Tuesday 17 August 2010

Hiền tài là nguyên khí quốc gia: Giáo sư Pierre Darriulat

Nguyễn Đình Đăng

Tiếp theo phản hổi (PH) "Cụ Nguyễn Mạnh Tường", cùng trong một đề tài về vấn đề miền Bắc Việt Nam sau năm 1954, và nước Việt Nam sau 1975 đối xử với người tài như thế nào, tôi có viết một PH cho bài "Chính phủ Việt Nam muốn mời Ngô Bảo Châu về nước làm việc". Dưới đây là phản hồi đó và một số PH liên quan.

*

“Trong cuộc đời làm khoa học, tôi may mắn được làm những gì mình thích trong suốt hơn 40 năm. Đó là đeo đuổi nghiên cứu khoa học phóng xạ của vũ trụ, và luôn bảo đảm sự độc lập, không ràng buộc, nên mới có thể gặt hái được một số kết quả. Thời trẻ, tôi chẳng biết lựa chọn này của mình có đúng không, nhưng 40 năm sau tôi nhận thấy đó là một chọn lựa may mắn. Quyết định sống và làm việc ở Việt Nam cũng đã làm thay đổi số phận tôi, tôi rất hạnh phúc với đời sống riêng của mình, với người vợ Việt Nam. Đó là cơ duyên sâu thẳm nhất khiến tôi gắn bó với đất nước này.”

“Sự thực dụng và ích kỷ đang tạo một lực cản lớn khiến những gì tốt đẹp chưa được thực thi. Thói đua đòi cá nhân nhiều lên khiến mọi người không thể kết hợp cùng nhau để đổi thay đất nước một cách vững chắc. Tranh đấu cá nhân đang triệt tiêu ý thức công dân.”

“Một nhà khoa học phải có quy tắc nhất định trong thẩm định công việc mình làm, không bị ảnh hưởng bởi chính trị và những việc khác.”
Pierre Darriulat
(Trích từ phỏng vấn GS Pierre Darriulat tại Sài Gòn Tiếp Thị.)

Giáo sư Pierre Darriulat (sinh năm 1938) là một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986, đoạt giải thường André Lagarrigue năm 2008 của viện máy gia tốc tuyến tính Orsay.

Từ 1979 – 1987: ông là người phát ngôn của thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ. Từ 1987 – 1994 ông là giám đốc nghiên cứu tại CERN.

Năm 1978 CERN thông qua ý tưởng đặt thí nghiệm tại hai điểm của máy gia tốc Super Proton Synchrotron (SPS) năng lượng 450 GeV để đạt được năng lượng đủ lớn tạo bởi va chạm của các chùm proton và phản proton bay ngược hướng nhau nhằm tạo ra các hạt bosons của tương tác yếu có khối lượng trong vùng 80 – 100 GeV. Thí nghiệm UA1 được đặt tại điểm thứ nhất do Carlo Rubbia, giáo sư đại học Harvard, đứng đầu. Thí nghiệm UA2 được đặt tại điểm thứ hai do Pièrre Darruilat chỉ đạo. Ngày 20 tháng 1 năm 1983 nhóm của C. Rubbia công bố kết quả của 5 va chạm sinh ra các hạt W boson đo được tại UA1. Sáng hôm sau nhóm của P. Darriulat công bố kết quả của 4 va chạm đo được tại UA2. Tháng 5/1983 hạt Z0 cũng được phát hiện. “Vì những đóng góp quyết định vào những dự án lớn đưa đến những phát hiện nói trên” (đặc biệt là ý tưởng dùng SPS của CERN để tạo va chạm giữa proton và phản proton trong cùng một vòng xuyến của máy gia tốc) Carlo Rubbia và Simon van der Meer được trao giải Nobel về vật lý năm 1984.


Từ năm 1998, sau khi nghỉ hưu, giáo sư P. Darriulat đã chuyển hẳn tới Hà Nội sinh sống cùng vợ người Việt. Tại đây ông đã tự tay mình thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Nghĩa Đô – Hà Nội), đào tạo các người nghiên cứu trẻ Việt Nam về vật lý tia vũ trụ, và lần đầu tiên đưa vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam.

(Trích từ Lời giới thiệu trong bài “Việt Nam cần các trường đại học và viện nghiên cứu tốt hơn” của P. Darriulat)

Có được một nhà vật lý tầm cỡ giải Nobel như thế thực là vô cùng quý giá cho một quốc gia.

Chưa thấy nhà lãnh đạo hay doanh nhân nào của Việt Nam nào tới sờ chân hay hứa tặng GS Darriulat căn hộ hay biệt thự nghỉ mát.

Wednesday 11 August 2010

Cụ Nguyễn Mạnh Tường

Nguyễn Đình Đăng

(Phản hồi tại bài "Ông Trần Văn Tích nên đọc lại Un Excommunié" của Phong Uyên )

Tôi đã định không viết bất cứ một phản hồi (PH) nào cho đề tài liên quan tới cụ Nguyễn Mạnh Tường vì lòng kính trọng rất lớn của tôi đối với cụ. Song tôi thấy có người nhắc đến cả cụ lẫn nguyên giáo sư vật lý Vũ Như Canh nên tôi viết PH này.

Cụ Nguyễn Mạnh Tường từng là thầy học của cha tôi. Bác Vũ Như Canh là bạn thân của cha tôi (Xem “Ông Nomura”).

Ngày cha tôi còn sống cụ Tường và bác Canh là khách thường xuyên của gia đình tôi. Sách của cụ Tường ký tặng cha tôi như “Sourires et larmes d’une jeunesse” và “Pierres de France” được cha tôi cho đóng bìa cứng và khảm chữ vàng để trong thư viện gia đình, và tôi cũng đã từng được đọc. Tôi coi cha mẹ tôi là những người Việt Nam uyên thâm bậc nhất về tiếng Pháp và văn chương Pháp. Song, theo lời cha tôi, tiếng Pháp, hiểu biết về văn chương Pháp, văn hoá Pháp của cụ Nguyễn Mạnh Tường thì “đến tây đầm cũng phải bái phục”, còn “Việt Nam ta xưa nay chưa ai bì kịp”.

Liệu có người Việt Nam nào hiểu văn hoá lịch sử nước Pháp đến mức có thế viết được như cụ Nguyễn Mạnh Tường khi lần đầu tiên đặt chân tới Paris:

Paris, tu n’es pas pour moi une découverte, mais un souvenir” ?
(Paris, đối với tôi Nàng không phải là một phát hiện, mà là một hoài niệm.)

Cha tôi thường kể lại thời “oanh liệt” của cụ Nguyễn Mạnh Tường, cái thời mà xe hơi, xe tay đậu đen kịt trước quảng trường Nhà Hát Lớn trước buổi diễn thuyết của cụ. Cụ bước ra sân khấu, hai ngón tay cái ngoắc vào nách áo gilet, mở đầu bài diễn thuyết (bằng tiếng Pháp) của mình bằng một tràng tiếng Latin. Khán giả, trong đó có rất nhiều “tây đầm” mở sổ tay cắm cúi ghi chép.

Vào thời cụ bị ngược đãi, cụ vẫn hay tới nhà tôi chơi. Vừa vào tới cửa cụ đã sang sảng nói tiếng Pháp với cha tôi. Hình như nói tiếng Pháp một cách hùng biện là nhu cầu bức thiết của cụ. Cụ luôn ăn mặc rất lịch sự: áo vét, áo gilet, cồ áo chemise thắt nơ, song những thứ đó đã ngày càng cũ đi. Có lần, được ngồi gần cụ, tôi thấy nơ của cụ thủng lỗ chỗ.

Khi cha tôi lâm bệnh, nằm liệt giường, cụ vẫn đến thăm. Lần cuối cùng xảy ra không lâu (khoảng 1995 – 1997) trước khi cụ qua đời (1997). Cụ đi xích-lô tới. Anh tôi phải cõng cụ lên cầu thang vì cụ không tự bước lên được. Khi cụ về, anh tôi lại cõng cụ xuống, và định gọi taxi đưa cụ về nhà nhưng cụ nhất định không chịu đi taxi. Cụ nói cụ thích đi xích-lô để còn ngắm phố phường Hà Nội.

Gia đình giáo sư Vũ Như Canh từng có tới chục nóc nhà tại Hà Nội. Tuy nhiên sau năm 1954 bác Canh đã hiến toàn bộ tài sản cho nhà nước, chỉ giữ lại một biệt thự 3 tầng tại phố Nguyễn Gia Thiều nơi bác sống với vợ và bốn con. Có lần tôi nghe kể người ta toan lấy nốt ngôi nhà đó của bác. Khi “chính quyền” đến, bác Canh nói: “Gia đình tôi đã hiến tất cả nhà cửa cho chính phủ. Nay nếu chính phủ muốn lấy nốt ngôi nhà này, thì tôi chỉ đề nghị chính phủ cấp cho một khoảnh vỉa hè trước nhà để tôi cắm cái lều tôi sống.” Từ đó họ không động đến ngôi nhà của bác nữa.

Các ý kiến về cụ Nguyễn Mạnh Tường trên talawas này khiến tôi nhớ tới tiểu thuyết “The moon and sixpence” (Mặt trăng và đồng xu) của W. Somerset Maugham viết về thiên tài Charles Strickland (hình mẫu văn học của Paul Gauguin). Trong khổ đầu tiên của chương 1, Somerset Maugham viết:

The greatness of Charles Strickland was authentic. It may be that you do not like his art, but at all events you can hardly refuse it the tribute of your interest. He disturbs and arrests. The time has passed when he was an object of ridicule, and it is no longer a mark of eccentricity to defend or of perversity to extol him. His faults are accepted as the necessary complement to his merits. It is still possible to discuss his place in art, and the adulation of his admirers is perhaps no less capricious than the disparagement of his detractors; but one thing can never be doubtful, and that is that he had genius. To my mind the most interesting thing in art is the personality of the artist; and if that is singular, I am willing to excuse a thousand faults.

Tôi tạm dịch như sau:

Sự vĩ đại của Charles Strickland là có thực. Có thể bạn không thích nghệ thuật của ông ta, nhưng dù thế nào bạn khó có thể loại nó ra khỏi sự quan tâm của bạn. Ông gây chú ý và khiến ta lo lắng. Đã qua rồi cái thời mà ông bị đem ra chế giễu, và cũng không cần dùng tới sự lập dị để bảo vệ hay tính trụy lạc để tán dương ông. Các lỗi lầm của ông nay đã được chấp nhận như một sự bổ sung cần thiết cho những giá trị của ông. Người ta vẫn còn có thể tranh luận về vị trí của ông trong nghệ thuật, và sự bợ đỡ của những kẻ ngưỡng mộ ông có thể cũng đỏng đảnh không kém sự gièm pha của những kẻ phỉ báng ông; nhưng có một điều không bao giờ có thể nghi ngờ: ông là một thiên tài. Đối với tôi, điều lý thú nhất trong nghệ thuật là nhân cách của nghệ sĩ; và nếu nhân cách đó phi thường, tôi sẵn lòng tha thứ cả ngàn lỗi lầm.


Tokyo, 11/8/2010