chứng cho thấy “HVANQGVN là trường hàng đầu trong khu vực” hay “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” hoàn toàn vắng bóng trong bài phỏng vấn nói trên.

Đây không phải là lần đầu tiên NV buộc phải… động phím gõ về cách đưa tin nhập nhằng của một số tờ báo trong nước. Trong bài “Đừng coi thường độc giả”[8] NV cũng đã đề cập tới tình trạng này. Xem ra các tràng pháo háo danh của người Việt chúng ta vẫn tiếp tục nổ giòn giã[9]. Dường như từ lâu những tiếng nổ đó đã hoàn toàn át mất tiếng lòng sâu lắng của lương tâm: Hãy thành thực với chính mình và với mọi người, dù chỉ một lần.
Tokyo 8/10/2009
© 2009 Nguyễn Đình Đăng

--------------------------------------------------------------------------------


[2] Hoàng Khởi Phong, Đặng Thái Sơn: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, talawas 29/3/2005. Chú ý: bài của Hoàng Khởi Phong có một số chi tiết sai, ví dụ ĐTS sang Nga năm 1976 (thực ra là năm 1977), khi đi thi Chopin ĐTS đã tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky (thực ra khi đó ĐTS là sinh viên năm thứ 3), ĐTS được cấp học bổng 60 rúp một tháng (thực ra học bổng của tất cả sinh viên Việt Nam học tại Liên Xô thời đó là 70 rúp một tháng), v.v.

[3] Theo Thế Giang, Cay đắng nở hoa. Chú ý: Thế Giang đã nhầm khi viết rằng GS Natanson đã sang Hà Nội. Người sang Hà Nội năm 1974 và phát hiện ra ĐTS là GS Isaac Katz.






[9] Rất mừng là chưa có ai trong số những nhân tài đã đoạt giải tham gia vào các vụ “nổ” nói trên.

Monday 5 October 2009

Tiễn bố

(Tiễn đưa thân sinh Nguyễn Đình Nam qua đời ngày 29/9/2009 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi.)

Nguyễn Đình Đăng

Bố yêu quý,

Thật khó chấp nhận ý nghĩ rằng đây lại là lời đưa tiễn bố vào cõi vĩnh hằng, hay về với cát bụi, như sinh thời bố thường nói.

Chúng con không biết có bao nhiêu trí thức Việt Nam đã trải qua một hành trình đầy chịu đựng trong cõi đời như bố. Song chúng con biết chắc chắn rằng bố đã nhẹ nhàng thư thái ra đi sau khi đã hưởng niềm hạnh phúc lớn nhất trên thế gian này: Tình Yêu. Vâng, sau bao nhiêu ảo vọng, khi niềm tin vào lý tưởng đã bị thực tế phản bội, khi sự thật về cuộc đời phù du này chỉ được bố tóm tắt bằng câu: “Vanitas vanitatum omnia vanitas” (Hư danh của hư danh, tất cả đều là hư danh), thì chỉ có Tình Yêu là lý do duy nhất khiến cho cuộc đời này trở nên đáng sống.

Một trong các vĩ nhân của nền văn minh Pháp mà bố thường nhắc đến, Blaise Pascal tiên sinh từng nói: “Sự rõ ràng trong tư tưởng cũng có nghĩa là sự rõ ràng trong niềm say mê. Đó là lý do vì sao những bộ óc vĩ đại và minh mẫn từng yêu rất mãnh liệt và hiểu rõ mình yêu cái gì.” Một tình yêu nồng nàn đã tỏa sáng lấp lánh từ những vần thơ bố viết tặng mẹ ngày 16 tháng 7 năm 1967 khi cuộc chiến tranh phá hoại do Hoa Kỳ tiến hành trên miền Bắc Việt Nam đang ở lúc gay go ác liệt:

Đêm nay anh sẽ nhìn em ngủ,
Hôn mái tóc thơm, miệng nở hoa.
Trăng sáng ghé nhìn qua cửa sổ,
Thấy tình đằm thắm vợ chồng ta.


Dự định của anh đã chẳng thành,
Lá thư vừa đến, mộng tan tành:
Em không về được vì công tác,
Mênh mông buồn ngập cõi lòng anh!


Buồn đến rồi ra lại ước mong,
Không ai yêu mến vợ bằng chồng.
Tuần này anh đợi em về nữa.
Em có yêu anh, có nhớ không?

Hạnh phúc lớn nhất của gia đình ta là bố đã gặp mẹ. Hạnh phúc tiếp theo là cả bố và mẹ đều là trí thức, đều từng du học ở Pháp. Cũng như nhiều sinh viên Việt Nam thế hệ của những năm 40, bố say mê văn chương, khoa học phương Tây thông qua nước Pháp, nhưng lại căm ghét chế độ thực dân ở Đông Dương. Đó không phải là một nghịch lý nếu hiểu rằng không ít trí thức Việt Nam luôn có chung một suy tư rằng chỉ có dân trí cao và kiến thức văn minh của nhân loại mới làm cho quốc gia nhỏ bé này ngẩng mặt được với năm châu, chỉ có những giá trị toàn cầu mới giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi cái mặc cảm nhược tiểu thâm căn cố đế ngự trị trong tâm lý của những cư dân trên dải đất hình chữ S. Cũng bởi lý do đó mà trí thức Việt Nam, bên cạnh Nguyễn Du, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan của mình, trong khi liên tục phải đấu tranh lật ách đô hộ và sự đồng hóa của bá quyền phương bắc, vẫn trích dẫn Đỗ Phủ, vịnh Đường Thi, đọc Cổ Học Tinh Hoa, sử ký Tư Mã Thiên, xem tranh Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch, trong khi chống lại thực dân Pháp vẫn say sưa từ Corneille, Racine, Molièrre, Lamartine, Hugo, tới Musset, Baudelaire, Verlaine, André Gide, và trong chiến tranh Việt Nam, các trí thức Hà Nội vẫn trân trọng những tư tưởng tự do và nhân quyền của Patrick Henry, Franklin Roosevelt. Chính vì vậy mà, mặc dầu những khó khăn chung của đất nước trong chiến tranh, chúng con từ nhỏ đã nhận được một nền giáo dục toàn diện từ chính bố mẹ mình. Nền giáo dục tự do dân chủ trong tình yêu không vụ lợi này ưu việt hơn hẳn những gì chúng con đã “được dạy” trong nhà trường.

Nhà văn Nga Anton Tchekhov từng nói đại ý rằng giá trị của đời người được đo không phải bằng số năm tháng, mà bằng những khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong cuộc đời đó. Năm 1972 Mỹ lại ném bom miền Bắc. Mọi người ở thành thị một lần nữa lại phải đi sơ tán. Lần này gia đình ta phải chia làm bốn. Bố sơ tán cùng trường bố dạy học. Minh đi bộ đội theo lệnh tổng động viên. Mai Chi theo mẹ. Đăng sơ tán theo trường nhạc. Một ngày tháng mười, mẹ, Mai Chi và Đăng đạp xe đi thăm bố. Con đường từ chỗ Đăng sơ tán đến chỗ bố dài khoảng ba chục cây số, và đi qua Sơn Đồng - một thị trấn nhỏ nằm trên trục đường nhựa đi Hà Nội nhưng khá sầm uất với nhiều hàng phở, quán cơm hai bên đường. Ba mẹ con đến Sơn Đồng vào gần trưa và đều đói. Vì thế mẹ bảo dừng lại ăn trưa tại một quán phở cạnh đường. Tuy nhiên, trước khi gọi phở mẹ bỗng dưng đổi ý định, nói: “Ngồi ăn ở đây cũng mất ít nhất nửa tiếng. Bố chờ lâu sẽ sốt ruột và lo. Hay là các con và mẹ ráng chịu đói, đạp xe đi tiếp. Gặp bố rồi ăn sẽ càng vui.” Thế là ba mẹ con lại lên xe đạp và tiếp tục đi. Sau khi ba mẹ con đi khỏi Sơn Đồng được chừng nửa cây số thì máy bay Mỹ ập tới oanh tạc thị trấn. Trận bom đó đã san phẳng Sơn Đồng. Nhiều người chết. Người ta thấy cả những xác trâu trúng bom bị hất tung lên nằm vắt trên cành cây to. Dãy hàng quán hai bên đường qua thị trấn bị bom phá sập tan tành, kể cả cái quán phở tại đó mẹ và chúng con suýt nữa đã ngồi lại ăn. Tình yêu đối với bố đã cứu ba mẹ con thoát chết. Tình yêu đó cũng đã giúp mẹ vượt qua mọi khó khăn về tinh thần, vật chất, tuổi tác, để chăm sóc bố trong suốt 23 năm kể từ sau khi bố bị tai biến mạch máu não vào năm 1986.

Niềm say mê của bố không chỉ được đóng khung trong văn chương, tiếng Anh, tiếng Pháp, toán học, âm nhạc, mà còn lan sang cả các lý tưởng đương thời. Và đây là điểm bắt đầu mọi đau khổ tinh thần của bố, cũng là của các con cháu - những người thừa hưởng từ bố và ông của chúng một tình yêu chân lý tuyệt đối, một niềm tin vào sự hoàn hảo, không chịu được những gì hời hợt, giả tạo, nửa vời, công phẫn trước những ngang trái, băng hoại đạo đức trong xã hội. Tiếc thay, thế giới này ngay từ đầu đã không hoàn hảo. Ở một đất nước đầy đau khổ như Việt Nam nó lại càng bất hoàn hảo tới mức bất … hảo! Song chúng con chắc bố cũng không muốn nhắc lại những điều ti tiện nhỏ nhen mà cuộc đời đã bắt bố phải gánh chịu để nuôi dạy chúng con nên người. Trong ký ức của chúng con không chỉ có những hình ảnh bố thời thanh xuân chụp với ông bà và các cô chú dạo chơi trên bãi biển Sầm Sơn, bố mẹ sóng đôi đi dọc boulevard Saint Michel, đứng trên cầu trong công viên Montsouris ở Paris, những buổi tối cả nhà ta quay quần quanh mâm cơm, rồi sau đó trẻ con cãi lộn, đùn nhau rửa bát. Chúng con còn thấy hiện lên bóng dáng bố, đầu đội mũ sắt, chân đi ủng, gò lưng đạp xe trên con đường thôn quê còn chưa khô hết bùn, thồ gạo, dầu, mắm, muối, sách vở và cả đĩa hát về nơi sơ tán cho chúng con, nghe văng vẳng đâu đây giọng ca thiên thần của Tino Rossi

J'attendrai le jour et la nuit
J'attendrai toujours ton retour
J'attendrai car l'oiseau qui s'enfuit
vient chercher l'oubli dans son nid
Le temps passait court en battant tristement
dans mon coeur si lourd
Et pourtant j'attendrai ton retour

phát ra từ cái kèn hát chạy bằng dây cót bố đem từ Hà Nội về nơi sơ tán, thấy lấp loáng mảnh vải nhựa màu lục bố khoác làm áo mưa khi đi ra chợ quê mua da trâu về để ninh cho chúng con ăn thay thịt, thấy vầng sáng vàng vàng của ánh đèn bão chiếu lên chân dung Nikolai Lobachevsky mà bố bảo Đăng vẽ để minh hoạ trong buổi nói chuyện ngoại khoá của bố về hình học phi Euclid cho các học sinh cấp 3 tại nơi sơ tán, nghe thấy vang lên tiếng bố gọi: “Mai Chi…i !” rồi tiếng bánh xe đạp của bố đập vào rễ cây bàng sau cổng nhà mình mỗi khi bố đi dạy học về. Và cứ mỗi lần nghĩ như vậy, bên cạnh nỗi buồn vô hạn là bố đã đi xa, chúng con lại thấy lâng lâng một niềm tự hào vì được làm con của bố.

Bố ơi,

Bố thường nói: “Chết là hết.”, song chúng con không tin như vậy. Cho dù không chắc có một chốn Thiên Đàng nơi những người hiền sau khi chết sẽ bay lên ngồi bên cạnh Chúa Trời, hay một Địa Ngục nơi những kẻ tham lam, tàn ác, tội lỗi, sẽ bị lũ quỷ sứ hành hạ, chúng con tin rằng, con, cháu, chắt, … chính là sự tiếp nối cuộc đời của con người. Chính vì vậy hình ảnh, tinh thần của bố sẽ luôn sống cùng con cháu - những người mang DNA của bố. Sự chết chóc về thể xác chỉ như những chiếc lá rụng từ cây đời mãi mãi xanh tươi. Đúng như một đại văn hào Pháp mà bố ưa thích, cụ Anatole France, từng nói, chỉ có những người tầm thường, những người không biết làm gì với cuộc đời này mới muốn sống mãi không bao giờ chết. Mong bố hãy yên nghỉ. Tinh thần, tư tưởng mà bố đã truyền cho các con cháu và các học trò của mình sẽ còn mãi với thời gian.

Tokyo, 2 tháng 6 năm 2009 *)



© 2009 Nguyễn Đình Đăng
__________________________

*) Tôi bắt đầu viết bài này vào cuối tháng 5/2009 khi biết bố tôi đã rất yếu và sắp ra đi. Mẹ tôi đã đọc cho bố tôi nghe nguyên văn bài này ít lâu trước khi bố tôi qua đời. Theo lời mẹ tôi, sau khi đọc xong, mẹ hỏi bố có hiểu không, nếu hiểu thì hãy mỉm cười ra hiệu thì bố tôi đã mỉm cười.