Tuesday 22 December 2009

Say mê nghệ thuật và khoa học


Bài của I. FUYUNO
ký giả của tạp chí Nature
đăng tại RIKEN Research, tập 1, No. 2, trang 11, 8/2006

Nghệ thuật luôn chiếm vị trí quan trọng đối với Nguyễn Đình Đăng. Anh bắt đầu học vẽ từ khi mới lên năm tuổi và chẳng mấy chốc đã trở thành một học sinh xuất sắc. Được trời phú cho năng khiếu nghệ thuật và niềm say mê bền bỉ, Đăng có thể đã trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên những hạn chế sáng tạo nghệ thuật cũng như cuộc sống khó khăn của nghề hoạ trong thời chiến đã khiến anh chọn con đường làm khoa học. Song nghệ thuật đã trở thành mối quan tâm suốt đời anh. Ngay cả chiến tranh Việt Nam và sự thiếu thốn vật chất cũng không dập tắt được niềm say mê hội hoạ trong người con của Hà Nội ấy.
Nhiều người tự nhận là hoạ sĩ, song cái khó nhất và đẹp nhất lại là sự bí ẩn của vũ trụ. Chỉ có một số ít người có thể lĩnh hội được điều đó,” Đăng nói. Anh hiện là nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Máy gia tốc Nishina thuộc viện RIKEN ở thành phố Wako.
Giỏi toán và vật lý, Đăng là một trong các học sinh đoạt điểm cao tại kỳ thi vào đại học Việt Nam năm 1975 và được nhận học bổng nhà nước cử ra nước ngoài học. Năm 1976 anh vào học tại một trong những đại học tốt nhất thế giới về khoa học cơ bản – Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva.
Đăng kể lại trong thời gian học tại Maxcơva anh đã đi thăm các bảo tàng mỹ thuật tuyệt vời và dành toàn bộ các kỳ nghỉ để vẽ tranh. Về học vị, anh đạt hai bằng tiến sĩ: một bằng PhD (TS) và một bằng tiến sĩ khoa học toán – lý (TSKH) tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva.
Đăng làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đức và Italia vào đầu thập niên 1990. Khi ở Italia, Đăng ngạc nhiên vì nhận được một bức thư đề nghị anh nộp hồ sơ nhận tài trợ sang nghiên cứu tại Nhật Bản. Sau này anh được biết đó là nhờ sự giới thiệu của thầy cũ của anh, giáo sư Vadim Soloviev, một nhà vật lý nổi tiếng tại viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt Nhân Dubna, Nga.
Từ Italia trở về, Đăng tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về hạt nhân lần đầu tiên tại Việt Nam vào mùa xuân năm 1994. Tại đây anh đã gặp giáo sư Akito Arima, nhà vật lý hạt nhân lý thuyết lỗi lạc khi đó là chủ tịch viện RIKEN. “Đăng biết nhiều thứ tiếng, trình bày quan điểm rõ ràng, có kiến thức sâu và chắc chắn về vật lý,” giáo sư Arima nhớ lại.
Nghiên cứu tính chất của các hòn đá tảng xây nên lâu đài tự nhiên
Nhiều nhà vật lý, kể cả Đăng, nghiên cứu các hạt nhân nguyên tử ở trong các điều kiện bất thường. Mỗi hạt nhân nguyên tử gồm các proton và neutron, tạo thành cái lõi của nguyên tử. Hạt nhân ở trạng thái bền vững khi số proton và neutron nằm trong một tỉ lệ cân bằng nhất định. Nhưng các hạt nhân dễ trở thành không bền vững khi chúng bị biến dạng mạnh hoặc có quá nhiều neutron so với proton. Chúng còn có thể nóng lên khi bị kích thích tới các năng lượng cao. Mặc dù tính chất các hạt nhân bền vững đã được nghiên cứu kỹ, tính chất của các hạt nhân trong các điều kiến tới hạn vẫn còn là một bí mật. Tiếp tục khám phá cấu trúc các hạt nhân loại này có thể cung cấp kiến thức mới về sự hình thành của vũ trụ.
Một trong các đặc trưng của hạt nhân là cộng hưởng khổng lồ. Đó là dao động được tạo bởi chuyển động của nhiều nucleon tại một tần số nào đó xung quanh dạng cân bằng của hạt nhân. Cộng hưởng khổng lồ được phân loại tùy theo dao động. “Nghiên cứu tính chất các cộng hưởng khổng lồ giúp ta hiểu nhiều về hạt nhân,” Đăng nói.
Cộng hưởng khổng lồ được biết nhiều nhất là dao động của các proton đối với neutron. Loại cộng hưởng này, gọi là cộng hưởng khổng lồ lưỡng cực (Giant Dipole Resonance, viết tắt là GDR), được phát hiện lần đầu tiên trong các phản ứng quang hạt nhân cách đây 70 năm. Đăng đã từng nghiên cứu GDR từ những năm 1980 và đã trở thành chuyên gia về vấn đề này sau khi làm việc tại các nước khác nhau.
Giúp kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài ba thập niên
Tới Nhật Bản năm 1994, Đăng được tài trợ nghiên cứu 10 tháng tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân thuộc Đại học Tổng hợp Tokyo. Trong khi đó Arima đề nghị anh sang làm việc tại RIKEN, nơi anh chuyển tới vào năm 1995, để giải quyết một vấn đề gây tranh cãi liên quan tới một loại cộng hưởng khổng lồ gọi là cộng hưởng Gamow-Teller. Cộng hưởng này được tạo bởi dao động của các neutron có spin hướng lên trên (hoặc xuống dưới) so với các proton có spin quay xuống dưới (hoặc hướng lên trên), và đóng vai trò then chốt trong vật lý các hạt neutrino và vật lý thiên văn bởi nó tác động tới động học ban đầu của sự tan biến của các sao siêu mới (supernova).
Vấn đề tranh cãi xảy ra là ở chỗ các thực nghiệm chỉ thấy được khoảng 60% tổng lực của cộng hưởng được lý thuyết tiên đoán. Các nhà nghiên cứu trên thế giới chia làm hai phe với hai cách giải thích sự chênh lệch này. Arima là người cổ vũ cho cách giải thích đơn giản, không cần viện đến các bậc tự do dưới nucleon, song ông chỉ có một ảnh hưởng khá hạn chế tới kết quả của tranh luận.
Năm 1997 các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân ở Osaka đã thành công trong việc thu được kết quả thực nghiệm ủng hộ giả thuyết của Arima. Cũng cùng lúc đó, Đăng đề xuất một mô hình mới, kết hợp khả năng tiên tiến của máy tính điện tử tại RIKEN với cách tiếp cận vi mô. Kết quả tính toán của anh mô tả tốt kết quả thực nghiệm của nhóm Osaka. Như vậy cuộc tranh luận kéo dài ba thập niên đã hầu như kết thúc bởi nhóm của Arima đã tiến gần tới mức hầu như giải thích được toàn bộ lý do của sự chênh lệch trước đây giữa lý thuyết và thực nghiệm.

Tiết diện của GDR có hình chuông đặc trưng, độ rộng của nó phụ thuộc nhiệt độ. Năm 2003, so với tiên đoán của mình vào năm 1998 (đường màu lục), Đăng và Arima đã thu được kết quả lý thuyết (đường màu đỏ) rất gần kết quả thực nghiệm về sự phụ thuộc của độ rộng của GDR vào của nhiệt độ
Sau đó Đăng tập trung vào mối quan tâm từ lâu của mình về GDR trong các hạt nhân nóng, được tạo ra trong các phản ứng liên kết ion nặng hoặc trong một số các phản ứng khác. Các nhà khoa học bối rối vì, trong khi độ rộng cùa GDR trong các hạt nhân nóng này tăng theo nhiệt độ tại các nhiệt độ vừa phải, thì bắt đầu từ một nhệt độ cao nào đó, GDR ngừng lại không “nở ra” nữa. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, các nhà vật lý đã không tìm được một cách mô tả nhất quán nào cho hiện tượng này.
Năm 1998 Đăng và Arima đã đề xuất một mô hình mới giải thích tính chất phụ thuộc nhiệt độ của GDR. Kết quả tính toán của Đăng và Arima mô tả tốt phần tăng và bão hòa của độ rộng của GDR (Hình 1). Năm 2003 họ tiếp tục hoàn thiện lý thuyết của mình và trở thành nhóm đầu tiên chứng tỏ một hiệu ứng quan trọng gây bởi siêu dẫn hạt nhân lên độ rộng của GDR, đưa đến một hiểu biết toàn diện hơn về hiện tượng GDR trong các hạt nóng. Được cổ vũ bởi thành công trong nghiên cứu các hạt nóng và GDR, Đăng tiến hành áp dụng mô hình của mình cho các cộng hưởng khác.
Trời phú cho cuộc sống nghệ thuật
Bên cạnh việc phát triển sự nghiệp khoa học ưu tú của mình, chuyển tới sống tại Nhật Bản đã cho Đăng những cơ hội lớn để rèn luyện kỹ năng nghệ thuật của anh. “Chỉ có ở Nhật tôi mới có một cuộc sống ổn định để có thể vẽ thường xuyên,” anh nói. Năm 1995 anh lại tiếp tục vẽ sau bốn năm gác bút, và từ đó anh đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân cũng như tham gia nhiều triển làm tập thể. Anh nói khi tìm ra một ý tưởng mới, anh vẽ liên tục hàng đêm liền và trong tất cả các ngày nghỉ cuối tuần.

"Trong tâm hồn tôi, tôi luôn là một đứa trẻ đối với cha mẹ tôi. Họ đã già yếu nhưng tình yêu của họ cho tôi và cho nhau thật mênh mông như đại dương mùa đông," Đăng nói. Anh đoạt danh hiệu "Hoạ sĩ có tác phẩm đẹp" tại triển lãm Chủ Thể lần thứ 41 nhờ bức tranh này.
Trong hai thập niên cuối cùng, tranh của Đăng chuyển từ phong cách ấn tượng sang siêu thực, mà đại diện xuất sắc nhất, Salvador Daili, đã trở thành một trong các bậc thầy Đăng đặc biệt ngưỡng mộ. “Siêu thực là cách tốt nhất để tôi biểu hiện mình,” anh nói. Trong một bức hoạ gần đây, bức “Đại dương mùa đông”, Đăng tự họa mình bên cạnh mẹ anh đang cho cha anh ăn chuối (Hình 2). Hai cặp vợ chồng trên nền phía sau cũng là cha mẹ anh thời họ còn là sinh viên ở Paris. Đăng đã hai lần đoạt danh hiệu “Hoạ sĩ có tác phẩm đẹp” tại triến lãm Chủ thể tại Tokyo. Tháng 11 này Đăng dự định sẽ tổ chức một triển lãm chung tại Hà Nội với 12 nghệ sĩ Nhật Bản.
Đăng nói rằng nội dung văn học của một tác phẩm nghệ thuật không phải là điều quan trọng. Cảm xúc mới là tất cả. “Trong sáng tạo khoa học lẫn nghệ thuật điều quan trọng nhất là trực giác. Bạn cảm thấy điều gì đó bằng trực giác. Bạn không thể giải thích được tại sao nó lại nảy ra trong đầu bạn,” anh nói.


Về nhân vật trong bài viết
Nguyễn Đình Đăng sinh năm 1958 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva năm 1982. Anh nhận học vị tiến sĩ vật lý hạt nhân năm 1985, và tiến sĩ khoa học toán lý năm 1990 tại đại học này. Anh đến Nhật Bản năm 1994 với tư cách là research fellow của Quỹ Tưởng niệm Nishina, và vào làm việc tại RIKEN năm 1995. Anh hiện là nhà khoa học nghiên cứu tại phòng Vật lý Ion Nặng thuộc Trung tâm Khoa học Máy gia tốc Nishina của RIKEN. Đồng thời anh cũng là nhà khoa học thuộc viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân trong viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nơi anh nhận biên chế từ năm 1982. Đăng là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam và hội Mỹ thuật Chủ thể Nhật Bản. Anh thạo tiếng Việt, Anh, Nga, và Pháp.
Trang web của anh: http://ribf.riken.go.jp/~dang/

Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Anh tại RIKEN Research Vol. 1 Issue 8, 4 August 2006
Bản tiếng Nhật: 芸術と科学を心に抱いて

Nhà vật lý Việt Nam thành đạt tại Nhật Bản


Bên cạnh nghiên cứu cấu trúc hạt nhân nguyên tử, Nguyễn Đình Đăng còn là một hoạ sĩ hoàn hảo
Bài của EDAN CORKILL
ký giả thường trực của Japan Times
đăng tại Japan Times ngày 8/12/2009
Nguyễn Đình Đăng dịch

Xử lý các con số: nhà vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Đăng trong phòng làm việc của mình tại viện RIKEN, thành phố Wako, tỉnh Saitama. Ảnh: Edan Corkill
Nguyễn Đình Đăng không lựa chọn Nhật Bản nhiều bằng nước Nhật đã chọn anh. Nhà vật lý hạt nhân người Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đồng thời là hoạ sĩ đến sống tại đây vào năm 1995 theo lời mời của RIKEN – viện nghiên cứu khoa học và công nghệ một phần được tài trợ bởi nhà nước.
“Đầu tiên tôi được mời tới Đại học Tổng hợp Tokyo 10 tháng vào năm 1994 theo tiến cử của thầy cũ của tôi tại Đại học Tổng hợp Maxcơva, rồi sau đó năm 1995 tôi được mời tới RIKEN,” Đăng giải thích. Từ đó anh làm việc tại cơ sở của RIKEN tại Wako thuộc tỉnh Saitama, lúc đầu như một research fellow, sau đó trở thành nhà nghiên cứu theo hợp đồng (contract researcher).
Đăng sống tại Wako cùng với vợ người Việt Nam và, cho tới gần đây, con trai, hiện là sinh viên đại học tại Hoa Kỳ. Anh có cái nhìn tích cực về mọi mặt của cuộc sống tại đây, ví dụ như độ tin cậy của hệ thống hành chính quan liêu -  “Nếu họ nói việc gì đó sẽ được giải quyết trong một tuần thì sẽ đúng là trong một tuần” – và mức chăm sóc tại các bệnh viện công cộng. “Khi vợ tôi có lần phải nhập viện, sự phục vụ tốt tới mức mà vợ tôi tưởng mình là bệnh nhân duy nhất của bệnh viện,” anh nói.
Nếu những điều này nghe có vẻ như những ưu đãi nhỏ, tưởng cũng nên nhớ tới những hình mẫu anh dùng để so sánh nước Nhật ngày hôm nay: đó là Việt Nam trong và sau chiến tranh, và Liên Xô.
Đăng sinh năm 1958 tại Hà Nội, có nghĩa là anh và gia đình anh ở về phía của Bắc Việt, tức là cộng sản, trong giai đoạn họ gọi là “kháng chiến chống Mỹ”, được biết đến tại phương Tây dưới cái tên Chiến tranh Việt Nam.
Vào giữa thập niên 1960 Đăng và gia đình phải đi sơ tán về nông thôn.
“Không có đánh nhau trên mặt đất ớ miền Bắc, song có các trận oanh tạc từ trên không,” anh giải thích. “Tôi nhớ có đêm tôi đã nhìn thấy cả chân trời phía Hà Nội đỏ rực vì lửa cháy.”
Tuy phải xa thành phố, Đăng vẫn tiếp tục đi học và sống bình thường, dù bị mất điện.
Anh nhớ lại chính thầy giáo dạy nhạc của anh đã bảo anh rằng, đối với anh, con đường duy nhất để tự phát triển là đi ra ngoại quốc. Anh đã quyết đạt mục tiêu này bằng cách duy nhất có thể: đó là giành điểm cao nhất  trong khi học phổ thông và nhờ đó đoạt học bổng đi học đại học ở nước ngoài trong khối cộng sản.
“Tôi là một trong những học sinh đạt điểm cao nhất cả nước,” Đăng nhớ lại.
Thế là vào mùa thu năm 1976 anh cùng hàng trăm học sinh Việt Nam trẻ tuổi và sáng dạ khác đã đáp chuyến tàu đặc biệt, trải qua một hành trình dài hai tuần lễ xuyên qua Trung Quốc, Mông Cổ, Siberia để tới Maxcơva. Hành trang của anh gồm một va-li đựng một bộ com-lê, một đôi giầy và một cái áo len cổ lọ – tất cả do nhà nước Việt Nam cấp.
“Chúng tôi chẳng có gì cả vì không có tiền,” Đăng vừa cười vừa nhớ lại. “Họ cho chúng tôi lựa chọn giữa cái áo len màu xanh và màu da cam.”
Đăng bắt đầu thành công vào cuối thập niên 1970. So với đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh mà anh đã để lại phía sau, Maxcơva là miền đất hứa. “Maxcơva thật đẹp và sạch, có nhiều toà nhà cao tầng. Có thể mua được hàng hoá trong các cửa hiệu,” anh nói.
Mê vẽ từ nhỏ, Đăng lao vào hội họa và dùng phần lớn thời giờ rảnh để ngồi trước giá vẽ.
Sau khi đậu bằng tiến sĩ vật lý hạt nhân, anh trở vè Việt Nam vào năm 1985. Anh lập gia đình, sinh con trai, rồi quay lại Maxcơva vào năm 1987 để hoàn tất học vị Tiến sĩ Khoa học – bằng cấp cao nhất của hệ thống đào tạo hàn lâm Liên Xô.
Trong lần thứ hai này, anh được thấy sự tan rã của chế độ Xô Viết. Các cửa hàng tại Maxcơva bây giờ trống trơn như Hà Nội trước đó một thập niên.
Quay lại Việt nam vào năm 1990, Đăng vào làm việc tại viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân, và sau đó 4 năm anh được mời sang Nhật Bản.
Nhà khoa học này nói anh chưa từng làm việc ở đâu có trang bị tốt như ở RIKEN. Nhiệm vụ của anh hiện nay là nghiên cứu cấu trúc của hạt nhân nguyên tử, một trong những thách thức then chốt của vật lý.
“Cơ bản mà nói, mục tiêu là nhằm tìm hiểu vũ trụ này đã được hình thành như thế nào,” anh nói.
Đăng thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật vào vốn tiếng Việt, Nga, và Pháp của anh, song anh nói các nhà nghiên cứu Nhật Bản tại RIKEN nói tiếng Anh tốt. “Ở đây cũng có nhiều người ngoại quốc làm việc”, anh nói thêm.
Lúc rảnh rỗi, Đăng tiếp tục vẽ. Năm 2003 một bức tranh của anh được nhận bày tại triển lãm của hội mỹ thuật tư nhân mang tên hội Chủ Thể. Đăng lập lại kỳ công này vào năm 2004, và tới năm 2005 hội này đã phong tặng anh danh hiệu “hội viên”, một vinh dự thường đòi hỏi hàng thập niên mới đạt được.

Thế hệ mới: Trong bức tranh "Ngày trưởng thành" vẽ năm 2008, Nguyễn Đình Đăng diễn tả con trai mình trước ngày lên đường sang Hoa Kỳ học đại học
Tranh của Đăng mang phong cách Siêu thực. Anh thích thể hiện cuộc sống hay ý nghĩ của mình bằng cách hoà trộn các vật thể khác nhau mang tính tượng trưng vào các phong cảnh mộng mị. Trong một bức tranh anh vẽ một kẻ đầu trâu đang bịt miệng một người đàn ông, nhằm diễn tả sự thiếu tự do biểu hiện trên đất nước quê hương anh.
“Nhật Bản hay ở chỗ anh có thể vẽ, về cơ bản mà nói, bất cứ cái gì,” Đăng nói. “Ở Hà Nội ngay cả tổ chức triển lãm cũng phải xin phép chính quyền.”
Tương tự như thế, cách nhìn của anh lên xã hội Nhật Bản nói chung được hình thành từ những trải nghiệm anh từng gặp ở những nơi khác. Ở Liên Xô ai cũng có vẻ như tức tối và nghi ngờ, anh nói, vì thế anh cảm kích trước sự lịch thiệp của người Nhật.
“Những người Mỹ có thể nói rằng họ không cần người ấn nút thang máy cho họ tại các cửa hàng bách hoá. Nhưng ở Nhật đó là bộ mặt của sự phục vụ thượng lưu, một cách để cửa hàng biểu thị lòng kính trọng đối với các khách hàng của mình,” anh giải thích.
Có thể Nhật Bản đúng là nước đã chọn Nguyễn Đình Đăng, qua lời mời làm việc ban đầu của RIKEN, song trải qua 14 năm nhà khoa học kiêm hoạ sĩ người Việt Nam đã tìm được nhiều lý do để chọn ở lại nơi đây.
Nguyễn Đình Đăng sẽ mở triển lãm cá nhân tranh của mình vào tháng Tư tại Fazioli Piano Showroom gần bến metro Tamachi ở Tokyo. Đón xem chi tiết tạiwww.fazioli.co.jp

Japan Times, thứ Ba ngày 8/12/2009
Dịch từ nguyên văn tiếng Anh Edan Corkill, “Vietnamese physicist thrives in Japan”,
Japan Times, mục “Who’s Who”, Dec. 8, 2009.
Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Đình Đăng