Tuesday 26 May 2009

A, B, C VỀ TỰ DO TRÍ TUỆ VÀ KIỂM DUYỆT *)

Nguyễn Đình Đăng

“Ở nơi nào người ta đã đốt sách, người ta sẽ kết thúc bằng đốt sinh mạng con người.”

Almansor (1821) - Heinrich Heine

A. Tự do trí tuệ là gì và tại sao nó quan trọng?

Tự do trí tuệ có nghĩa là bất kỳ một cá nhân nào sống trong xã hội loài người đều có quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin thuộc mọi quan điểm mà không hề bị bất cứ một trở ngại nào. Tự do trí tuệ vì vậy bảo đảm cho con người quyền tự do bộc lộ ý tưởng bằng nhiều cách khác nhau qua đó có thể làm sáng tỏ mọi khía cạnh của một vấn đề, một nguyên nhân, hay một trào lưu. Như vậy tự do trí tuệ có quan hệ mật thiết với tự do ngôn luận và tự do biểu hiện. Thiếu tự do trí tuệ xã hội sẽ dễ dàng bị một thiểu số nhân danh dư luận, nhân danh nhà cầm quyền, nhân danh các nhà tài phiệt, hay nhân danh một giai cấp, tầng lớp nào đó trong xã hội v.v. lừa dối. Của cải vật chất, tinh thần, tài nguyên, lãnh thố của quốc gia và cả sinh mạng con người dễ bị lợi dụng nhằm đạt mục đích ích kỷ của một số người hoặc các tập đoàn.

Tự do trí tuệ là một trong những hòn đá tảng xây nên nền móng của một xã hội dân chủ. Trong một xã hội dân chủ, mỗi người dân là người chủ của chính mình, là người điều khiển chính bản thân mình, chứ không phải ai khác. Nhưng để mỗi người dân có thể chịu trách nhiệm về việc đó, mọi công dân của xã hội phải được nhận đầy đủ thông tin. Tự do trí tuệ như vậy bao gồm tự do tàng trữ, tiếp nhận và phát tán thông tin.

Đối kháng với tự do trí tuệ là kiểm duyệt.

B. Kiểm duyệt là gì, nó xảy ra như thế nào và ai là người muốn kiểm duyệt?

Kiểm duyệt là sự ngăn cấm, loại bỏ, hay đàn áp những ý tưởng hoặc thông tin mà một số người thấy không chấp nhận được hoặc cho là nguy hiểm. Những người này có thể là một số cá nhân, nhóm người, hoặc một số người nhân danh nhà cầm quyền. Kiểm duyệt bắt đầu khi có một người nói: “Chớ có cho ai đọc quyển sách đó (hoặc mua số báo đó, hoặc coi bộ phim hoặc vở kịch đó, hoặc nghe bài hát hoặc bản nhạc đó, hoặc xem bức tranh đó) vì tôi không đồng ý.” Các nhà kiểm duyệt ép các cơ quan, trường học, nhà xuất bản, báo chí, tổ chức, công ty, viện nghiên cứu, v.v. loại bỏ các thông tin mà họ cho là không thích hợp hoặc nguy hiểm, không cho phép công chúng tiếp xúc với các thông tin đó. Kết quả là không ai có thể có cơ hội đọc hoặc xem các thông tin này để có thể tự suy nghĩ và phán xét đúng, sai, hay, dở về chúng. Các nhà kiểm duyệt muốn tự đánh giá, xếp loại, phân “luồng” thông tin cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, đã là công dân một xã hội dân chủ, pháp quyền, thì bất kỳ người nào cũng có quyền đọc, nhìn, nghe, và tuyên truyền các ý tưởng không vi phạm hiến pháp, cho dù nhà kiểm duyệt không muốn chấp nhận những ý tưởng đó đi chăng nữa.

Kiểm duyệt xảy ra khi các tài liệu bày tỏ ý tưởng như sách, báo, phim, ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, v.v. (gọi chung là “tài liệu”) bị loại bỏ hoặc cất đi không cho công chúng xem. Một số cá nhân hoặc nhóm người “điểm mặt chỉ tên” những “tài liệu” mà họ phản đối. Trong một số trường hợp, các nhà kiểm duyệt cấm các trường học không được sử dụng các “tài liệu” này, cấm các hiệu sách, hiệu đĩa, hiệu băng video không được lưu giữ chúng, cấm các nhà xuất bản không được ấn hành chúng, cấm các galleries, các phòng triển lãm không được trưng bày chúng. Kiểm duyệt cũng xảy ra khi một số “tài liệu” bị hạn chế phạm vi sử dụng, chỉ được sử dụng đối với một loại công chúng dựa trên một số tiêu chuẩn về tuổi tác, hoặc các tiêu chuẩn khác (ví dụ sách báo, phim ảnh dành cho người lớn, v.v.).

Trong đại đa số trường hợp, nhà kiểm duyệt (hoặc người có tư tưởng kiểm duyệt) thường chân thành tin rằng kiểm duyệt có thể làm xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn, có thể bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, và giữ gìn hoặc khôi phục cái mà nhà kiểm duyệt cho là “giá trị tinh thần”, “bản sắc dân tộc”, hay “thuần phong mỹ tục”, v.v. Các nhà kiểm duyệt có thể thật sự tin rằng một số “tài liệu” có chứa nội dung quá khích, chống lại, thậm chí phá hoại trật tự xã hội hiện hành tới mức không còn cách nào khác để ngăn chặn “tác hại” của chúng, ngoài việc “khai tử” cho các “tài liệu” này, tức là loại bỏ chúng, không bao giờ công bố chúng. Một số nhà kiểm duyệt khác thì lo ngại rằng những người trẻ tuổi hoặc yếu đuối hơn sẽ có thể làm điều xấu do bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng xấu. Thậm chí, vẫn còn không ít người tin rằng có một ranh giới hết sức rõ ràng giữa những tư tưởng “đúng đắn”, phù hợp với “đạo đức” và những tư tưởng “sai trái”, “đồi bại”. Những người này muốn đảm bảo rằng xã hội sẽ chỉ có lợi nếu tuân theo quan điểm của họ. Họ tin tưởng rằng một số cá nhân nào đó, hoặc một số tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào đó, thậm chí toàn xã hội sẽ lâm nguy nếu một số tư tưởng riêng rẽ nào đó được lan truyền rộng rãi mà không bị ngăn cản.

Trớ trêu thay, điều mà các nhà kiểm duyệt thường không để tâm đến là kiểm duyệt không khác gì con dao hai lưỡi đối với chính các nhà kiểm duyệt. Cụ thể là, nếu như ngày hôm nay các nhà kiểm duyệt thành công trong việc loại trừ hay đàn áp các tư tưởng mà họ không thích, ngày mai những người khác có thể sẽ dùng chính cái tiền lệ đó để loại trừ hay đàn áp những tư tưởng mà các nhà kiểm duyệt hôm nay đang ưng ý. Cách đây 150 năm, trong tác phẩm Bàn về tự do (1859), John Stuart Mill [1] đã viết: “Nếu như toàn nhân loại, ngoại trừ một người, có chung một quan điểm, và chỉ có một người duy nhất có quan điểm trái ngược, thì bằng cách bịt miệng người đó, toàn nhân loại cũng chẳng có lý gì hơn là chính người đó, nếu y có quyền, sẽ dùng quyền lực của mình để bịt miệng toàn nhân loại.” Ông còn viết: “Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng quan điểm mà chúng ta đang gắng sức bóp chết là một quan điểm sai; và nếu chúng ta có chắc chắn đi chăng nữa thì việc bóp chết nó vẫn cứ là một điều quái gở.”

C. Mối quan hệ giữa kiểm duyệt và tự do trí tuệ

Những quyền mà các nhà kiểm duyệt thực hiện khi họ phát biểu quan điểm hoặc mối lo ngại của họ về các tác phẩm của đương sự (nhà xuất bản hay tác giả) cũng chính là những quyền mà đương sự đó cần được bảo vệ khi đối mặt với nhà khiểm duyệt. Điều đó có nghĩa là khi các nhà kiểm duyệt công bố cho công chúng biết sự phê phán của họ chống lại một số ý tưởng nào đó, họ đã thực hiện những quyền đúng như những quyền của người sáng tạo ra hoặc truyền bá các “tài liệu” mà các nhà kiểm duyệt phản đối. Điều đó cũng có nghĩa là, trong một xã hội dân chủ, quyền của các nhà kiểm duyệt trong việc phát biểu và thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm của mình sẽ được luật pháp bảo vệ chừng nào quyền của những người phát biểu quan điểm đối nghịch cũng được luật pháp bảo vệ. Quyền của cả hai phía đều phải được luật pháp bảo vệ như nhau. Nếu không, không phía nào có thể tồn tại lâu dài được.

Lịch sử nhân loại đã làm chứng cho vô vàn các cuộc kiểm duyệt. Sách vở thường xuyên bị kiểm duyệt vì nội dung chính trị, tình dục, hoặc ngôn ngữ xúc phạm tới chủng tộc, dân tộc, văn hóa, giới tính, lập trường chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo của các nhóm người khác nhau. Các tài liệu bị coi là nhảm nhí, tục tĩu, khiêu dâm, hoặc không thích hợp cho thiếu nhi cũng thường bị kiểm duyệt. Từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ được các biểu hiện của mình bằng văn bản, nhiều người đã bị thiêu sống trên giàn lửa, bị ép uống thuốc độc tự tử, bị đóng đinh câu rút, bị giam cầm, đày ải, hành hạ, sỉ nhục chỉ vì những gì họ đã viết ra và tin theo. Sau đây chỉ là một vài ví dụ điển hình. Đầu năm 213 TCN Tần Thủy Hoàng định “xóa sổ” lịch sử bằng cách ra lệnh đốt tất cả sách sử trừ những sách sử của nhà Tần. Những ai tàng trữ hai bộ Kinh ThiKinh Thư hoặc sách vở của trăm nhà đều phải đem trình quan để đốt đi. Hai người dám bàn nhau về Kinh Thư, Kinh Thi thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Một năm sau Tần Thủy Hoàng ra lệnh bắt 460 Nho sĩ đem chôn sống. Heinrich Heine từng viết trong vở kịch Almansor (1821) của mình: “Ở nơi nào người ta đã đốt sách, người ta sẽ kết thúc bằng đốt sinh mạng con người”. Một thế kỷ sau, lời tiên trì của Heine đã thành sự thật ngay tại quê hương ông. Năm 1933 những người Đức Quốc xã bắt đầu bằng việc đốt sách tại Berlin. Trong số sách báo bị đốt đó có cả các tác phẩm của chính Heinrich Heine. Tám năm sau, Đức Quốc xã dựng nên các trại tập trung và lò thiêu người, mà điển hình là trại Auschwitz, nơi một triệu một trăm ngàn con người đã bị thiêu chết, trong đó 90% là người Do Thái. Tại Liên Xô trong những năm 1940 - 1950 Stalin đã ra lệnh đốt toàn bộ sưu tập sách của người Do Thái thuộc thư viện ở Birobidzhan - thủ phủ của khu vực tự trị của người Do Thái lúc bấy giờ, nằm ở Viễn Đông, giáp vùng Khabarovsk, Amur của Nga, và biên giới giữa Nga và Trung Quốc. Trong cuốn Khủng bố vĩ đại tác giả Robert Conquest cho biết khoảng 10 triệu người đã bị hành quyết hoặc chết trong các nhà tù dưới chế độ Stalin. Khi Stalin chết vào năm 1953, Liên Xô có 12 triệu người bị giam trong các trại tập trung.

Trong số những lời phản đối kiểm duyệt của các trí thức và nhân vật lừng danh trên thế giới trong lịch sử cận đại, hùng hồn nhất có lẽ là phát biểu của thủ tướng Anh Winston Churchill. Ông nói: “Các bạn hãy nhìn các nhà độc tài đang ngự trên bệ, bao bọc bởi những hàng lưỡi lê của quân lính và dùi cui của đội cảnh sát của họ. Thế nhưng con tim của họ đang bị bao trùm bởi một nỗi sợ hãi không nói được và không thể nói được nên lời! Họ sợ các lời nói và ý nghĩ. Những lời nói được phát ra bên ngoài, những ý nghĩ sôi sục bên trong, tất cả bỗng chốc trở nên mạnh mẽ hơn, chính bởi vì chúng bị cấm đoán. Những cái đó làm họ hoảng sợ. Chỉ một con chuột nhắt, một tư tưởng nhỏ xíu như con chuột nhắt, xuất hiện trong phòng đã khiến cả những thống lãnh quyền lực nhất rơi vào trạng thái hoảng loạn.”

D. Sự vô nghĩa của kiểm duyệt tự do trí tuệ trong thời đại internet

Trong bức thư ngày 7 tháng 1 năm 1794 gửi nhà độc tài Robespierre [2] vì đã đốt tờ báo Vieux Cordelier, nhà cách mạng và nhà báo Pháp Camille Desmoulins [3] đã trích dẫn lời của Jean-Jacques Rousseau: “Đốt không phải là câu trả lời”. Desmoulins đã phải trả giá cho câu nói của mình bằng chính mạng sống của ông: Ngày 31 tháng 3 năm 1794 ông bị bắt và bị đem ra xử tại “Tòa án cách mạng”. Tại đây ông bị buộc tội “gián điệp”, bị từ chối quyền tự bào chữa, rồi bị kết án tử hình ngày 5/4/1794 lúc ông mới 34 tuổi [4]. Mặc dù cái kết cục bi thảm ấy thường được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử, câu trích dẫn lời Jean-Jacques Rousseau đã vạch rõ một chân lý hiển nhiên: Không thể thuyết phục được một con người bằng cách bịt miệng anh ta.

'Nguyễn

Nguyễn Đình Đăng - "Ngày trưởng thành", 2008, sơn dầu, 162 x 194 cm

Lịch sử đã sang trang trong hai thập kỷ cuối và nền văn minh nhân loại đã bước sang một thời đại mới: thời đại của internet. Hơn cả máy in, điện thoại, radio, rồi vô tuyến truyền hình, internet là phương tiện lan truyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng mạnh mẽ nhất và dân chủ nhất mà con người từng được biết đến. Khi mà bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu (được nối mạng) trên thế giới cũng có thể gửi mọi thông tin, ảnh, phim video, âm thanh lên internet để toàn thế giới có thể đọc, xem, nghe được ngay tức khắc, kiểm duyệt dần dần trở nên bất lực, trơ trẽn, lố bịch, và vô nghĩa. Tự do ngôn luận dần dần trở thành cái gì đó không ai có thể hạn chế được.

Trong phần kết của bài báo “Những chiến sĩ của mặt trận tàng hình” [5] đăng tại Tạp chí Nga ngày 8/6/2006, tác giả Alexander Kolesnichenko đã kết luận: “Internet là phương tiện thông tin đại chúng tự do nhất trong các phương tiện từng tồn tại từ trước tới giờ. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ được lựa chọn trên internet không chỉ những gì để đọc, mà còn để nghe và nhìn nữa. Cứ mặc kệ cho nhà nước tiếp tục kiểm soát vô tuyến truyền hình và những tập đoàn đặc quyền đặc lợi tiếp tục chiếm hữu các tờ báo của họ. Như người đời thường nói, cứ kệ cho họ chiếu và viết những nhăng nhít mà chỉ có chính họ sẽ xem và đọc mà thôi.”

Tokyo 22/6/2006

Hiệu đính ngày 24/5/2009

Chú giải

*) Phần A, B và C của bài viết này chủ yếu dựa trên trang “Intellectual freedom and censorship Q & A” tại website của American Library Association:http://www.ala.org/ala/aboutala/offices/oif/basics/ifcensorshipqanda.cfm.

[1] John Stuart Mill (1806 - 1873) - triết gia theo tư tưởng tự do người Anh

[2] Maximilien Robespierre (1758 - 1794) - một trong các lãnh tụ khét tiếng nhất trong thời kỳ Khủng bố (1793 - 1794) của Cách mạng Pháp (1789 - 1799). Bắt đầu như một người theo phái tư tưởng tự do, lấy tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau làm sách gối đầu giường, Robespierre có niềm tin ngây thơ đến mù quáng vào cuộc cách mạng Pháp. Trong giai đoạn gay cấn nhất của cuộc cách mạng, Robespierre được bầu làm người đứng đầu Ủy ban An toàn Công cộng (một dạng Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) của thời Cách mạng Pháp) gồm 12 ủy viên. Đây là ủy ban thừa hành thực chất có quyền lực nhất. Để chống lại các lực lượng “phản cách mạng” trong nước, Ủy ban này ban hành chính sách của thời kỳ Khủng bố. Trong diễn văn ngày 5 tháng 2 năm 1794 Robespierre biện hộ cho Khủng bố như một biện pháp của lòng yêu nước và công lý để bảo vệ “thành quả cách mạng” là “tự do” và “bình đẳng”. Ông tuyên bố xã hội chỉ bảo hộ các công dân hòa bình, mà theo định nghĩa của ông đó là những người Cộng hòa. Những người bảo hoàng và những người âm mưu chống đối bị ông xếp vào hàng kẻ thù của tự do, phải bị Khủng bố trừng trị. Chỉ trong trong vòng 5 tháng từ tháng 9/1793 đến tháng 2/1794 chỉ riêng Tòa án Cách mạng ở Paris đã kết án và chặt đầu gần 300 người. Riêng trong ngày Robespierre đọc diễn văn nói trên, có hơn 5000 người bị giam trong các nhà ngục ở Paris chờ xử án. Chính bản thân Robespierre cũng trở thành nạn nhân của bộ máy mà ông là người tham gia sáng lập: Sốt ruột vì tiến trình chậm chạp của cách mạng, Robespierre đưa ra lời đe dọa Quốc hội. Chỉ 5 tháng sau bài diễn văn, Robespierre bị bắt và bị kết án tử hình.

[3] Camille Desmoulins (1760 - 1794) - nhà cách mạng và nhà báo Pháp, nổi tiếng bởi bài diễn thuyết mở màn cho cuộc tấn công nhà ngục Bastille. Ngày 12/7/1789, nghe tin vua Louis XVI cách chức tổng trưởng tài chính Necker - một người theo phe cải cách, Desmoulins đã nhảy lên bàn tại một quán café cạnh Hoàng cung (Palais Royal) và loan tin cho đám đông khoảng một vạn dân chúng về vụ bãi nhiệm nhà cải cách và nguy cơ bị các đạo quân người Thụy Sĩ và Đức của nhà vua thảm sát. Trong lúc cao hứng, ông kêu gọi dân chúng cướp vũ khí xuống đường. Cuối cùng ông rút trong túi ra hai khẩu súng lục và tuyên bố với đám cảnh sát đang theo dõi nhất cử nhất động của ông rằng ông thà chết chứ không chịu rơi vào tay họ. Ông nhảy từ trên bàn xuống trong vòng tay nồng nhiệt của đám đông. Hành động của Desmoulins đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc nổi dậy của dân chúng và quốc dân quân tại Paris trong 2 ngày tiếp theo. Ngày 14/7/1789 đám đông khoảng một ngàn người tấn công nhà ngục Bastille để cướp vũ khí. Sau 4 tiếng đồng hồ cầm cự, thống chế de Launey đầu hàng, bị đám đông bắt, bị đâm nhiều nhát dao cho đến chết, rồi bị chặt đầu đem diễu phố.

[4] Gieo gió thì gặt bão, chỉ bốn tháng sau đó, chính bản thân Robespierre cũng bị bắt và bị đưa lên máy chém ngày 28/7/1794.

[5] Александр Колесниченко “Бойцы невидимого фронта”, Русский Журнал, 8/6/2006.

© 2009 Nguyễn Đình Đăng

Thursday 14 May 2009

Thăm quê hương Yamaha piano

Lời mở đầu: Nhân “saga” về “ám ảnh dương cầm”, tôi sực nhớ tới bài tôi viết cách đây gần 2 năm song xếp xó rồi quên bẵng luôn, nay đăng dưới đây để quý vị đọc chơi.

Nguyễn Đình Đăng

Dân chơi piano ai cũng biết đến Yamaha – hiệu đàn piano của Nhật, nổi tiếng thế giới có lẽ chỉ còn sau Steinway & Sons của Mỹ. Danh cầm Sviatoslav Richter – một trong ba đại diện kiệt xuất (đã quá cố) cho nền âm nhạc biểu diễn của Nga, bên cạnh David Oistrach (chơi violin) và Mtislav Rostropovich (chơi cello) – sinh thời ưa chuộng Yamaha piano còn hơn cả Steinway. Hai nghệ sĩ piano đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc mang tên Tchaikovsky là Denis Matsuev (Nga) (năm 1999) và Ayako Uehara (Nhật Bản) (năm 2002) đều chơi Yamaha grand piano (đại dương cầm Yamaha) [1] tại cuộc thi. A. Uehara lại là người Nhật Bản đầu tiên đồng thời là phụ nữ đầu tiên đoạt giải nhất môn piano tại cuộc thi danh tiếng này. Còn đối với những ai mê piano nhưng lại chưa đủ “tiề…n lực” để mua một “con” Steinway, thì Yamaha piano có lẽ là lựa chọn tốt nhất.

Cụ Nguyễn Du từng viết: “Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.” Yamaha piano nổi tiếng là vậy nhưng không phải ai cũng biết những piano ấy có xuất xứ từ đâu và có dịp thấy tận mắt chúng được sản xuất như thế nào. Bài viết này kể lại chuyến đi thăm nơi sản xuất những chiếc Yamaha grand piano đó.

*

Được hưởng những dịch vụ tuyệt vời của Yamaha kể từ sau khi mua chiếc Yamaha Gran’Touch cách đây 7 năm [2], tôi vẫn dự định có ngày sẽ ghé thăm “sào huyệt” của những “phù thủy âm thanh” này. Hiềm một nỗi thủ phủ sản xuất nhạc cụ Yamaha tại Hamamatsu, trong đó trước tiên là Yamaha grand piano, không làm việc vào thứ Bảy và Chủ Nhật. Mãi đến năm nay, sau khi con tôi vào đại học, tôi mới lấy một ngày nghỉ hè vào thứ Sáu tuần trước để cùng vợ tôi đi Hamamatsu tham quan nhà máy Yamaha piano.

Đầu tiên tôi phải đăng ký qua mạng internet. Tôi phải khai tên, số người đi cùng, quốc tịch và chọn ngôn ngữ để nghe hướng dẫn (tiếng Anh hoặc Nhật). Té ra hôm đó chỉ có buổi tham quan bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút sáng là còn chỗ trống. Kể ra thế thì hơi sớm vì quãng đường từ nhà tôi đếnHamamatsu dài khoảng 280 km và phải đi mất 2 giờ rưỡi đồng hồ, trong đó có khoảng 250 km phải đi tàu siêu tốc shinkansen (super express train). Đi “tàu chợ” thì sẽ mất tới 5 giờ đồng hồ. Ngoài ra, khi tôi gọi điện cho nhà máy, họ nói hôm đó đã có một nhóm người Nhật đăng ký nên chúng tôi phải nhập bọn và nghe hướng dẫn bằng tiếng Nhật.

Chúng tôi xuất phát từ ga nhà mình lúc 6 giờ rưỡi sáng để đi đến ga Shinagawa. Từ đây chúng tôi chuyển sang shinkansen mang tên “Hikari” (Ánh sáng), khởi hành lúc 8 giờ 14 phút và đến Hamamatsu lúc 9 giờ 35 phút. Như vậy tàu đã vượt qua quãng đường dài 250 km chỉ trong 1 giờ 19 phút với tốc độ chừng 190 km/giờ, vì có dừng khoảng 2 phút tại ga Shizuoka.

Hamamatsu là thành phố lớn nhất tỉnh Shizuoka, nằm ở vùng giữa của tuyến đường sắt Tokyo – Osaka, nổi tiếng vì có trụ sở chính của các công ty sản xuất nhạc cụ như Yamaha, Kawai, Roland. Từ năm 1991 Hamamatsu còn là nơi tổ chức cuộc thi piano quốc tế 3 năm một lần (The Hamamatsu International Piano Competition), nằm trong Liên đoàn các cuộc thi âm nhạc thế giới (The World Federation of International Music Competitions). Cuộc thi này đã trở thành bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ piano trẻ tuổi như Alexander Gavrylyuk (Ukraine) – giải nhất năm 2000, Ayako Uehara – giải nhì năm 2000, Rafal Blechacz (Ba Lan) – giải nhất năm 2003, v.v. Gavrylyuk sau đó đã đoạt giải nhất cuộc thi piano mang tên Rubinstein năm 2005, Uehara – giải nhất cuộc thi piano mang tên Tchaikovsky năm 2002, còn Blechacz – giải nhất cuộc thi piano mang tên Chopin năm 2005. Tôi từng gửi trang web thông báo thể lệ cuộc thi piano tại Hamamatsu lần thứ 7 (sẽ diễn ra từ 8 – 23/11/2009) về cho một người bạn hiện dạy piano tại nhạc viện t/p HCM để phổ biến với hy vọng các thí sinh piano Việt Nam sẽ sang tham gia. Câu trả lời tôi nhận được là: “Không được đâu, anh Đăng ơi. Yêu cầu cao như thế thì thí sinh của mình sẽ bị rụng ngay từ vòng loại nghe DVD gửi sang rồi! Hơn nữa lại phải tự túc ăn ở đi lại thì Việt Nam ta chẳng ai chịu được đâu.” [3]

Từ ga Hamamatsu chúng tôi đi tàu điện mất 4 phút để đến nhà máy sản xuất Yamaha piano. Nhà máy rộng dễ đến vài cây số vuông. Điều ngạc nhiên đầu tiên: trước tòa nhà tiếp đón khách tham quan, tôi thấy ngạo nghễ trên đỉnh hai cái cột cờ là cờ Nhật và cờ Việt Nam! Chẳng lẽ người ta treo cờ để đón chúng tôi, hai khách tham quan vãng lai đăng ký qua internet? Đẩy cửa bước vào, tiến lại bàn tiếp khách, đã thấy một cô gái cười tươi, hỏi ngay: “Ông có phải là Nguyễn-san?” ("san” trong tiếng Nhật có nghĩa là “ông/bà”). Sau đó cô cho biết đoàn khách Nhật vừa gọi điện hủy cuộc thăm quan, nên hôm nay chỉ có hai vợ chồng tôi. Khi tôi hỏi tại sao có cờ Việt Nam được kéo lên trước cửa, cô nói đó là vì Yamaha được hân hạnh đón chúng tôi đến thăm! Chưa hết, cô còn nói họ đã mời một hướng dẫn viên tiếng Anh để phục vụ hai chúng tôi. Để khỏi bị hiểu lầm tôi xin lưu ý ngay với độc giả: cuộc tham quan hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người.

Cô hướng dẫn viên cũng trẻ và xinh xắn. Cô phát âm tiếng Anh không chuẩn lắm nhưng lưu loát. Đầu tiên cô mời chúng tôi vào một salon có ghế bành bọc da và TV màn hình phẳng cỡ 50 inches mỏng dính để chúng tôi xem băng video 20 phút giới thiệu về nhà máy Yamaha. Sau đúng 20 phút cô lại khẽ khàng gõ cửa bước vào mời chúng tôi theo cô đi tham quan các phân xưởng sản xuất đại dương cầm (grand piano).

Lịch sử của Yamaha
Năm 1887 là một năm đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam. Ngày 17 tháng 10 năm đó người Pháp gộp Đông Kinh, An Nam, Cochinchine, với Cambodia thành Đông Dương. Lần đầu tiên một tuyến đường sắt được xây dựng nối liền ba miền Bắc – Trung – Nam. Cũng trong năm đó, chiếc đàn đại phong cầm lưỡi gà (reed organ) tại một trường tiểu học ở Hamamatsu bị hỏng. Chiếc đàn này được chế tạo tại Hoa Kỳ và được nhà trường đặc biệt quý. Ông Torakusu Yamaha – một kỹ sư y cụ địa phương – đã được nhà trường mời đến xem xét để chữa chiếc đàn. Trong khi mầy mò tìm cách sửa, ông Yamaha đã say mê cách thiết kế chiếc đàn. Ông quyết định tự mình thử chế tạo một nhạc cụ giống như vậy. Ông tuyển mộ các thợ kim hoàn địa phương để làm các hoạ tiết trang trí cho chiếc đàn. Sau 63 ngày làm đi làm lại, ông Yamaha đã chế thạo thành công chiếc đàn reed organ đầu tiên của Nhật.

                           

Hình trái: một trong những chiếc reed organ đầu tiên của Nhật do ông Torakusu Yamaha chế tạo.
Hình phải: Bức phù điêu tả cảnh ông T. Yamaha và cộng sự gánh đàn trên đường từ Hamamatsu tới Tokyo.

Ở Nhật thời đó muốn bán nhạc cụ phải được phép của Bộ Văn hóa, có nghĩa là chiếc đàn phải được đánh giá tại Nhạc viện Tokyo. Ông Yamaha đã cùng với một người bạn gánh chiếc đàn trên vai, trèo đèo lội suối, vượt qua một chặng đường dài 217 km, để đi từ Hamamatsu đến Tokyo. Chiếc đàn đầu tiên bị bác. Sau một thời gian cải tiến, chiếc thứ hai được sản xuất và đem trình hội đồng. Lần này đàn của ông Yamaha đã được đánh giá cao. Phấn khởi vì thành công đó, ông Yamaha đã cùng với năm nghệ nhân nữa khởi xướng một dự án sản xuất quy mô. Đến năm 1889, tức là chỉ trong hai năm, sáu người này đã chế tạo 250 chiếc reed organs. Tới năm 1897 công ty của ông Yamaha đã trở thành tập đoàn trách nhiệm hữu hạn sản xuất nhạc cụ của Nhật Bản (Nippon Gakki Co. Ltd.)

Sự ra đời của chiếc piano đầu tiên “made in Japan”
Để chuẩn bị cho việc chế tạo đàn piano, ông Yamaha đã lên đường đi thăm nhiều nhà máy ở Hoa Kỳ. Trong chuyến đi đó ông đã mua đem về Nhật nhiều dụng cụ, máy móc để làm đàn piano. Năm 1900 công ty của ông Yamaha đã chế tạo được đàn piano đứng (upright piano). Năm 1902 chiếc Yamaha grand piano đầu tiên “made in Japan” ra đời. Năm 1903 Nhật hoàng Minh Trị đã mua một chiếc Yamaha grand piano và mở lớp học chơipiano tại hoàng cung. Năm 1904 Yamaha pianos tham gia hội chợ thế giới tại St. Louis (Hoa Kỳ) và đoạt Giải thưởng Danh dự Lớn (Honorary Grand Prize) đánh dấu lần đầu tiên nhạc cụ chế tạo tại Nhật đoạt giải thưởng quốc tế.

Sau khi ông Yamaha qua đời năm 1917, công ty Yamaha bắt đầu sản xuất cả những nhạc cụ khác. Công ty nhờ đó lớn mạnh lên. Không may, trận đại động đất Kanto (Quan Đông) năm 1923 đã phá hủy toàn bộ các phân xưởng của Yamaha. Công ty còn tiếp tục lụn bại trong Đệ Nhị Thế Chiến sau khi bị cấm sản xuất hàng hóa ngoài mục đích phục vụ chiến tranh.

Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh. Giữa đống đổ nát hoang tàn của nước Nhật thời hậu chiến, hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình, một trong các nghệ nhân của công ty Yamaha đã chế tạo được một chiếc piano. Sự ra đời của chiếc piano này đã kích thích các nhân viên hãng Yamaha quay trở lại cuộc sống thường nhật để tiếp tục chế tạo nhạc cụ. Công ty được xây dựng lại và dần dần trở nên rất thành công. Như một con chim phượng hoàng, Yamaha đã bay lên từ đống tro tàn đổ nát.

Quá trình sản xuất đàn grand piano
Theo lời cô hướng dẫn, phải mất 3 năm để chế tạo một chiếc Yamaha grand piano. Điều đó không đáng ngạc nhiên nếu biết rằng trong hơn 10 ngàn bộ phận của một chiếc grand piano có rất nhiều bộ phận phải làm bằng tay. Chỉ riêng bộ truyền động (action) cho 88 phím đàn đã gồm khoảng 5 ngàn chi tiết (mỗi phím tương ứng với 57 chi tiết). Quá trình sản xuất một chiếc Yamaha grand piano bắt đầu từ việc sản xuất vỏ đàn bằng gỗ, lắp bảng rung (sound board), khung gang, khoan lỗ lắp chốt để lồng dây đàn, lắp dây đàn (khoảng 230 chiếc), lên dây (tất cả 3 lần với sức căng toàn bộ lên tới 20 tấn), chỉnh bộ búa (20 lần), tinh chỉnh (3 lần), chỉnh giọng (voicing) [4], khí hậu hóa, v.v. cho đến khi xuất xưởng để đưa đến tay người dùng gồm 25 công đoạn.

Trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ cô hướng dẫn đưa chúng tôi đi xem các phân xưởng của từng công đoạn. Sau mỗi công đoạn những chiếc grand piano đang được lắp dở lại được băng truyền tự động đưa sang phân xưởng của công đoạn tiếp theo. Hàng trăm công nhân yên lặng, say sưa tận tụy làm việc. Chỉ nghe thấy tiếng máy móc hoạt động nhưng cũng không ồn ào. Để phục vụ khách tham quan, một chiếc grand piano biểudiễn series C7,dài 2m 27, giá cỡ 30 ngàn USD, được xẻ đôi ra, và một phần của nó được bày trong một góc xưởng để khách có thể thấy hết các bộ phận bên trong hoạt động thế nào khi chơi thử trên phím đàn [5].

Ở một phân xưởng tôi thấy chân dung Sviatoslav Richter treo trên tường. Cô hướng dẫn tỏ ra vui mừng khi tôi biết về Richter và về niềm say mê Yamaha piano của danh cầm kiệt xuất này. Cô nói: “Richter-san đã từng đến nhà máy chúng tôi biểu diễn. Chúng tôi có phòng kỷ niệm Richter-san ở nhà bên. Nếu ông bà muốn, tôi sẽ đưa ông bà sang thăm và ông có thể chơi piano của Richter-san.”

Sau “quả” treo cờ, đây là điều bất ngờ thứ hai mà Yamaha đã tặng cho chúng tôi trong chuyến tham quan này. Thăm phòng kỷ niệm Richter không nằm trong chương trình tham quan nhà máy và cô hướng dẫn không có trách nhiệm phải đưa chúng tôi tới đó. Đó hoàn toàn là nhiệt tình của cô muốn làm hài lòng khách đồng thời muốn giới thiệu với khách thanh danh của công ty mình. Tôi có cảm giác đó là tinh thần tập thể của người Nhật: họ rất hãnh diện về công ty của họ và biết ơn bất kỳ khách hàng nào dùng sản phẩm của công ty họ. Khi được biết tôi hiện đang chơi Yamaha piano ở nhà, cô hướng dẫn nói ngay: “Xin cảm ơn ông (đã ưu ái dùng Yamaha piano của chúng tôi)”.

Thế là tuy đã đến giờ nghỉ ăn trưa, cô hướng dẫn vẫn lịch sự, nhã nhặn đưa chúng tôi sang thăm phòng kỷ niệm Sviatoslav Richter.

Chơi grand piano của maestro
Vừa đẩy cửa bước vào, chúng tôi đã thấy ngay chiếc grand piano của Sviatoslav Richter để gần tường. Trên tường là chân dung chụp nghiêng của Richter. Phụ trách phòng kỷ niệm là một người đàn ông cao lớn, tuổi xấp xỉ lục tuần. Sau khi cô hướng dẫn giới thiệu chúng tôi, ông nhanh nhẹn kéo tấm vải phủ đàn ra, mở nắp, rồi lắp giá để bản nhạc. Ông cho biết Yamaha đã thửa giá nhạc này theo thiết kế riêng của maestro Richter. Danh cầm người Pháp Jean-Marc Luisada đã yêu cầu Yamaha cho mượn giá nhạc này để lắp vào piano của mình “lấy hên” trong chuyến biểu diễn tại Nhật Bản vào tháng 11 sắp tới [6].

Ngồi xuống ghế, đặt tay lên những phím trắng được bọc bằng ngà voi – những phím đàn cách đây hơn 10 năm đã từng chuyển động dưới những ngón tay huyền thoại của maestro, tôi chơi “Träumerei” [7] của Schumann, rồi một đoạn nocturne Op. 27 No. 2 của Chopin. Cái ghế đối với tôi có vẻ hơi cao cho dù đã được “vặn” xuống mức thấp nhất. Theo lời ông phụ trách, ghế này Yamaha cũng thửa riêng cho Richter, người thích ngồi cao để có thể lợi dụng sức của cả cơ thể khi chơi piano. Nhiều nghệ sĩ piano trường phái Nga cũng chơi piano theo phương pháp này. Ông cho chúng tôi xem quyển album ảnh về Richter do Yamaha xuất bản mang bút tích của maestro: “Tôi lấy làm sung sướng vì quyển album này được xuất bản ở Nhật Bản – đất nước mà tôi biết rõ và hằng yêu mến.”

Sờ vào grand piano của Sviatoslav Richter

Ông phụ trách phòng kỷ niệm Richter còn dẫn chúng tôi vào một căn phòng trong cùng toà nhà bày 4 – 5 chiếc grand piano trông giống hệt nhau. Ông nói những chiếc đàn này tuy cùng một series nhưng có độ nhậy (key touch) của phím khác nhau để người mua có thể lựa chọn theo sở thích. Ông nói tôi có thể thử. “Được lời như cởi tấm lòng”, tôi ngồi xuống ghế và “phang” ngay cadenza mở đầu trong piano concerto của Edvard Grieg mà tôi đang ra sức tập [8]. Sau khi tôi chơi thử 2 chiếc đàn đặt cạnh nhau, ông phụ trách hỏi cảm giác của tôi. Tôi nói key touch của chiếc đầu tiên hơi “cứng”. Tôi thích key touch của chiếc thứ hai hơn. Ông phụ trách cười khoái trá. Dọc ngoài hành lang tôi thấy một loạt grand piano mới tinh đã được khách hàng trả tiền sau khi họ đã đến tận nhà máy để lựa chọn. Những chiếc đàn đó sẽ được nhà máy gửi thẳng tới địa chỉ của khách hàng.

*

Trước khi chúng tôi ra về cô hướng dẫn tặng chúng tôi món quà lưu niệm: hai chiếc búa dạ của Yamaha grand piano, một chiếc được dùng để gõ vào dây trầm được tặng cho tôi, chiếc kia để gõ vào dây cao – cô tặng cho vợ tôi.

Cũng như những lần đi tham quan khác ở Nhật, trên tàu quay về Tokyo, tôi không khỏi suy nghĩ điều gì đã khiến người Nhật làm nên những kỳ tích, giúp nước Nhật trở thành cường quốc. Lần này câu trả lời hiện lên bằng hình ảnh: lá cờ Việt Nam đón chúng tôi đến thăm nhà máy; ông Torakusu Yamaha đầu đội nón lá, chân dận giày cỏ, gánh đàn vượt con đường dài hơn 200 cây số để đến Tokyo; chiếc grand piano của Sviatoslav Richter; cô hướng dẫn niềm nở, tận tụy và dễ thương… Và xuýt nữa tôi quên: chiếc grand piano mà cách đây hơn 100 năm Nhật hoàng Minh Trị đã mua để mở lớp học chơi piano đầu tiên tại hoàng cung Nhật Bản.

Tokyo 2/10/2007
hiệu đính ngày 11/5/2009


Chú giải:
[1] Tên khởi thủy của piano là fortepiano, được Bartolomeo Cristofori - một người làm đàn harpsichord xứ Padua (cộng hoà Venice) - chế tạo lần đầu tiên vào khoảng năm 1700. Nhạc cụ này được gọi là “arpicembalo che fa il piano e il forte” tức là “đàn harp-harpsichord có thể chơi được cả nhẹ (piano) lẫn mạnh (forte)“. Dần dần tên gọi này được rút ngắn thành “piano”. Một số ngôn ngữ vẫn giữ nguyên tên khởi thủy (ví dụ tiếng Nga: фортепианo, tiếng Ý: pianoforte, v.v.). Tên gọi "dương cầm" (洋風 = yôư-kinh) có xuất xứ từ Nhật Bản vào thời Meiji (Minh Trị 明治, 1868 - 1912), lúc đầu là 洋風の琴 (yôư-fư-nô-kinh = dương phong cầm = đàn kiểu Tây), sau được rút gọn thành "dương cầm", trùng tên một nhạc cụ khác của người Trung Quốc và Triều Tiên, trông tựa như đàn tam thập lục (yôư-kinh hay yang-kinh = 揚琴). Ngày nay người Nhật gọi các nhạc cụ phương Tây bằng tên gốc của chúng: piano (ピアノ), grand piano (グランドピアノ), v.v.
Ở Trung Quốc đàn piano được gọi là "cương cầm" (鋼琴 = đàn bằng thép).
[2] Nguyễn Đình Đăng, Cuộc sống ở Nhật Bản, 2004.
[3] Trong vòng loại của cuộc thi piano Hamamatsu, thí sinh phải gửi DVD ghi hình và âm thanh mình chơi hai tác phẩm gồm một sonata (chương đầu hoặc vài chương có cả chương đầu) của Haydn, Mozart, hoặc Beethoven, và một etude của Chopin, Liszt, Debussy, Scriabin, Rachmaninov, hoặc Bartok. Tổng cộng thời gian không quá 20 phút.
[4] Voicing: tinh chỉnh phần dạ bọc từng chiếc búa gõ lên dây đàn. Công đoạn này rất quan trọng để tạo nên âm thanh “mềm mại” hay “sắc đanh” vang lên khi nhấn từng phím đàn.
[5] Grand piano biểu diễn đầu bảng của Yamaha là CFIIIS, dài 2m75, nặng 500 kg, giá khoảng 110 ngàn USD.
[6] Xem video Jean-Marc Luisada nói về piano Yamaha tại
[7] Xem video Vladimir Horowitz chơi Träumerei tại phòng hoà nhạc của nhạc viện Tchaikovsky (Moscow) năm 1986 tại http://www.youtube.com/watch?v=qq7ncjhSqtk. Năm đó Horowitz 83 tuổi và đây là lần đầu tiên ông quay về nước Nga biểu diễn kể từ khi rời bỏ quê hương vào năm 1927. Để ý từ phút 1:28 đến 1:40: một người đàn ông ngồi nghe, nước mắt chảy dài trên gò má. Horowitz qua đời vào năm 1989, thọ 86 tuổi. 
[8] Xem video Leif Ove Andsnes (danh cầm người Norway) chơi chương I piano concerto của E. Grieg tại
Chú thích (thêm vào ngày 11/5/2009): Tôi đã chơi chương I piano concerto của E. Grieg tại Ima Hall ở Tokyo vào ngày 2/8/2008 trong buổi biểu diễn thường niên của trường piano Yamaha nơi tôi hiện theo học. 

© 2009 Nguyễn Đình Đăng


Tuesday 5 May 2009

Đáp số cho một bài viết

Nguyễn Đình Đăng


Trong bài Tự do trong sáng tạo, tác giả Trần Văn Tích viết rằng tôi đã “cho biết âm nhạc, hội hoạ không được hưởng tự do tuyệt đối.” Thực ra tôi không hề khẳng định như vậy.

Bài viết Âm nhạc, hội hoạ, và kiểm duyệt của tôi, tóm tắt lại, chỉ gồm hai ý sau:

1- Muốn hiểu được âm nhạc và hội họa thì cũng cần phải học, và khi đã học rồi thì sẽ tránh được những tranh cãi vô bổ.
2- Ở các nước văn minh dân chủ (như Nhật Bản) chính quyền không can thiệp vào nghệ thuật.
Điều 21 trong Hiến pháp Nhật Bản viết: “Quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tất cả các dạng khác của biểu hiện được đảm bảo. Không được duy trì kiểm duyệt. Không được xâm phạm bí mật thông tin dưới mọi hình thức.” Như vậy có nghĩa là, ở Nhật Bản, kiểm duyệt là vi hiến.

Như một số người Việt Nam khác, tôi cũng muốn đất nước của tôi trở thành một nước văn minh dân chủ, và nghệ sỹ Việt Nam nói riêng cũng như tất cả người dân Việt Nam nói chung cũng được hưởng quyền tự do cao nhất của con người là tự do ngôn luận và tự do biểu hiện, như các bạn nghệ sỹ và công dân Nhật Bản. Vì thế tôi đề nghị nhà nước Việt Nam “giải tán mọi cơ quan kiểm duyệt văn hoá cũng như bãi bỏ việc bắt các nghệ sĩ phải xin phép xuất bản, triển lãm, trình diễn tác phẩm của mình” để “trả lại cho công chúng quyền tự đánh giá và phán xét” càng sớm càng tốt. Đi đôi với việc này là việc đổi mới hệ thống giáo dục đang hết sức trì trệ ở Việt Nam, ít nhất là theo một số giải pháp rất cụ thể như tôi đã đề xuất trong bài “Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát” viết cách đây 5 năm, trong đó có việc: 1) đưa âm nhạc và mỹ thuật vào giảng dạy ở trường phổ thông, 2) tư nhân hoá toàn bộ việc xuất bản sách giáo khoa, 3) đảm bảo cho các thày cô có thu nhập nuôi sống được gia đình họ, và 4) bãi bỏ toàn bộ kỳ thi vào đại học.

Tôi muốn lưu ý rằng, trong bài viết của tôi, vài cô cậu học sinh Nhật tự bịt mắt mình khi nhìn thấy tranh khỏa thân là học sinh trung học (có thể mới chỉ là năm đầu, tức độ 13 tuổi). Sau khi tốt nghiệp 3 năm trung học, bước vào cao học (tức 16 tuổi ), tất cả học sinh ở Nhật đều đã được dạy kỹ về mỹ thuật thế giới, bao gồm từ bức “La Grande Odalisque” không mảnh vải che thân của Dominique Ingres tới các kiệt tác của Salvador Dalí mà ông Trần Văn Tích gọi là các bức tranh “siêu thực mê sảng”, các tranh khỏa thân của Paul Cézanne, Henri Matisse v.v. Dĩ nhiên là các cô cậu bây giờ không việc gì phải tự bịt mắt mình nữa sau khi đã được học và đã tạm hiểu thế nào là nghệ thuật. Và cũng vì vậy mà ta cũng không ngại các cô cậu sẽ lẫn lộn tự do tuyệt đối trong sáng tạo nghệ thuật với tự do … tốc váy trước mặt nữ hoàng Anh, như ông Trần Văn Tích đã lo xa.

Còn về các “quy định rõ ràng” của một vài điạ điểm công cộng ở Nhật thì, như tôi đã giải thích, lý do là vì có nhiều trẻ nhỏ lui tớí. Điều này cũng tương tự như TV (ở Nhật) có các chương trình dành cho người lớn, mà trẻ em không nên xem, hay các hiệu cho thuê băng video (ở Nhật) có quầy băng sex được che rèm. Đơn giản có vậy thôi. Không phải vì có trẻ em mà đi cấm tất cả các chương trình dành cho người lớn! Bảo tàng ở Kyushu không muốn treo tranh vẽ bom nguyên tử nổ trên đầu Nhật Hoàng Showa vì ban giám đốc sợ những người cánh hữu đến sinh sự, chứ không phải do quy định kiểm duyệt của ban văn hoá tư tưởng nào đó của nhà nước. Khác với bảo tàng ở Kyushu, tại nhiều nơi khác ở Nhật người ta không sợ những người cánh hữu. Ví dụ bức tranh nói trên vẫn được triển lãm ở một bảo tàng tại Tokyo mà chẳng gặp rắc rối gì. Cách đây vài năm đã có vụ chủ bút một tờ báo lớn của Nhật bị một người cánh hữu hành hung (ném gạt tàn thuốc lá vào đầu, gây thương tích) chỉ vì đã không in hết các tước hiệu của hoàng thái tử Nhật Bản trong một bài báo, nhưng từ chối đính chính với lý do rằng điều đó không cần thiết trong phạm vi tự do báo chí. Tất nhiên toà án đã ra lệnh bắt và tuyên phạt người đã hành hung ông chủ bút. Các ví dụ như vậy trong các lĩnh vực ở trong cũng như ngoài nghệ thuật ở Nhật cũng như ở các nước văn minh khác có thể kể không hết. Chẳng hạn English Garden ở Munich có hẳn một khu cho người lớn trẻ con phơi nắng và vui chơi mà lại … khoả thân hoàn toàn gọi là FKK (Freie Körperkultur = Free Body Culture, tức là “Văn hoá tự do thân thể”). Ai thấy bị xúc phạm cứ việc đi chơi chỗ khác. Song tôi không muốn sa vào các ví dụ lạc đề này để khỏi làm độc giả phân tán. Quay lại vấn đề tự do sáng tạo, Hiến pháp của Nhật Bản cho ta thấy rằng chính kiểm duyệt trong văn học nghệ thuật mới xúc phạm nhân phẩm của văn nghệ sỹ và công chúng.


Jean Auguste Dominique Ingres
La Grande Odalisque, sơn dầu, 91cm x 1,62m, 1814、Musée du Louvre, Paris

Các nhận xét từ cuốn Prétextes (1903) của André Gide như câu ở đầu bài viết của ông Trần Văn Tích cũng như đoạn “nghệ thuật luôn luôn có cưỡng chế là hệ luận. Nghĩ rằng nghệ thuật càng vươn lên cao khi càng có tự do cũng giống như nghĩ rằng cái dây níu con diều giấy lại không cho nó tung hoành trong bầu trời…” mà ông Trần Văn Tích đã trích dẫn nhưng lại quên không để trong ngoặc kép, cần được hiểu đúng văn cảnh của chúng. Nguyên văn câu này của Gide là: “L'art est toujours le résultat d'une contrainte. Croire qu'il s'élève d'autant plus haut qu'il est plus libre, c'est croire que ce qui retient le cerf-volant de monter, c'est sa corde.” Tuy nhiên dịch: “L'art est toujours le résultat d'une contrainte.” thành “Nghệ thuật luôn luôn có cưỡng chế là hệ luận.” theo tôi không được chính xác, nếu không nói là nhầm lẫn. Câu này cần được dịch là: “Nghệ thuật luôn là kết quả của một sự hạn chế do bị ràng buộc.” thì đúng hơn, vì “cưỡng chế” (强制) trong tiếng Hán - Việt có nghĩa là “dùng sức mạnh để bắt phải tuân theo”. 34 tuổi, Gide nhận ra rằng “Vẻ đẹp không bao giờ là một sản phẩm tự nhiên; mà chỉ có được nhờ những hạn chế nhân tạo. Nghệ thuật và Tự nhiên cạnh tranh với nhau trên trái đất.”(Nguyên văn: “La beauté ne sera jamais une production naturelle; elle ne s'obtient que par une artificielle contrainte. Art et Nature sont en rivalité sur terre." - Nouveaux Prétextes, 1904). Điều này khá đơn giản nếu ta nhớ tới, chẳng hạn, tỉ lệ vàng như một hạn chế phải tuân theo trong nghệ thuật và kiến trúc từ thời Phục Hưng. Những hạn chế do ràng buộc này từng được các thiên tài vận dụng để tạo nên các kiệt tác. Ví dụ, chỉ dùng đá cẩm thạch mà Michelangelo gây cho ta ảo giác về da thịt trên tượng David. Chỉ dùng phấn đỏ và giấy mà Leonardo Da Vinci đã tả chất liệu của nếp vải rất tuyệt vời. Moses variations được Nicolo Paganini viết cho riêng một dây Sol của đàn vĩ cầm (violin). Đó là những vẻ đẹp do con người sáng tạo ra trong phạm vi các hạn chế do chất liệu ràng buộc. Nhưng cũng chính vì thế mà đó là những vẻ đẹp không thể có được trong tự nhiên. Song, những hạn chế ràng buộc để tạo nên các vẻ đẹp đó chẳng liên quan gì đến tự do sáng tạo bị cưỡng chế (theo đúng nghĩa của từ này) bởi sự kiểm duyệt của chính quyền mà bài viết của tôi đề cập. Điều này cũng tương tự như việc viết văn theo đúng văn phạm không có liên quan gì đến việc các câu văn bị cắt đi bởi kiểm duyệt. Trong khi đó, ông Trần Văn Tích buộc một độc giả như tôi phải hiểu rằng, nghệ sĩ được ví như con chim, còn kiểm duyệt thì được ví như không khí nâng cánh con chim, nhờ đó mà nó mới “đập cánh tung mình” lên được! Tiếp tục suy diễn “à la Mr. Trần Văn Tích”, ta sẽ thấy nếu không có kiểm duyệt, nghệ sĩ chẳng những không bay lên được, hoặc sẽ rơi tòm từ trên không xuống nếu đang bay, mà còn chết tươi vì thiếu không khí để thở hít.

Chúng ta không nên quên rằng, các tác phẩm của André Gide phản ánh một cuộc đấu tranh nội tâm giữa một bên là các ước lệ xã hội một bên là cái tôi chân thật nhất mà Gide luôn muốn đạt tới. Cũng không nên quên rằng, vào năm 1904 Gide chỉ có thể biết được đến hội hoạ và âm nhạc ấn tượng là cùng. Thậm chí trường phái dã thú (fauvism) phải một năm sau mới được nhận tên khai sinh tại Salon d'Automne ở Paris (năm 1905), nói chi đến hội họa lập thể (cubism), trừu tượng (abstractionism), siêu thực (surrealism), cực thực (hyperrealism), hay âm nhạc phi điệu (atonal music) của Arnol Schönberg, v.v. sau này, là những thứ ngày nay đã trở thành kinh điển cho những ai học hội hoạ và âm nhạc. Năm 1930, tức là 26 năm sau khi viết Prétextes và Nouveaux Prétextes, Gide (lúc đó đã 61 tuổi) được mời sang thăm Liên Xô với tư cách là một nhà văn thân cộng. Kết quả của chuyến đi này là cuốn “Từ Liên Xô trở về” (Retour de L'U.R.S.S.) viết năm 1936, trong đó Gide cho thấy ông đã “sáng mắt” ra như thế nào sau khi được mục kích xã hội Liên Xô dưới chế độ của Stalin. Ông nói ông phải viết cuốn sách đó để “nhân dân lao động hiểu là họ bị những người cộng sản lừa dối, như họ đang bị Moscow lừa ngày hôm nay” (Que le peuple des travailleurs comprenne qu'il est dupé par les communistes, comme ceux-ci le sont aujourd'hui par Moscou.) Quá trình sàng lọc vẫn tiếp tục. Vài thế kỷ nữa, nhân loại sẽ chỉ giữ lại những giá trị đích thực từ những gì chúng ta biết và trải nghiệm ngày hôm nay. Những gì gượng ép, xấu xa, phi nhân tính, chống lại loài người, sớm muộn sẽ bị loại bỏ, cho dù thời gian có thể mất tới 74 năm, hoặc lâu hơn nữa.

“Bao năm trời tôi tưởng tôi la hét trong sa mạc hoang vu không có ai nghe, sau đó thì cũng chỉ nói được với một số rất ít thính giả, song hôm nay các vị đã chứng minh cho tôi thấy rằng tôi đã đúng khi tin vào tư chất của một thiểu số, và rằng sớm hay muộn thiểu số đó sẽ thắng thế.” Đó là lời của André Gide trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương năm 1947 mà tôi trích thay lời kết với hy vọng cái ngày Việt Nam có được một André Gide của mình sẽ không còn quá xa.


Tokyo 4/5/2009
© 2009 Nguyễn Đình Đăng

Sunday 3 May 2009

Âm nhạc, hội hoạ, và kiểm duyệt

Nguyễn Đình Đăng
"Ars longa, vita brevis, occasio praeceps, experimentum periculosum, iudicium difficile."
“Nghệ thuật thì dài, đời thì ngắn (để học thành tài), cơ hội vụt qua,
kinh nghiệm không đáng tin cậy, đánh giá thật khó khăn”.
Hippocrates



Một người biết tiếng Việt có thể hiểu được “The animal farm” của George Orwell qua bản dịch “Trại súc vật” của Phạm Minh Ngọc mà không cần biết tiếng Anh. Khác với văn chương, âm nhạc và hội hoạ không dịch được ra ngôn ngữ khác. Thật là khó, nếu không nói là không thể, diễn giải lại âm nhạc hay hội hoạ bằng lời nói. Muốn thực sự hiểu được âm nhạc và hội hoạ cũng cần phải học. Học nhạc hay hoạ nghiêm túc cũng gian nan không kém gì học nhiều ngành khác. Trở thành hoạ sĩ hay nhạc sĩ “thứ thiệt” còn khó khăn hơn, vì trong nhiều ngành thực hành, chỉ cần kiến thức và suy luận, cộng với tay nghề và kinh nghiệm là có thể thành công. Hội hoạ hay âm nhạc đòi hỏi sự quyết định của cái 1% tài năng (hay nguồn cảm hứng) mà thiếu nó 99% mồ hôi sẽ trở nên vô nghĩa. Cái 1% tài năng (hay nguồn cảm hứng) đó là thứ không học được, không dạy lại được, mà có được do Trời sinh. Nó làm nên sự khác nhau giữa một thiểu số những người có tài và đa số những người bất tài trong hội hoạ và âm nhạc.

Khi đã học hội hoạ và âm nhạc ở một mức trên trung bình rồi, những câu hỏi như “Cái này có nghĩa gì?”, “Cái này đẹp ở chỗ nào?” sẽ tự chúng biến mất, có nghĩa là câu trả lời cũng trở nên không cần thiết luôn! Thay vì làm những so sánh ngây ngô đại loại như nocturne số 1 của Chopin hay hơn valse số 7 của Chopin, người ta sẽ cảm nhận được, chẳng hạn, sự khác nhau giữa phong cách của Vladimir Horowitz và Alfred Brendel khi hai ông chơi cùng một Impromptu G giáng trưởng Opus 90 số 3 của Schubert. Người ta sẽ hiểu Nikolai Lugansky hoặc Lazar Berman chơi Moment musical Op. 16 No. 4 của Rachmaninov hay hơn pianist XYZ ở chỗ nào cho dù kỹ thuật của ông XYZ cũng rất oách.

Không có một thứ nghệ thuật cho toàn dân. Hội hoạ và âm nhạc đích thực không có nhiều khán giả. Những con số lạc quan nhất cho thấy số người nghe nhạc giao hưởng toàn Hoa Kỳ vào mùa hòa nhạc 2003 là 27.7 triệu (theo báo cáo của Liên đoàn Dàn nhạc Giao hưởng Mỹ), tức khoảng 9% dân số Hoa Kỳ. Trung Quốc có khoảng 30 triệu trẻ em học piano, tức khoảng 2% dân số nước này (theo thống kê của BBC). Nghệ sĩ dương cầm lừng danh người Italia Arturo Michelangeli sinh thời từng nói: “Âm nhạc là một thứ quyền, nhưng chỉ dành cho những ai xứng đáng được hưởng cái quyền đó.” Để tránh hiểu nhầm, xin được nói rõ thêm: Michelangeli rất khó tính khi trình diễn. Ông thường chỉ bẳt đầu khi khán phòng hoàn toàn im lặng. Nghe nói, có lần ông đã hủy buổi biểu diễn vì có người ho trong khán phòng khi ông chơi. Ông từng hủy cả tour diễn ở London sau khi tuyên bố không tìm thấy một chiếc grand piano nào vừa ý cho ông chơi tại đó.

Vừa rồi tại Việt Nam có vụ 12 bức tranh khoả thân của một hoạ sĩ bị các quan chức văn hoá Thừa Thiên - Huế từ chối cấp giấy phép cho triển lãm vin vào cớ “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam”, cho dù con ngoáo ộp có tên "thuần phong mỹ tục" đó ba đầu sáu tay ra sao đố ông nào định nghĩa nổi! Cách đây vài hôm tôi có dịp gặp một hoạ sĩ từ Hà Nội sang khai mạc triển lãm của anh ta ở Tokyo. Về vụ cấm triển lãm tranh khoả thân nói trên, anh ta cho rằng:

1 - những bức tranh đó, của đáng tội, xấu thật, vì thế không cho treo là phải rồi;

2 – các ủy viên hội đồng nghệ thuật cũng thấy xấu, khổ nỗi đều là bạn của tác giả cả, nên đã đá quả bóng lên sở văn hoá sau khi đã rỉ tai: “Chúng tớ đồng ý dưới này, nhưng lên đó các ông loại m… nó đi!” Rồi anh ta đế thêm: “Mà không cần rỉ tai thì chắc chắn họ cũng loại!”

Anh ta nói tiếp:

- Chính em đây, hồi năm 20XX đem khoảng hai chục cái hình như thế này định triển lãm. - Anh giơ tay chỉ các tác phẩm treo trước mặt, - Anh coi, chúng chỉ khác nhau về màu sắc, đường nét, còn thực ra là cùng một motive, vô thưởng vô phạt. Em làm để bán là chính! Các bố hội đồng đến ngó rồi phán: “Cho treo một nửa!” Khi em hỏi thế những cái bị loại là những cái nào, và lý do tại sao chúng bị loạí thì các bố phán: “Không biết! Cứ chọn ra một nửa treo, còn loại một nửa. Thích cái nào thì tự chọn (!)” Tức là các bố muốn dằn mặt em rằng: “Chúng tao có quyền đấy. Thích loại là chúng tao loại mày làm đ… gì được chúng tao!”

Tôi thì nghĩ thế này. Ta biết rằng tự do tuyệt đối là quyền tự do làm những gì ta muốn và cũng muốn tất cả những người khác đều có quyền tự do như vậy, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả do việc đó gây ra. Nếu (có bằng chứng là) việc ta làm phạm vào tự do của người khác thì hậu quả đúng sai tới đâu cần được toà án phán quyết… chứ không phải một nhóm quan phụ mẫu văn hoá. Việc một bảo tàng, gallery, hotel, club, v.v. có đồng ý hay không đồng ý bày tranh của tôi phải hoàn toàn chỉ là việc thỏa thuận giữa tôi và giám đốc (hay hội đồng giám đốc) của bảo tàng, gallery, hotel, hay club đó. Thông thường, ở các nước văn minh, như ở Nhật Bản chẳng hạn, các địa điểm trên đều có quy định rõ ràng và áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt. Ví dụ Tokyo American Club không cho phép bày “full frontal nudity” bởi lý do là ở đây có nhiều gia đình có trẻ nhỏ hay lui tới. Như vậy có nghĩa là bất cứ tranh nào có hình đàn ông và/hoặc đàn bà trong y phục của Adam và Eva nhìn vỗ mặt từ đầu tới chân là … out kể cả đó là tranh của Rembrandt hay Picasso. Chấm hết. Một bức tranh của một hoạ sĩ Nhật có hình cột khói bom nguyên tử nổ trên đầu Nhật hoàng Showa được bày giữa thanh thiên bạcnh nhật tại một bảo tàng ở Tokyo, song lại không được bày tại ở một bảo tàng khác ở Kyushu. Điều khác biệt với Việt Nam là, trong tất cả các trường hợp vừa kể, chính quyền không bao giờ và không được phép can thiệp.

Như vậy, việc tranh của ông XYZ có hợp cái gì gì đó của xã hội hay không, tranh của ông ấy đẹp xấu thế nào thì phải để cho công chúng tự do phán xét sau khi đã được xem. Đó là tự do biểu hiện. Anh hoạ sĩ Hà Nội nói trên, và nhiều người khác, có thể không thích (hoặc thích) tranh ông XYZ, song tôi và vài ba người nữa có thể thích (hoặc không thích). Mấy ông quan phụ mẫu hoàn hảo hơn chúng tôi ở chỗ nào về nhân cách, để tước đi quyền tự do thưởng thức tranh ông XYZ của chúng tôi ?

Thời “chiến tranh chống Mỹ” tại Thăng Long ngàn năm văn vật kiểm duyệt diễn ra rất đơn giản như sau. Người ta không cần phải mất công cắt đi các đoạn phim có cảnh chăn gối, mà đến lúc đó người chiếu phim chỉ cần lấy tay che ống kính máy chiếu đi là xong. Màn ảnh đang sáng bỗng nhoáng nhoàng tối đen. Một số khán giả la ó, chửi thề. Không hề hấn gì: “thuần phong mỹ tục” đã được giữ gìn trong sạch! Xem ra bây giờ, sau 40 năm, cách thức kiểm duyệt cũng chỉ hơi bớt thô bạo đi một tí! Theo tôí cần giải tán mọi cơ quan kiểm duyệt văn hoá cũng như bãi bỏ việc bắt các nghệ sĩ phải xin phép xuất bản, triển lãm, trình diễn tác phẩm của mình. Hãy trả lại cho công chúng quyền tự đánh giá và phán xét.



Nguyễn Đình Đăng
“Giấc mơ bạch tuộc” (2009), sơn dầu, 60.6 x 72.7 cm

Con trai tôi nhìn thấy tranh phụ nữ khỏa thân hàng ngày từ khi nó lọt lòng mẹ, bởi đó là tranh bố nó vẽ treo tứ tung trên tường. Nó coi đó là điều bình thường. Lên đến trung học - cao học, nó biết nhận xét mức độ sexy của "cái ti" trong tranh của bố nó. Hồi nó học trung học ở Nhật, các bạn Nhật của nó có lần đến chơi, nhìn thấy tranh khỏa thân treo trên tường, mấy cô cậu lấy tay tự bịt mắt mình lại, đi qua!
Mới hay dung tục hay thuần khiết, dâm hay không dâm, xấu hay đẹp là ở ý nghĩ và cách cảm nhận của từng người thưởng thức.

© 2009 Nguyễn Đình Đăng