Saturday 7 November 2009

Vladimir Ashkenazy – Mục đích hàng đầu của tôi là chơi nhạc và làm nhạc công

Nguyễn Đình Đăng dịch


Lời giới thiệu của hãng thông tấn ABC của Australia




Vladimir Ashkenazy đang chỉ huy dàn nhạc

Nghệ sĩ piano và nhạc trưởng Vladimir Ashkenazy [1] là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất về âm nhạc cổ điển của thời đại chúng ta. Ông được khán giả tôn sùng và được đồng nghiệp kính trọng bởi cách tiếp cận âm nhạc khiêm tốn và ý nghĩa. Sinh ra tại nước Nga Xô-viết trước khi bỏ trốn sang phương Tây vào thập niên 1960, cách nhìn cuả cá nhân ông về cuộc sống trong cả hai thế giới cũng hấp dẫn như sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của ông. Vladimir Ashkenazy đã nhập quốc tịch Iceland và tài năng của ông đã đưa ông đi khắp thế giới.

Dưới đây là phần Nguyễn Đình Đăng trích dịch từ phỏng vấn Vladimir Ashkenazy (VA) do Monica Attard (MA) của hãng ABC thực hiện nhân dịp ông được mời làm chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Sydney (bắt đầu từ năm 2009). Nguyên văn toàn bài phỏng vấn bằng tiếng Anh đăng ngày 13/5/2007 có tựa đề Vladimir Ashkenazy: the Maestro

_____________________

ABC phỏng vấn Vladimir Ashkenazy (trích)

Monica Attard: Bây giờ, thưa ông Ashkenazy, liệu tôi có thể hỏi một chút về tiểu sử của ông? Ông có một tiểu sử lý thú. Ông sinh tại Gorky năm 1937 và cha mẹ ông là các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp.

Vladimir Ashkenazy: Không, không. Chị đã đọc quyển sách viết sai về chuyện này. Cha mẹ tôi không phải là các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Cha tôi chơi piano. Mẹ tôi không phải là nhạc công.

Monica Attard: Ồ, vậy ư?

Vladimir Ashkenazy: Đúng vậy. Chị đã đọc một quyển sách mà mọi người đều nói vậy từ 40 năm nay vì tất cả đều đọc quyển sách đó và có người nào đó đã nhầm lẫn.

Monica Attard: Và ông luôn luôn phải chữa lại, có phải vậy không?

Vladimir Ashkenazy: Vâng (cười).

Monica Attard: Khi nhớ lại tuổi thơ của mình, ông có nghĩ rằng có lẽ số phận luôn an bài để ông trở thành một nhạc công hay ông không tin vào số phận như vậy?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, khi chị còn là một đứa trẻ tôi không cho rằng chị thực sự biết trong tương lai mình sẽ ra sao (cười). Bố tôi không phải là một người chơi piano cổ điển. Ông ấy chơi nhạc nhẹ, mà thực ra tôi không bao giờ thích cả. Vì thế tôi không biết. Tất nhiên, tôi được nghe loại nhạc đó, nhưng tôi nhớ là một hôm mẹ tôi hỏi tôi: “Con có muốn thành nhạc công không?” và tôi trả lời đại loại: “Vâng, con muốn.” Mẹ tôi hỏi tôi muốn chơi gì, tôi trả lời là piano vì bố tôi chơi piano. Mọi việc bắt đầu như vậy song tôi không chắc tôi chịu ảnh hưởng của bố tôi, vì ông chơi thứ nhạc tôi không thích. Tôi bắt đầu học piano vào năm 1943 tại Moscow.

Monica Attard: Rồi ông vào học tại Nhạc viện Moscow, có đúng vậy không?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, đầu tiên tôi học trong trường. Trong 10 năm tại trường nhạc trung ương Moscow. Ở Nga người ta vào nhạc viện (đại học âm nhạc ở Nga – ND) lúc 17, 18 tuổi. Và sau đó, ở lứa tuổi đó, tôi vào nhạc viện học 5 năm.

Monica Attard: Học nhạc tại Liên Xô dưới chế độ cộng sản có những khó khăn đặc biệt gì không, hay trái lại, có dễ hơn ở những nơi khác không?

Vladimir Ashkenazy: Có lẽ. Song, chị biết đấy, thật là khó nói bởi vì ở Liên Xô điều quan trọng là nhà nước trả tiền cho toàn bộ học vấn, và thực tế là nhà nước trả tiền cho mọi thứ, nhà nước như là cha mẹ mình, chị hiểu chứ. Vì thế giáo dục là không mất tiền. Vì thế, về mặt này, đúng là không cần trả tiền cho bất cứ cái gì cả. Thực sự là, người ta còn cấp học bổng cho chị, nếu như chị có tài.

Ở phương Tây thì có khác. Ở phương Tây, người có tài thế nào cũng tìm được học bổng và không phải trả tiền học. Những người khác thì phải trả. Hoặc là những người có nhiều tiền, chẳng cần bận tâm tới nguồn tài trợ của ai khác, họ trả tiền học. Nhưng cái đó không hoàn toàn rõ ràng thẳng tuột như vậy ở phương Tây.

Còn ở Liên Xô thì rõ ràng. Không ai phải trả tiền học cả. Đó là cái khác biệt. Song điều đó không làm cho phương Tây trở nên quá tiêu cực bởi vì nếu một người thực sự có tài người ta sẽ tìm ra cách để giúp người đó.

Monica Attard: Tôi cho rằng ở phương Tây có nhiều người tài cũng bị rơi vào khe đá. Họ không đạt được mục đích.

Vladimir Ashkenazy: Ồ, chị biết đấy, có rất nhiều số phận, cá nhân, con người khác nhau đến thật khó cho một câu trả lời chung. Song tôi biết, vì nhiều người từng đến hỏi ý kiến tôi, chơi đàn cho tôi nghe, và nói cho tôi về những gì họ muốn làm, những gì họ làm được và không làm được. Tôi cho rằng tôi hiểu khá rõ những thanh niên, những nghệ sĩ trẻ tiến bộ như thế nào trong đời, và tôi có thể thấy rất rõ rằng, nếu một người mà có tài thì anh ta hoặc chị ta sẽ dễ dàng tìm được tài trợ để đi lên tiếp trên các nấc thang của sự nghiệp.

Chị thấy đấy, những người bất tài thì sẽ gặp khó khăn, tất nhiên rồi, song họ sẽ gặp khó khăn ở mọi nơi. Họ có thể nhận học vấn mà không phải trả tiền học trong một nước cộng sản, song họ cũng chẳng tiến lên được ở đâu cả.

Monica Attard: Ông có nghĩ rằng nước Nga hiện nay cũng có một sự quan tâm đặc biệt như thế cho những mưu cầu văn hoá và âm nhạc? Nước Nga dưới chính thể của Vladimir Putin ấy mà?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, không, tôi không biết nhiều về những gì đang diễn ra ở đó. Nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ quan âm nhạc thì ít hơn trước kia. Chắc chắn là như vậy. Người ta nói với tôi rằng họ gặp khó khăn trong việc duy trì một số nhạc viện và trường nhạc.

Các nguồn tài trợ tư nhân cũng không lấy gì làm to tát lắm, đại để cái gọi là chủ nghĩa tư bản ở Nga vẫn còn đang trong giai đoạn trẻ con, và những người rất, rất giàu – những người mới trở thành giàu có trong vài năm gần đây – hỗ trợ nghệ thuật không được tốt lắm. Đại để họ xa rời đời sống nghệ thuật, nhưng như chị biết đấy, đây mới chỉ là khởi đầu.

Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau này song tôi cho rằng Nhà nước hiện đang hỗ trợ Nhà hát Lớn (Bolshoi Theatre) bởi vì nó luôn là một kiểu đại sứ văn hóa đối với phương Tây, đối với thế giới, và theo tôi, cuối cùng Nhà hát Lớn đã sa sút tới mức đáng hổ thẹn đến nỗi Nhà nước phải quyết định giúp. Bây giờ thì ổn rồi, tôi cho là như vậy. Người ta sẽ đại tu lại nó và sẽ giúp nó hoạt động. Đó là điều tôi được biết.

Monica Attard: Tôi có thể quay lại một chút thời ông sống ở Liên Xô? Ông có thấy hạnh phúc không?

Vladimir Ashkenazy: Hạnh phúc (cười) là một vấn đề rất rộng. Ồ, khi tôi còn là một đứa trẻ, vâng, tất cả những gì tôi biết đó là tôi chơi piano và chơi rất giỏi, giỏi hơn rất nhiều một số bạn cùng lớp và tôi hạnh phúc khủng khiếp vì tôi chơi nhạc rất nhiều và chỉ tập trung vào mỗi việc đó thôi.

Khi chị trưởng thành tại Liên Xô chị bắt đầu hiểu ra chính thể độc tài ở đó khủng khiếp như thế nào.

Và đó là cái gì đó khác. Chị học được có thể nói gì và không thể nói gì. Chị học được cách phải ứng xử như thế nào, và làm thế nào để tìm được đường đi trong cái mê lộ của những gì có thể và không thể, bởi vì cái tự do mà chị, và bây giờ là tôi đã quen trải nghiệm, không tồn tại ở nước Nga. Không hề có tự do đi lại, không hề có tự do phát biểu quan điểm của mình, về cơ bản mà nói, không có tự do thực sự để làm cái mà chị muốn làm trong cuộc đời mình.

Thế nên trở thành một người trưởng thành quả thực là khó không thể tin được, nhưng tôi, về mặt nào đó, đã gặp may. Tôi đã tận dụng được từ học vấn rất tốt, từ các nghệ sĩ rất tài, các thầy giáo rất giỏi, từ cuộc sống âm nhạc, cho dù ở mức rất hạn chế, song rất tốt.

Monica Attard: Và tất nhiên ông đã biểu diễn ra mắt tại London vào năm 1963 và đó cũng chính là năm ông trốn sang phương Tây, có phải vậy không?

Vladimir Ashkenazy: Đúng, đúng. Tôi đã ở lại London khi tôi 26 tuổi và tôi đã rất may mắn vì ở lại được. Thực sự là tôi đã ở lại đó với hộ chiếu Xô-viết cuả tôi, mà sau này tôi còn sử dụng trong nhiều năm. Và những người Xô-viết không biết phải diễn giải quyết định ở lại Anh của tôi như thế nào. Song tôi vẫn bị liệt vào loại người không được hoan nghênh (persona non grata) tại Liên Xô. Tên tôi không được nhắc đến, băng đĩa của tôi không được bán, v.v. và v.v.

Chị biết không, tôi kể chị nghe một sự cố rất khôi hài, một sự thật rất tức cười. Vợ tôi, người Iceland, đã đến học tại Nhạc viện Moscow với tư cách là một sinh viên trao đổi từ Iceland. Tên của cô ấy hồi đó là tên bố cô Johannsdottir. Đó là tên ghi trong hộ chiếu của cô ấy, mặc dầu tại Iceland đôi khi cũng có khác. Nhưng cô ấy sống tại London từ bé, nên cô đến Moscow như một người Iceland từ London. Cô ấy và tôi học cùng một giáo sư, ông Oborin. Chị hiểu chứ?

Monica Attard: Dạ.

Vladimir Ashkenazy: Thế rồi, khi chúng tôi ở lại London, vài năm sau đó tôi nhớ là giáo sư của tôi qua đời và một cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông được xuất bản, vào khoảng giữa thập niên 1970 gì đó. Chúng tôi mua được cuốn sách đó ở phương Tây, tất nhiên bằng tiếng Nga. Chúng tôi mở ra xem, đọc từ đầu đến cuối, và xem phần phụ lục ở cuối cuốn sách có danh sách tất cả các học trò của ông.

Monica Attard: Dạ.

Vladimir Ashkenazy: Nhớ rằng cuốn sách được xuất bản tại Liên Xô nhé. Thế nên, tên tôi không có trong danh sách mà thực tế có lẽ tôi là học trò nổi tiếng nhất của ông ấy. Tên tôi không có trong danh sách nhưng tên vợ tôi, Johannsdottir, thì có bởi họ đã không biết, những chủ biên cuốn sách đó, đã hoàn toàn không biết rằng đó là vợ tôi, thế nên, OK, chúng ta cứ in tên đó!

Monica Attard: Vâng.

Vladimir Ashkenazy: Nhưng không có tôi.

Monica Attard: Đúng. Ông đã bị xoá trắng.

Vladimir Ashkenazy: Tôi đã bị xóa sổ hoàn toàn. Cho tới khi Gorbachev lên cầm quyền và khi đó tôi được mời trở về biểu diễn.

Monica Attard: Ông có được phục hồi lại quốc tịch Nga không?

Vladimir Ashkenazy: Tôi không đề nghị bởi lẽ tôi đã chính thức thôi quốc tịch Nga vào đầu thập niên 1970 và tôi chẳng bao giờ bận tâm phục hồi lại nó vì tôi không muốn.

Monica Attard: Và đến giờ ông vẫn không muốn?

Vladimir Ashkenazy: Vâng, đúng thế.

Monica Attard: Ông có lý do gì đặc biệt cho chuyện này?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, trước hết không có lý gì phải có nó bởi vì nó vô tích sự trong việc đi lại. Tôi không sống ở Nga. Tại sao tôi lại cần phải có nó? Chỉ để nói, này tôi có hộ chiếu Nga đây này ư? Chẳng có lý gì cả. Tôi cho rằng thủ tục sẽ rất lôi thôi và tôi không thấy lý do đặc biệt nào để làm cả. Bên cạnh tình trạng của nước Nga hiện nay, tôi hy vọng có một nước Nga tự do hơn nước Nga bây giờ, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ bàn về chuyện đó. Nhưng, về cơ bản mà nói, cái hộ chiếu đó đối với tôi chẳng có nghĩa gì cả.

Monica Attard: Cho nên, ông không thể biết được khi nào ông cùng gia đình sẽ lại quay về sống tại nước Nga?

Vladimir Ashkenazy: (Cười) Không, không.

Monica Attard: Không?

Vladimir Ashkenazy: Tôi đã sống ở phương Tây từ năm 1963, dài hơn thời gian tôi từng sống tại Nga, và các con cái tôi đều có gia đình ở phương Tây và mọi thứ. Hoàn toàn không có cơ hội (quay lại Nga – ND) đâu.

Monica Attard: Vâng. Ông có nói ông không tin nước Nga sẽ sớm có tự do và dân chủ. Tuần trước người ta bàn tàn rất nhiều về Yeltsin, vừa chết. Khi ông theo dõi các sự kiện ở nước Nga, tôi cho rằng ông quan tâm tới những gì đang xảy ra khi chế độ cộng sản tan rã trên tổ quốc ông, ông có quan điểm thế nào về Yeltsin?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, có lẽ tôi cũng như nhiều người trong số chúng tôi ở phương Tây nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản đã hết thời và dĩ nhiên nước Nga sẽ bắt đầu đi theo con đường dân chủ.

Chúng tôi đã hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất và có lẽ tất cả chúng tôi đều đã ao ước, song chúng tôi, tất cả chúng tôi, có lẽ đã không thấy rằng, nếu chị nhìn lại lịch sử nước Nga, nước Nga trước thời Liên Xô, với chế độ quân chủ và chuyên quyền khủng khiếp, rồi sau đó là chủ nghĩa cộng sản, chị sẽ thấy rằng nước Nga có một quá khứ dân chủ vẻn vẹn chỉ khoảng 12 năm, từ 1905 đến 1917, và ngay cả đấy cũng chưa phải là một nền dân chủ đầy đủ bởi Tsa hoàng vẫn còn đó và ông ta vẫn bức chế nhiều chuyện, rồi sau đó chính thể độc tài hoàn toàn nắm quyền từ sau Cách mạng năm 1917 và chế độ này kéo dài hơn 70 năm.

Cho nên lịch sử không thực sự thuyết phục chị tin rằng nước Nga bỗng dưng, từ năm 1991 cho đến giờ là 2007, sẽ trở thành một nền dân chủ hoàn toàn trong vòng 15, 16, hay 17 năm nữa. Sau một lịch sử như vậy tôi không cho rằng một thập niên rưỡi là đủ để thay đổi tâm tính con người, kết cấu của xã hội của một đất nước khổng lồ đang trong một tình trạng rất khó khăn để điều hành kinh tế và mọi thứ.

Monica Attard: Ông có tin rằng điều đó đến một lúc nào đó sẽ xảy ra không?

Vladimir Ashkenazy: Có thể có một hy vọng nào đó rằng nếu tình hình quốc tế chuyển theo một hướng, hướng nào thì tôi không biết, mà sẽ khiến cái đất nước khổng lồ, đất nước khó khăn này trở nên dân chủ hơn và có xu hướng ngả về phương Tây hơn, có thể tới một thời điểm nào đó ở đây sẽ có một nền dân chủ đại loại tương tự như dân chủ phương Tây. Cơ hội thì có đấy.

Nhưng thế giới có thể ngả theo hướng khác, và người Nga có thể quay sang phương Đông, và có Trời mới biết, có thể họ lại quay về phương Nam, và sẽ không có nền dân chủ. Ai mà biết được? Tôi chỉ có thể hy vọng mà thôi.

Monica Attard: Khi ông rời hẳn sang phương Tây sống, ông có thấy hạnh phúc với mọi mặt của cuộc sống không?

Vladimir Ashkenazy: Thế chị có thể cảm thấy được mình hạnh phúc với mọi mặt của cuộc sống không?

Monica Attard: Nhưng khi ông đến từ một đất nước có an ninh chặt chẽ và tập thể quan trọng hơn cá nhân, ông có cảm thấy một sự phân đôi khó xử không?

Vladimir Ashkenazy: Lúc đầu quả thật có khó khăn vì tôi chưa quen, nhưng sau khi tôi hiểu rằng đây là cách sống đúng đắn chứ không phải cái cách mà một tập thể hay một tên độc tài nào đó quyết định cho mình, như ở Liên Xô, thì tôi nghĩ ồ đó là cách mà con người nên sống.

Monica Attard: Và khi ông phát hiện ra rằng ông có tài vô cùng, thành công vô cùng, nổi tiếng trong thế giới âm nhạc, ông thấy tất cả những tin phóng đại và giật gân gắn với tài năng cực kỳ của ông là tích cực hay tiêu cực?

Vladimir Ashkenazy: Ồ, chị biết đấy, tôi không bao giờ nghĩ nhiều về điều này bởi vì khi tôi học nhạc, và trong – như người ta nói – sự nghiệp – từ mà tôi không thích – nhưng không sao, trong cái kiểu tôi xuất hiện trước công chúng, tôi bắt đầu thành công, thì đó là cảm giác rất kỳ lạ, bởi tôi chưa bao giờ phấn đấu để đạt một thành công, hay tiếng tăm, hay bất cứ cái gì đó. Tất cả những gì tôi làm là làm thế nào chơi cho hay, để trở thành một nhạc công, và thế là bỗng dưng tôi thắng các cuộc thi, tôi trở nên đại loại như một thanh niên rất thành công ở nước tôi. Điều đó thật là đáng kinh ngạc.

Monica Attard: Vâng.

Vladimir Ashkenazy: Chị cũng biết vậy à? Rồi tôi nghĩ, ồ, nếu tôi đã thắng các cuộc thi đó và tôi đang thành công, thì tôi phải bắt tay vào lao động thật siêng năng bởi vì tôi phải chứng minh cho thành công đó bằng chơi đàn trước công chúng, và tôi bắt đầu làm việc rất chăm chỉ. Và đó là cái mà tôi đã làm suốt cuộc đời tôi, tập đàn rất nhiều, chuẩn bị cho các buổi hoà nhạc quan trọng, say mê công việc đó một cách ghê gớm bởi vì tôi yêu âm nhạc. Tôi chẳng cần phải nói với chị điều đó.

Mọi việc đã diễn ra như vậy. Đại loại là tôi biết rằng tôi là người thành công song thành công không phải là mục đích hàng đầu của tôi. Mục đích hàng đầu của tôi là chơi nhạc và làm một nhạc công bởi tôi rất yêu những gì tôi làm.

Monica Attard: Và chắc là để tiếp tục làm khán giả thích thú?

Vladimir Ashkenazy: Tôi chẳng bao giờ cố làm cho ai đó thích thú. Tôi cố chơi hay, và nếu người ta thích thì càng tốt.

Monica Attard: Rất cảm ơn ông, ông Ashkenazy, vì đã dành thời gian nói chuyện với chúng tôi tại ABC.

*

Thay lời kết: Khiêm tốn là sự xa hoa của các vĩ nhân

Sau khi Van Cliburn (23 tuổi, Hoa Kỳ) đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky lần thứ nhất (1958) tại Moscow đem lại vinh quang cho nước Mỹ, người Nga quyết giành lại giải nhất về cho Liên Xô. Trả lời về việc ông đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky lần thứ hai (năm 1963) cùng với John Ogdon (Anh), Vladimir Ashkenazy nói: “John Ogdon đã chơi concerto số 1 của Tchaikovsky hay một cách kỳ diệu trong khi tôi chỉ chơi hay thôi.” (“Ashkenazy – Still Russian to the core”, The Independent, 3/10/2008).

Trong bài “Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị” đăng tại Tuần Việt Nam ngày 24/6/2009, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết, trong một lần lỡ độ đường vào năm 1995, maestro Vladimir Ashkenazy đã tình cờ ghé TP HCM (Sài Gòn) 2 ngày. Lợi dụng dịp may trời cho này, Nhạc viện TP HCM đã cử một phái đoàn gồm các giáo sư tiến sĩ của nhạc viện do giám đốc nhạc viện đồng thời là một giáo sư – tiến sĩ – nghệ sĩ nhân dân dẫn đầu tới hotel gặp Ashkenazy để mời ông biểu diễn tại nhạc viện. Sau khi đã giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của đoàn với đầy đủ chức danh, học vị, các giáo sư nhạc sĩ của ta hỏi ông ta (trích nguyên văn) Ashkenazy là gì? Thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa? Và câu trả lời là: “Tôi chỉ là Ashkenazy”. Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sĩ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: “Tôi chỉ là Ashkenazy”. Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? Hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: “Tôi chỉ là Ashkenazy!”

Xem Vladimir Ashkenazy chơi Etude Op. 10 No. của Chopin tại YouTube (thu năm 1963) . Người phụ nữ tóc vàng trong clip là vợ ông, Thorunn Johannsdottir-Ashkenazy.

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Đình Đăng
--------------------------------------------------------------------------------

[1] Vladimir Ashkenazy (sinh ngày 6/7/1937) là nghệ sĩ piano kiệt xuất đồng thời là nhạc trưởng người Nga (gốc Do Thái). Ông đoạt giải nhì tại cuộc thi piano Chopin năm 1955, giải nhất cuộc thi âm nhạc mang tên Hoàng hậu Elisabeth tại Brussels năm 1956, giải nhất cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky năm 1962 tại Moscow (cùng với John Ogdon người Anh). Năm 1963 ông bỏ nước Nga Xô-viết sang Anh. Năm 1977 ông nhập quốc tịch Iceland. Ông hiện sống với vợ (người Iceland) tại Thụy Sĩ. Ông từng là nhạc trưởng các dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia Anh (1987 – 1994), Tiệp (1998 – 2003), NHK (Nhật Bản, 2004 – 2009). Ông được thưởng 6 giải Grammy (1974, 1979, 1982, 1986, 1988, 2000) và giải cống hiến Hanno R. Ellenbogen Citizenship Award năm 2000.