Sunday, 27 September 2009

Thomas Mann - THẦN ĐỒNG

Nguyễn Đình Đăng dịch


Lời người dịch:

Thomas Mann (1875 – 1955) viết truyện ngắn “Thần đồng” (Das Wunderkind) khi ông 28 tuổi, hai năm sau tiểu thuyết đầu tay Buddenbrooks (1901) làm nên tên tuổi ông. Ông được tặng giải Nobel văn chương năm 1929 chính là nhờ Buddenbrooks, Der Zauberberg (Ngọn núi thần kỳ) (1924), và các truyện ngắn của mình. Khi Hitler lên cầm quyền vào muà xuân 1933, Thomas Mann và gia đình đang ở Thụy Sĩ. Từ đó ông không bao giờ quay lại quê hương nữa. Năm 1936 chính thể Quốc Xã tước quốc tịch Đức của ông. Đặt chân tới Mỹ năm 1938, Mann nói: “Tôi ở đâu thì ở đó là nước Đức”. Năm 1939 ông nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Dân chủ, theo Thomas Mann, phải dựa trên lòng tin vào phẩm giá cơ bản của con người.

“Thần đồng” (1903) mô tả xung đột giữa một bên là khí chất nghệ sĩ và bên kia là cách hấp thụ nghệ thuật của giới thượng lưu dựa trên sự giàu có vật chất. Các nhận xét của khán giả, quan điểm của chính thần đồng, giọng văn hài hước của Mann vẽ nên bức tranh hiện thực phê phán xã hội. Nhiều khán giả tỏ ra rất đạo đức giả, đặc biệt là nhà phê bình. Họ vừa muốn tìm ra khuyết điểm của thần đồng nhưng cũng lại vừa muốn được nổi tiếng và được tôn sùng như cậu. Thần đồng khinh bỉ khán giả. Điều đó gợi lên bản chất đạo đức giả của chính nghệ thuật và nghệ sĩ.

__________________

Thần đồng bước ra. Khán phòng trở nên yên lặng.

Khán phòng trở nên yên lặng rồi khán giả bắt đẫu vỗ tay, vì từ đâu đó, ở mé bên, một xếp sòng của công chúng, vốn là một người có tài tổ chức bẩm sinh, đã vỗ tay trước. Khán giả tuy chưa nghe thấy gì, song họ vẫn cứ vỗ tay vì một tổ chức quảng cáo hùng mạnh đã thông báo về thần đồng và khán giả đã bị thôi miên, bất kể họ có nhận thức được điều đó hay không.

Thần đồng bước ra từ sau một bức bình phong lộng lẫy thêu các tràng hoa đế vương và hoa cách điệu, nhanh nhẹn bước mấy bậc thang đi lên sàn diễn, đắm mình trong tiếng vỗ tay như ngụp trong bồn tắm, hơi lạnh lùng và hồi hộp một tí, song tỏ vẻ thân mật như đang gặp người quen. Cậu tiến ra sát mép sân khấu và nở nụ cười như thể để cho người ta chụp ảnh; cậu cúi chào bẽn lẽn nhưng duyên dáng như một bé gái.

Cậu vận một bộ đồ toàn bằng lụa trắng từ đầu tới chân khiến khán giả mê mẩn. Chiếc áo vét nhỏ màu trắng được cắt may lạ kiểu có một dải băng cuốn bên dưới, và đến đôi giầy của cậu cũng được làm bằng lụa trắng. Thế nhưng cặp giò trần của cậu lộ màu rất nâu tương phản với đôi tất trắng, bới vì đó là một cậu bé Hy Lạp.

Người ta gọi cậu là Bibi Saccellaphylaccas. Và đấy chính là tên thật của cậu. Chẳng ai biết vì sao lại có cái tên cưng ấy, chẳng một ai ngoài ông bầu, và ông ta coi đó như một bí mật kinh doanh. Bibi có mái tóc đen mượt dài chấm vai, rẽ ngôi lệch về một bên, chải về phía sau vầng trán hẹp và lồi, rồi được buộc túm lại bằng một chiếc nơ lụa nhỏ. Cậu mang vẻ mặt ngây thơ bậc nhất thế giới, với cái mũi chưa phát triển hết, cái miệng vô tội. Vùng dưới đôi mắt đen láy như mắt chuột nhắt của cậu đã hơi mỏi mệt, hằn rõ nếp nhăn. Trông cậu có vẻ như đã lên 9, nhưng thực sự mới 8 tuổi, và được khai là mới 7 tuổi. Thật khó nói rằng có nên tin điều này hay không. Có lẽ mọi người đều đã biết cả nhưng vẫn tin, như từng xảy ra với bao nhiêu chuyện khác. Người tầm thường hay nghĩ rằng phải có một tí ti giả dối thì mới hay ho. Chúng ta lấy đâu ra hứng khởi từ cuộc sống hàng ngày của mình nếu không muốn giả vờ một chút? Và những người tầm thường đã rất chí lý, trong khuôn khổ những cái sọ não tầm thường của họ!

Thần đồng vẫn cúi chào cho đến khi dứt tiếng vỗ tay, rồi cậu tiến về phía chiếc đại dương cầm, trong lúc khán giả ghé mắt nhìn qua chương trình biểu diễn một lần cuối. Mở đầu là bản Hành khúc trọng thể, kế đến là Mơ mộng, rồi Con cú và bầy chim sẻ – tất cả đều do Bibi Saccellaphylaccas sáng tác. Toàn bộ chương trình là của cậu, gồm toàn sáng tác của cậu. Cậu không thể viết ra thành nốt nhạc, dĩ nhiên rồi, nhưng cậu đã ghi nhớ toàn bộ sáng tác trong cái đầu bé bỏng phi thường của cậu, và tất cả các tác phẩm này đều có tầm quan trọng thực sự về nghệ thuật. Có vẻ như ông bầu đã phải tranh đấu vất vả với óc phê phán của mình để chọn ra những tác phẩm in trong chương trình.

Thần đồng ngồi xuống chiếc ghế xoay và giẫm thử bàn đạp, đã được một thiết bị thông minh nâng lên để Bibi có thể với chân tới. Chiếc dương cầm là của chính Bibi, đi đâu cậu cũng mang nó theo. Chiếc đàn được kê lên mấy cái đôn bằng gỗ, và nước bóng của nó đã bị xây xước do vận chuyển thường xuyên – song tất cả những thứ đó chỉ khiến cho sự kiện trở nên hấp dẫn hơn.

Bibi giẫm chân đi giầy lụa lên bàn đạp; cậu ngẩng khuôn mặt nhỏ bé, làm ra vẻ nghệ sĩ, nhìn thẳng về phía trước, rồi nhấc tay phải lên. Đó là một bàn tay trẻ con, màu nâu, nhưng cổ tay khỏe, và có khớp xương to, không như tay trẻ con.

Bibi làm bộ mặt nghệ sĩ cho khán giả bởi cậu biết rằng cậu phải chiều họ một chút. Nhưng cậu cũng có cái khoái trá cho riêng cậu, cái khoái trá mà cậu không thể giãi bày với bất cứ ai. Đó là cái khoái cảm nhoi nhói, cái rùng mình thầm kín của niềm sung sướng, chạy suốt cơ thể cậu mỗi lần cậu ngồi trước chiếc dương cầm mở nắp – cảm giác lúc nào cũng đồng hành với cậu. Lại vẫn là phím đàn đây rồi, bảy quãng tám trắng và đen, mà bao phen cậu từng lạc giữa chúng trong những cuộc phiêu lưu ly kỳ vô cùng tận – vậy mà lúc nào phím cũng luôn sạch bóng như chưa có ai đụng đến, tựa như cái bảng đen vừa được lau chùi. Đó là vương quốc của âm nhạc đang mở ra trước cậu. Nó trải rộng như đại dương đang mời gọi, nơi cậu có thể gieo mình xuống và sung sướng bơi tung tăng, để mặc cho sóng nâng lên, cuốn đi, trong đêm đen và bão tố, nhưng vẫn giữ vững tài nghệ của mình: sự tự chủ và tính kỷ luật – cậu nhấc tay phải lên và giữ nó lơ lửng trong không trung.

Yên lặng nín thở bao trùm khán phòng – khoảnh khắc căng thẳng trước lúc vang lên nốt nhạc đầu tiên… Bắt đầu sẽ như thế nào? Như thế này. Và Bibi, dùng ngón tay trỏ, bóc nốt nhạc đầu tiên ra khỏi chiếc dương cầm, một nốt nhạc rất bất ngờ từ khoảng giữa phím đàn, vang lên như tiếng kèn trumpet. Các nốt khác nối tiếp theo, hoà thành khúc mở đầu – khán giả chùng xuống.

Buổi hoà nhạc diễn ra tại đại sảnh của một khách sạn thời thượng hạng nhất. Các bức tường được phủ kín gương có khung chạm khắc hoa văn, xen giữa các bức bích hoạ của một trường phái hồng hào lắm xác thịt. Các cột trang trí chống đỡ trần nhà, nơi trưng bày cả một vũ trụ của bóng đèn điện, treo thành chùm, phóng ra những tia sáng chói hơn ban ngày, khiến toàn đại sảnh ngập chìm trong làn ánh sáng mỏng, lung linh như kim nhũ. Không một ghế nào trống, nhiều người đứng lố nhố trên các lối đi ở hai bên và phía sau. Chỗ ngồi ở những hàng ghế đầu có giá 12 Mark, vì ông bầu tin rằng tất cả những gì đáng có đều đáng tiền. Giới thượng lưu chiếm trọn các hàng ghế đầu, vì lẽ dĩ nhiên các tầng lớp trên thường bao gồm những người nhiệt tình hăng hái nhất. Có cả một số trẻ em, bẽn lẽn đong đưa chân dưới ghế, ngước những đôi mắt long lanh chăm chú nhìn người đồng niên bé nhỏ, tài năng, vận đồ trắng.

Phía sau, ngồi ở hàng đầu cánh trái là mẹ của thần đồng, một người đàn bà mập thù lù, hai cằm bự phấn, tóc cắm một cái lông chim. Cạnh bà là ông bầu, một người đàn ông mang diện mạo Á Đông, cổ tay áo cài cúc vàng trông bắt mắt. Công chúa ngồi chính giữa hàng ghế đầu tiên – một bà công chúa già bé nhỏ, nhăn nheo khô héo, nhưng vẫn là một nhà bảo trợ nghệ thuật, đặc biệt cho những gì mang đầy tính đa cảm. Bà ta ngự trên một chiếc ghế bành sâu bọc nhung, một tấm thảm Ba Tư trải dưới chân bà. Bà ngồi khoanh tay trước ngực áo lụa kẻ sọc xám, đầu nghiêng về một bên, biểu thị một vẻ bình thản tao nhã trong khi xem thần đồng trình diễn. Ngồi cạnh bà là một thị nữ vận đồ luạ kẻ sọc màu lục. Vì chỉ là một thị nữ, cô này luôn phải ngồi lưng rất thẳng trên ghế của mình.

Bibi kết thúc trong đại cao trào. Cậu lùn tí xíu đó phang nhừ tử phím đàn với một sức mạnh kinh người! Khán giả khó có thể tin vào tai mình. Chủ đề hành khúc, giai điệu nhịp nhàng dễ lây lan, lại vang lên một lần nữa, hài hoà hoàn toàn, táo bạo và phô trương. Cứ mỗi lần chơi một nốt nhạc, Bibi lại nảy người ra phía sau như thể cậu đang nhịp bước trong đoàn quân chiến thắng. Cậu kết thúc bằng fortissimo[1], cúi mình về phía trước, tụt xuống ghế về phía bên, rồi đứng thẳng người đợi tiếng vỗ tay hoan hô.

Và tiếng vố tay nổ tung ra, đồng loạt, cuồng nhiệt. Cậu bé nhún chân bẽn lẽn cúi chào, duyên dáng như một trinh nữ và khán giả ngồi ở hàng ghế đầu nghĩ: “Xem kìa, cái hông của nó mới thon thả làm sao! Bộp, bộp! Hoan hô, bravo, thằng oắt con. Saccophylax hay tên mày là gì cũng được! Đợi tí, để tao tháo găng tay ra đã nào - đúng là một thằng quái con!”

Từ sau bức bình phong Bibi phải quay trở lại sân khấu ba lần trước khi khán giả ngừng vỗ tay. Một số người đến muộn, tiến vào phòng và nháo nhác tìm chỗ của mình. Thế rồi buổi hoà nhạc tiếp tục. Bản Mơ mộng của Bibi gồm toàn các quãng rải thì thầm, trên nền đây đó nổi lên một giai điệu, khe khẽ vỗ cánh. Kế đến là Con cú và bầy chim sẻ. Nhạc phẩm này thành công rực rỡ, gây ấn tượng mạnh. Đó là một tưởng tượng rất phong phú và rõ nét của tuổi thơ. Bè trầm diễn tả con cú ủ rũ đậu trên cành đang đảo cặp mắt mờ, trong khi bè cao láy tiếng những con sẻ vừa khinh suất lại vừa sợ sệt. Khi kết thúc, Bibi được khán giả hò reo tán thưởng, và phải ra chào bốn lần. Người phục vụ khách sạn mặc áo cài cúc lấp lánh bê lên sân khấu ba vòng nguyệt quế lớn và đứng một bên để tặng trong lúc Bibi gật đầu cảm ơn. Đến bà công chúa cũng tham gia hoan hô, ép hai bàn tay vào nhau một cách thanh nhã không phát ra tiếng.

Chà, con người bé nhỏ láu lỉnh kia thực biết cách làm cho người ta vỗ tay! Cậu nán lại sau bức bình phong, khiến người ta phải chờ đợi; cậu ngập ngừng chút xíu trên bậc thang sân khấu, ngắm nghía mấy cái đuôi nheo dài thắt trên các vòng hoa – mặc dù thực ra những thứ này giờ đây đã làm cậu chán ngấy đến tận cổ. Cậu cúi chào cực kỳ quyến rũ. Cậu cho khán giả khá nhiều thời gian để họ nguôi đi, bởi vì các tràng vỗ tay là quý giá và không được cắt ngắn. “Con cú là con át chủ bài của ta,” cậu nghĩ, – cậu học được câu này từ ông bầu. “Bây giờ ta sẽ chơi bản Fantaisie, bản này dĩ nhiên hay hơn Con cú nhiều, nhất là đoạn chạy Đô thăng. Nhưng lũ ngu độn các người vẫn mê Con cú như điếu đổ, cho dù đó là bản nhạc đầu tiên và ngớ ngẩn nhất mà ta từng viết.” Cậu tiếp tục cúi chào và mỉm cười.

Tiếp đến là khúc Trầm tư và sau đó là một Etude – chương trình thật toàn diện. Trầm tư khá giống Mơ mộng – tức là hết chê – còn Etude phô bày toàn bộ kỹ thuật điêu luyện của Bibi, tuy rằng dĩ nhiên đã làm tính sáng tạo vốn có của cậu bị giảm đi nhiều. Sau đó đến Fantaisie. Đây là bản nhạc cậu thích nhất. Mỗi lần trình diễn cậu lại biến tấu nó đi một tí, tự thả lỏng hoàn toàn và đôi khi, trong những đêm diễn may mắn, chính cậu cũng ngạc nhiên vì tài sáng tạo của mình.

Cậu ngồi chơi đàn, bé bỏng, trắng tinh và ngời sang trước chiếc đại dương cầm đen to đùng, ưu tú và đơn độc, bay trên cái biển mơ hồ lộn xộn những bộ mặt, bay trên linh hồn của đám đông vô cảm, mà vì nó cậu đã gắng sức lao động bằng cả tâm hồn độc đáo của riêng cậu. Lọn tóc đen mềm mại buộc nơ trắng của cậu đã xoà xuống trán, hai cổ tay nhỏ bé xương xẩu của cậu giã lên giã xuống liên hồi, cơ mặt nổi rõ trên đôi má trẻ con của cậu.

Ngồi đó đôi khi cậu cảm thấy những khoảnh khắc mình bị lãng quên và cô đơn, khi ánh mắt kỳ lạ đen như mắt chuột nhắt và thâm quầng của cậu nhìn lạc qua sân khấu sơn son đắm chìm vào không gian chứa đầy những con người với những cuộc đời mơ hồ lạ lẫm. Rồi liếc nhìn lại khán phòng, cậu lại quay về với khán giả.

“Niềm sung sướng và nỗi đớn đau, các tầm cao và các chiều sâu – đó là bản Fantaisie của ta,” cậu âu yếm nghĩ. “Hãy nghe đây, đây chính là đoạn chạy Đô thăng.” Cậu chơi giãn nhịp một chút khi gần đến đoạn chạy, tự hỏi không biết họ có nhận ra tí gì chăng. Nhưng không, tất nhiên là không, làm sao họ nhận ra được? Và cậu đưa mắt lên tận trần nhà để ít nhất những con người kia có cái mà nhìn.

Tất cả những con người kia đang ngồi đó trong các hàng ghế ngay ngắn, nhìn thần đồng chơi đàn, và nghĩ ngợi lung tung trong những cái sọ não ngay ngắn của họ. Một lão thượng lưu râu bạc, ngón tay đeo nhẫn có gắn con dấu, đầu hói sưng lên một cái bướu, một khối u nếu quý vị muốn, thầm nghĩ: “Nhục nhã thật.” Lão chưa bao giờ chơi trên dương cầm được cái gì khó hơn bài “Kìa anh, Augustin thương mến nhất đời”, và bây giờ lão ngồi đây, một lão già tóc hoa râm, nhìn cậu bé tí hon vận đồ trắng trình diễn các phép mầu. Phải rồi, phải rồi, đó là năng khiếu Trời cho, chúng ta phải nhớ lấy điều đó. Trời ban cho năng khiếu, hoặc từ chối không ban cho, và không việc gì phải cảm thấy xấu hổ khi làm một người bình thường. Như với Chúa Hài Đồng ấy. – Ta có thể quỳ gối trước một đứa trẻ mà đâu có thấy nhục nhã gì. Thật lạ là những ý nghĩ đại loại như vậy lại làm lão cảm thấy rất thỏa mãn – thậm chí lão có thể nói ra là chúng ngọt như mía lùi, nếu lối nói này không quá ngớ ngẩn đối với một lão già cứng rắn như lão. Dù sao thì lão cũng đã thầm nghĩ như vậy.

Nghệ thuật… gã thương gia có cái mũi mỏ vẹt nghĩ. “Đúng, nghệ thuật tô điểm thêm cho cuộc sống, thêm tí lụa trắng đẹp, thêm tí chát-xình-chát-chát-bùm. Nó chơi thật không đến nỗi quá dở. Kín năm mươi chỗ, mười hai Mark một chỗ, vị chi là sáu trăm Mark – chưa kể những thứ khác. Trừ đi tiền thuê khán phòng, tiền điện và tiền in chương trình, phải lãi đến một ngàn Mark là cái chắc. Kể cũng đáng.”

“Nó đang chơi Chopin,” bà giáo dạy dương cầm có cái mũi nhọn hoắt nghĩ. Bà ta ở cái độ tuổi khi hiểu biết trở nên sâu sắc còn mọi hy vọng thì đã tiêu tan. “Nhưng không độc đáo lắm – ta sẽ nói điều này sau. Tiếng đàn nghe được. Còn thế tay của nó thì hoàn toàn nghiệp dư. Phải đặt được một đồng xu lên mu bàn tay khi chơi đàn mà đồng xu không rơi xuống đất thì mới gọi là đạt. Vào tay ta thì đã ăn mấy cái vụt thước kẻ.”

Rồi đến một cô gái trẻ ở cái tuổi thẹn thùng e ấp và xanh lướt như cớm nắng của cuộc đời khi tư duy hay nảy sinh những ý tưởng khó nói ra nhất. Cô nghĩ thầm: “Cậu ta chơi bài gì vậy nhỉ? Cậu biểu hiện tình yêu mê say, tuy vẫn còn là đứa trẻ con. Nếu cậu ta hôn mình thì cũng tựa như thằng em mình hôn mình vậy thôi – hoàn toàn không phải là hôn. Liệu có cái gọi là tình yêu tự thân không, không cần bất kỳ một vật trần tục nào làm trung gian, một loại tựa như một tình yêu tối giản ấy mà? Tầm bậy quá! Mình mà nói những điều này ra chắc người ta sẽ nghĩ mình bị tâm thần mất. Đời là thế mà.”

Một tay sĩ quan đứng dựa cột, ngắm thành công của Bibi và nghĩ: “Đúng, cậu quan trọng và tôi quan trọng, mỗi người một kiểu.” Vì thế y rập hai gót giầy vào nhau để chào Bibi theo cách y chào các tai to mặt lớn.

Rồi đến một nhà phê bình, đã luống tuổi, khoác áo choàng đen bóng, quần xắn móng lợn dính bùn. Ông ta ngồi ở hàng ghế miễn phí và nghĩ: “Trông cái thằng ranh ăn mày Bibi kìa. Cá tính của nó thì vẫn còn cần phải phát triển tiếp, xong nó đã là một điển hình trọn vẹn, một nghệ sĩ tiêu biểu nhất. Nó có tất cả các cảm hứng trào dâng của nghệ sĩ cũng như những cái hoàn toàn vô giá trị, những ngón bịp bợm cùng với lửa thiêng, sự khinh bỉ cực độ lẫn niềm say mê thầm kín. Tất nhiên, ta không thể viết tất cả những nhận xét này ra, không khéo lại thành khen nó quá mức. Tất nhiên, nếu ta không nhìn rõ chân tơ kẽ tóc mọi thứ như thế này thì ta cũng đã thành nghệ sĩ rồi.”

Rồi thần đồng ngừng chơi và bão tố nổi lên trong khán phòng. Cậu phải liên tục đi từ sau bức bình phong ra chào. Người phục vụ mặc áo cúc sáng lấp lánh mang thêm các vòng hoa lên sân khấu: bốn vòng nguyệt quế, một cây đàn lyre kết bằng hoa tím, một bó hoa hồng. Anh ta không đủ tay để trao tất cả các tặng phẩm đó, ông bầu phải lên sân khấu để trợ giúp. Ông ta quàng một vòng nguyệt quế lên cổ Bibi, âu yếm xoa mái tóc đen của cậu, và đột nhiên như thể mất tự chủ, ông ta cúi xuống tặng Bibi một cái hôn, một cái hôn kêu, đúng giữa miệng. Thế là cơn bão biến thành trận cuồng phong. Cái hôn chạy suốt khán phòng như một luồng điện, chui thẳng vào tủy sống khán giả khiến họ rùng mình lạnh toát sống lưng. Họ bị tiếng ồn hỗn loạn thúc ép xô đẩy. Những tiếng hú hét quyện với tiếng vỗ tay như điên dại. Vài người bạn khán giả nhỏ tuổi của Bibi ngồi dưới vẫy vẫy khăn tay. Nhưng nhà phê bình lại nghĩ: “Tất nhiên cái hôn này phải có – trò hề cũ rích. Đúng, Chúa ơi, giá mà ta không biết tỏng mọi thứ như thế này.”

Và buổi hoà nhạc đi đến hồi kết. Buổi diễn bắt đầu lúc bảy rưỡi và kết thúc lúc tám rưỡi. Sàn diễn chất đầy các vòng hoa và hai bình hoa được đặt trên giá nến của chiếc dương cầm. Bibi chơi bản nhạc cuối cùng – bản Rhapsodie Hy Lạp của cậu, có phần cuối chuyển thành quốc ca Hy Lạp. Nếu không có các khách khứa oai vệ ngồi quanh thì những người đồng hương của Bibi trong đám khán giả đã sung sướng hát theo cậu rồi. Họ bù lại bằng những tiếng ồn cực lớn, những tiếng la ó rùm beng, một biểu hiện tinh thần dân tộc đầy nhiệt huyết. Và nhà phê bình luống tuổi lại nghĩ: “Đúng, cũng phải có cả bài quốc ca này nữa. Tụi nó phải khai thác mọi nguồn cảm hứng – quảng cáo không được phép bỏ qua bất cứ cách gì nhằm đạt mục đích cuối cùng. Có lẽ ta sẽ phê phán cái này là phi nghệ thuật. Nhưng có thể ta sai, có thể đây mới là cái nghệ thuật nhất trong tất cả. Nghệ sĩ là gì? Chẳng qua là một con rối. Phê bình luôn ở tầm cao hơn. Nhưng ta không nói thế được.” Và ông ta bỏ ra về trong cái quần dính bùn của mình.

Sau khi đã ra chào tới chín hoặc mười lần gì đó, thần đồng không đi ra từ sau bức bình phong nữa mà đi xuống chỗ mẹ cậu và ông bầu ngồi dưới khán phòng. Khán giả đứng cả dậy hoan hô, chen nhau tới để gặp Bibi. Nhiều người cũng muốn gặp bà công chúa. Hai đám đông dày đặc hình thành, một đám vây quanh thần đồng, đám kia vây quanh bà công chúa, và khó mà nói ai trong hai người được công chúng tôn sùng hơn. Nhưng cô thị nữ được lệnh tới gặp Bibi. Cô ta vuốt nhẹ cái áo vét lụa của cậu cho tề chỉnh để ra chầu, rồi dắt tay dẫn cậu đến chỗ bà công chúa ngồi, và long trọng ra hiệu cho cậu hôn tay bà. “Con làm thế nào mà chơi được như vậy?”, bà công chúa hỏi. “Có phải mọi thứ hiện ra trong đầu mỗi khi con ngồi vào đàn?” “Oui, madame,”[2] Bibi trả lời và thầm nghĩ: “Ôi, thật đúng là một con mẹ công chúa già ngu dốt!” Rồi cậu quay lưng, bẽn lẽn và chẳng lễ nghi gì, đi về phía gia đình mình.

Một đám đông tụ tập trong phòng gửi áo ở bên ngoài. Khán giả đưa số và dang tay nhận lại cổ lông, khăn san, giầy ủng. Bà giáo dạy dương cầm đứng đâu đó giữa đám người quen và lên tiếng phê phán. “Nó chơi không độc đáo lắm,” bà ta nói to rồi nhìn quanh.

Một phụ nữ trẻ thanh lịch mặc áo dài dạ hội, chân đi giầy lông, đứng trước một trong mấy cái gương lớn để hai em trai, hai trung uý, khoác áo cho mình. Cô ta có một vẻ đẹp thanh thú, với đôi mắt xanh ánh thép, và khuôn mặt sáng sủa, gia giáo. Quả là một phụ nữ quý phái. Sau khi mặc áo xong xuôi, cô đứng đợi hai em mình. “Đừng chiếm gương lâu quá, Adolf,” cô nói khẽ với một cậu em, đang ngắm không tài nào dứt ra được vẻ mặt giản dị, trẻ trung và điển trai của chính mình. Còn trung úy Adolf thì nghĩ: “Đồ thô bỉ!” Anh ta vẫn tiếp tục cài cúc áo khoác trước gương, như cũ. Sau đó họ đi ra ngoài đường nơi ánh đèn toả những quầng sáng leo lét xuyên qua màn sương trắng đục. Trung úy Adolf, hai tay đút túi, cổ áo khoác dựng đứng, khẽ nhảy một điệu vũ da đen trên tuyết giá cho ấm người,

Một cô gái tóc bù xù, hai tay vung vẩy, đi cạnh một thanh niên có bộ mặt rầu rĩ, bước ra sau họ. “Một đứa trẻ!” Cô ta nghĩ “Một đứa trẻ thật đáng yêu! Nhưng trong khán phòng cậu ta đã diễn tấu truyền cảm kinh người…” rồi cô ta cất giọng yếu ớt nói: “Nghệ sĩ chúng ta, tất cả đều là thần đồng.” “Trời, lạy thánh mớ bái!” lão già chưa bao giờ chơi được bài nào khó hơn bài Augustin nghĩ. Bây giờ lão đã đội mũ che đi cái bướu trên đầu. “Tất cả cái đó có nghĩa gì? Cô ta nói cứ như thánh phán vậy.” Nhưng chàng thanh niên rầu rĩ thì hiểu. Chàng chậm rãi gật đầu. Rồi họ im lặng và cô gái tóc bù xù nhìn theo ba chị em nhà sĩ quan. Lẽ ra thì cô khinh bỉ họ, nhưng cô lại nhìn theo họ cho đến khi họ rẽ khuất sau góc phố.


Dịch xong ngày19/9/2009 tại Tokyo,



Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Đình Đăng

--------------------------------------------------------------------------------
[1] Fortissimo: thuật ngữ trong âm nhạc dùng để biểu thị cách chơi rất mạnh. Fortissimo (tiếng Ý): mạnh nhất.
[2] Vâng, thưa bà. (Tiếng Pháp)




Thursday, 24 September 2009

MỘT THỊ TRƯỜNG NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC Ở VIỆT NAM?

(Cảm nghĩ nhân đọc “Tranh Việt …và thị trường đấu giá quốc tế” cuả Lý Đợi)


Nguyễn Đình Đăng

Cách đây chừng một phần tư thế kỷ, có một dạo hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe đi vẽ cảnh phố xá Hà Nội. Khi tôi đứng đường vẽ như vậy, thường có nhiều trẻ con người lớn vây xung quanh xem. Có lần một cậu thiếu niên hỏi tôi:

- Anh ơi, anh vẽ để làm bài dự thi à?

- Không. – Tôi trả lời

- Thế anh vẽ để bán à?

- Không.

- Thế để triển lãm à?

- Không.

- Thế thì anh vẽ để làm gì?

- Chẳng để làm gì. Thích vẽ thì vẽ.

- Thế thì vẽ làm cái đéo gì! – Cậu thiếu niên nói rồi bỏ đi.

(Tôi thành thật xin lỗi quý vị vì tôi cho rằng, trong trường hợp này, chỉ có viết rõ toàn bộ mới có hy vọng truyền được phần nào cái âm hưởng của tiếng Hà Nội thanh lịch, quê hương của tôi.)

Một hoạ sĩ Hà Nội từng nói với tôi rằng nếu không là để bán thì anh ta không vẽ. Nói đến chuyện vẽ tranh để bán, tại một số thành phố của các nước mà tôi có dịp đi qua, đều có những địa điểm nơi các hoạ sĩ tụ tập bày tranh, vẽ tranh để bán cho khách du lịch. Paris có Place du Tertre trên đồi Montmartre, Naples có Galleria Umberto, Lisbon có phố Augusta, Moscow có phố Arbat, Tokyo có bậc tam cấp vào công viên Ueno, v.v. Ở Việt Nam tuyệt nhiên không có những chỗ như thế. Tại một đại hội văn nghệ sĩ được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây chừng hai chục năm, tôi có đọc một tham luận trong đó tôi nêu ý kiến đề nghị Nhà nước, cụ thể là Bộ Văn hoá và thành phố Hà Nội, cho phép mở một địa điểm như vậy ở Hà Nội. Khi tôi nói xong quay về chỗ ngồi, một anh bạn hoạ sĩ ngồi cạnh nói nhỏ với tôi: “Thực ra không ai cấm làm như vậy.”

Khoan bàn tới đề tài là ở Việt Nam “không ai cấm” không đồng nghĩa với “được phép làm”, đến nay tôi cũng đã thấy rằng đề nghị của tôi có lẽ là bất khả thi vì hai lý do. Một là: một khi cả thành phố đã thành một Place du Tertre, với hàng loạt galleries bán nhiều tranh “series” giống nhau, thì liệu có cần thêm một cái Place du Tertre bên trong nó nữa? Hai là: ở những chỗ thanh thiên bạch nhật như thế, hoạ sĩ không chỉ bày bán tranh phong cảnh, tĩnh vật tầm tầm là xong, mà còn cần trổ tài vẽ chân dung của khách du lịch làm sao cho… giống trong vòng nửa giờ hay 45 phút. Quả này xem ra khó nhằn đối với nhiều hoạ sĩ được đào tạo từ các trường mỹ thuật của ta, mà theo như nhận xét của ông chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương, nhiều người trong số họ còn “chưa làm chủ kỹ thuật[1]. Ông chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội Nguyễn Đỗ Bảo thì kể: “Tôi từng hỏi đại diện một trường mỹ thuật là có ai đủ trình độ vẽ một cái tay, cái chân cho chuẩn, các anh ấy bảo khó đấy!”.

Như thế không biết đã đủ để độc giả có thể tự kết luận tại sao Việt Nam chưa thể có một thị trường nghệ thuật “đích thực” hay chưa?

Nói ra nghe cứ ngỡ như một nghịch lý, nhưng nghệ thuật đích thực phải không nhằm bất cứ mục đích nào khác nằm ngoài, hoặc cao hơn, việc thể hiện thiên phú của nghệ sĩ. Tranh pháo, được “sản xuất” trước hết để bán, để phục vụ tuyên truyền, hay bất cứ thứ gì khác, nếu không là “rác thải văn hoá” (tên gọi mỹ miều của đồ vứt đi), thì cũng có rất ít giá trị, được dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ đã là may lắm rồi.


Tô Ngọc Vân, Hai thiếu nữ và em bé (1944)

Trái: bản của BTMT Việt Nam. Phải: bản của BTMT châu Á tại Fukuoka (Nhật Bản)

Vì thế, theo thiển ý của tôi, chỉ khi nào Việt Nam có nhiều hoạ sĩ vẽ tranh không nhằm mục đích chủ yếu là để bán, mà vẽ vì ý thích là mục tiêu tối thượng, chỉ vì nếu không vẽ thì không chịu được, vẽ chẳng để làm cái (…) gì, thì lúc đó mới có hy vọng ở Việt Nam xuất hiện một thị trường tranh thực thụ. Nếu chính các hoạ sĩ cũng làm tranh giả nhan nhản để bán, chính các viện bảo tàng mỹ thuật (BTMT) – kho báu nghệ thuật của quốc gia – lại đi “khơi mào chuyện chép tranh”[2] để rồi các kiệt tác của hội hoạ Việt Nam tiền chiến (trước 1945) như hai bức “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh và “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân đều có mỗi bức tới hai “bản gốc”, một bản treo ở BTMT Việt Nam, bản kia treo ở BTMT của Nhật Bản, mà cho đến giờ phút này vẫn chưa bảo tàng nào chịu nhận tranh của mình là bản sao[3], thì viễn cảnh về một thị trường tranh đích thực, một nhà đấu giá tranh đích thực do người Việt làm chủ ở Việt Nam e rằng còn xa vời.

Nghệ sĩ là con đẻ của xã hội. Người Việt ta có câu: “Giỏ nhà ai quai nhà ấy.” Một xã hội dân trí thấp, vận hành theo một cơ chế vàng thau lẫn lộn, những người biết (vừa uyên bác vừa thông minh) thì không nói (hoặc không được nói) vì không lấy ai và lấy gì bảo đảm quyền tự do sau khi phát ngôn của họ, còn những người không biết (vừa dốt vừa ngu lại vừa độc đoán) thì lại được quyền tha hồ ba hoa chích choè, giáo dục khủng hoảng, đạo đức băng hoại, tham nhũng là quốc nạn, thì thử hỏi liệu làm sao có thể sản sinh ra một nghệ thuật có giá trị cao được, nếu không nói là liệu còn có thứ gì đáng được gọi là nghệ thuật nữa hay không?

Buồn!

Tokyo 21/9/2009

© 2009 Nguyễn Đình Đăng


Chú giải:

[1]Tranh sơn dầu đương đại Việt Nam: Nhiều hoạ sĩ chưa làm chủ kỹ thuật”, Lao Động, 17/11/2008

[2]Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khơi mài chuyện chép tranh?”, Báo Đất Việt 15/5/2009

[3] Bức luạ “Chơi ô ăn quan” (1931) của Nguyễn Phan Chánh và bức sơn dầu “Hai thiếu nữ và em bé” (1944) của Tô Ngọc Vân đồng thời có mặt tại sưu tập cố định của BTMT Việt Nam và BTMT châu Á ở Fukuoka (Nhật Bản). Xem:

http://www.baotangmythuat.vn/tb_view.asp?Id=296

http://faam.city.fukuoka.lg.jp/search/view.php?view=00002189

http://faam.city.fukuoka.lg.jp/cgi-bin/eng/collection/collection.cgi?cnid=0405241453201442

Friday, 11 September 2009

Nakajima Atsushi – ĐẠI CAO THỦ

Nguyễn Đình Đăng dịch [1]

Lời giới thiệu:

Những bức tranh trắng (1951) của Robert Rauschenberg và tác phẩm 4’33’’ (1952) của John Cage được bàn luận trên talawas blog vừa qua khiến người dịch (N.D.) nhớ lại truyện ngắn “Đại cao thủ” (1942) của nhà văn Nhật Bản Nakajima Atsushi. Xin trân trọng giới thiệu bản dịch truyện ngắn này từ nguyên tác tiếng Nhật.
N.D.


Thành Hàm Đan kinh đô nước Triệu có một người đàn ông tên là Kỷ Xương[2] nuôi chí trở thành tay cung đệ nhất thiên hạ. Trong khi tìm thầy, chàng được biết rằng, về ngạch cung tên hiện nay, không ai sánh được với danh thủ Phi Vệ[3]. Nghe đồn cao thủ này có thể bắn bách phát bách trúng[4] một cái lá liễu cách xa một trăm bước. Kỷ Xương lên đường tới yết kiến Phi Vệ, xin làm học trò của ông ta.
Phi Vệ bảo môn sinh mới của mình rằng trước tiên phải học làm sao không chớp mắt. Kỷ Xương quay về nhà, chui xuống nằm ngửa dưới khung cửi của vợ, mắt dán sát vào cái bàn đạp liên tục nâng lên hạ xuống[5], cố tập không chớp. Vợ chàng không hiểu nguyên do, rất đỗi ngạc nhiên. Nàng bối rối khi thấy chồng nhìn mình trừng trừng từ một góc độ kỳ cục như vậy. Nhưng Kỷ Xương mắng vợ, bắt nàng tiếp tục dệt. Ngày này qua ngày khác, Kỷ Xương cứ nằm trong cái tư thế kỳ quái đó, tập không chớp mắt. Sau hai năm, mặc cho cái bàn đạp chuyển động sát sạt, cạo đứt cả lông mi[6], Kỷ Xương đã luyện được nhìn mà không hề chớp mắt. Cuối cùng chàng bò ra khỏi khung cửi. Từ đó, ngay cả nếu bị dùi nhọn chọc vào mí mắt[7], chàng cũng không chớp mắt nữa. Chàng cũng không chớp mắt khi có tia lửa bất ngờ loé vào mắt. Cả một đám tro thình lình bốc lên ngay trước mắt cũng không làm chàng chớp mắt. Cứ như thể cơ mí mắt của chàng đã quên mất phải chớp như thế nào[8]. Ban đêm, thậm chí khi Kỷ Xương ngủ say như chết, mắt chàng vẫn mở trừng trừng. Cuối cùng, khi một con nhện nhỏ chăng tơ giữa hai hàng lông mi mắt của chàng, chàng cảm thấy tự tin hoàn toàn để thông báo với Phi Vệ sư phụ.
Sau khi nghe, Phi Vệ nói: “Chỉ biết không chớp mắt thôi thì chưa đủ. Tiếp theo là phải học nhìn. Khi nào con học được cách nhìn chăm chú sao cho các vật bé nhỏ thấy như vĩ đại, các vật li ti trở thành rõ mồn một, thì hãy lại đến gặp ta.” Kỷ Xương lại quay về nhà, bắt được trong đường chỉ khâu áo lót một con chấy[9], buộc nó vào một sợi tóc, đem treo dưới cửa sổ hướng nam, rồi nhìn nó suốt ngày. Chàng nhìn con chấy treo dưới cửa sổ ngày này qua ngày khác. Lúc đầu, tất nhiên đó chỉ là con chấy. Hai ba ngày sau, nó vẫn là con chấy. Tuy nhiên sau mười ngày, con chấy có vẻ như to ra. Hết tháng thứ ba thì rõ ràng nó trông to như con tằm. Thời gian trôi qua, phong cảnh ngoài cửa sổ treo con chấy cũng thay đổi. Ánh mặt trời dịu dàng của mùa xuân đổi thành nắng hè oi bức, bầu trời mùa thu trong trẻo đầy ngỗng trắng bay trên cao chuyển sang vòm trời mùa đông màu tro u ám, lốm đốm tuyết ướt[10]. Kỷ Xương vẫn kiên nhẫn nhìn con động vật chân đốt treo dưới cửa sổ. Con chấy này chết, chàng thay bằng con khác, cứ thế hàng chục con. Thấm thoắt ba năm trôi qua. Cho đến một hôm chàng bỗng nhận ra rằng con chấy treo dưới cửa sổ trông đã to bằng con ngựa. Xong rồi! Chàng sung sướng vỗ đầu gối, chạy ra ngoài đường. Chàng không tin vào mắt mình nữa: người trông cao lớn như toà tháp, ngựa to tựa trái núi, lợn bằng quả đồi, gà qué bằng cái chòi canh. Chàng nhảy cẫng lên, chạy lộn vào nhà, tới trước con chấy treo dưới cửa sổ, lắp một mũi tên làm bằng cọng cỏ sóc bồng[11] vào một cây cung bằng sừng[12], nhằm con chấy và bắn. Lạ kỳ thay, mũi tên xuyên trúng tim[13] con chấy mà không làm đứt sợi tóc.
Kỷ Xương ngay lập tức đến gặp sư phụ để báo tin. Phi Vệ đấm ngực, nhảy lên khen: “Thế là con đã làm được rồi!” Ngay sau đó, Phi Vệ bắt đầu dẫn dắt Kỷ Xương khám phá mọi bí mật của nghệ thuật nghề bắn cung. Kỷ Xương, đã trải qua năm năm rèn luyện cơ bản về nhìn, tiến bộ nhanh chóng kỳ lạ. Sau mười ngày, chàng đã có thể bắn bách phát bách trúng một cái lá liễu từ khoảng cách một trăm bước. Sau hai mươi ngày, chàng đặt một li nước đầy đến mép lên khuỷu tay phải, giương cung, bắn trúng đích mà nước trong li không nhểu ra ngoài một giọt. Sau một tháng, chàng thử bắn thật nhanh một trăm mũi tên. Mũi tên thứ nhất vừa cắm vào đích, mũi tên thứ hai đã bay tới cắm vào đuôi mũi tên thứ nhất. Ngay lập tức mũi tên thứ ba cắm vào đuôi mũi thứ hai, và cứ thế liên tục. Không mũi tên nào rơi xuống đất, vì mũi tên nào cũng cắm trúng đuôi mũi tên trước nó. Khi chàng bắn xong phát cuối cùng, một trăm mũi tên nối đuôi nhau như một chiếc tên duy nhất dài từ đích tới chiếc cung, và đuôi của mũi tên cuối cùng trông như còn đang mắc vào dây cung. Sư phụ Phi Vệ, đứng nhìn bên cạnh, thốt lên: “Được!”
Hai tháng sau, Kỷ Xương tình cờ về thăm nhà, và cãi lộn với vợ. Để dọa vợ, chàng giương chiếc cung bằng gỗ dâu[14] nhằm vào mắt nàng, bắn một mũi tên bằng trúc[15]. Mũi tên bay lướt sát mắt, cắt đứt ba sợi lông mi, song vợ chàng không hay biết gì, không hề chớp mắt, và vẫn tiếp tục nhiếc móc chồng. Tài nghệ và tốc độ bắn cung của chàng đã đạt tới mức tinh diệu.
Không còn gì để học từ sư phụ nữa, Kỷ Xương đột nhiên le lói có tư tưởng xấu. Suy đi tính lại, chàng thấy giờ đây về môn bắn cung chàng không còn địch thủ nào khác ngoài chính Phi Vệ sư phụ. Để trở thành cao thủ đệ nhất thiên hạ chàng phải tìm cách loại Phi Vệ. Thế là chàng bắt đầu bí mật tìm cơ hội. Cho đến một hôm, trong khi đang đi dạo ngoài đồng, bất chợt chàng thấy Phi Vệ một mình từ xa tiến lại. Sau một thoáng quyết định, Kỷ Xương rút tên, lắp vào cung, nhằm vào sư phụ. Phi Vệ, đoán được ác ý của học trò, cũng ngay lập tức lắp tên, giương cung nhằm vào Kỷ Xương. Cả hai thày trò cùng bắn một lúc. Hai mũi tên đâm vào nhau ở giữa đường, rơi xuống đất mà không có tí bụi nào bay lên. Tài nghệ của cả hai đều đạt tới mức siêu phàm. Họ cứ bắn nhau như thế liên tiếp hết phát này đến phát khác cho đến lúc Phi Vệ hết tên, Kỷ Xương vẫn còn một mũi. Lợi dụng dịp may, Kỷ Xương bắn ngay phát tên cuối cùng. Nhanh như chớp, Phi Vệ nhổ một cành hồng dại bên vệ đường quật mũi tên xuống đất [16]. Hy vọng thực hiện mưu đồ đen tối của mình đã tiêu tan, Kỷ Xương bỗng dưng thấy lòng tràn đầy hối hận. Về phía mình, Phi Vệ thở phào vì đã thoát khỏi hiểm nghèo, đồng thời thấy thoả mãn về tài nghệ của chính mình đến quên cả tức giận. Cả hai thày trò lao vào ôm chầm lấy nhau giữa cánh đồng và cùng rơi lệ (Chuyện này xem ra có vẻ kỳ cục theo đạo đức ngày nay. Khi Tề Hoàn Công muốn thưởng thức món mỹ vị mà chưa ai từng nếm thử, quan đầu bếp đã nướng luôn con trai mình đem dâng vua. Cậu thiếu niên 16 tuổi, Tần Thủy Hoàng Đế, ngay trong đêm vua cha mất, đã cưỡng hiếp[17] ái thiếp[18] của vua cha ba lần. Câu chuyện này cũng đã xảy ra trong thời đại như vậy.)
Mặc dù vừa ôm Kỷ Xương vừa khóc, Phi Vệ rất lo ngại học trò sẽ lại tấn công mình lần nữa. Vì thế ông ta tìm cách hướng Kỷ Xương tới một mục đích mới để phấn đấu. Ông nói với gã đệ tử nguy hiểm của mình rằng ông không còn gì để dạy cho chàng nữa. Ông còn nói nếu chàng muốn đạt tới bí mật sâu xa của cung thuật thì hãy đi về phía Tây, vượt qua vách núi Đại Hành, leo lên đỉnh ngọn Hoắc Sơn[19], nơi ẩn dật của Cam Dăng lão sư[20] – đại cao thủ cung thuật của mọi thời đại. “So với tài nghệ của lão sư, cung thuật của chúng ta chỉ là trò chơi của trẻ con,” Phi Vệ nói. “Giờ đây, ngoài Cam Dăng sư phụ ra, không ai có thể làm thầy con được nữa.”
Kỷ Xương lập tức lên đường đi về phía Tây. Lòng tự ái của chàng bị tổn thương khi thấy cung thuật của mình bị coi là “trò trẻ con”. Nếu thực sự như vậy, mục đích trở thành tay cung đệ nhất thiên hạ vẫn còn là một tương lai xa vời. Nôn nóng so tài với người đó để xem cung thuật của mình có đúng chỉ là trò trẻ con không, chàng rảo bước đi thật nhanh. Thủng giầy rách chân trèo lên các vách đá treo leo, băng qua những chiếc cầu khỉ bắc ngang hẻm núi, Kỷ Xương lên tới đỉnh núi sau một tháng.
Ra đón chàng trai hăng hái là một cụ già có đôi mắt hiền như mắt cừu, bước đi lẩy bẩy như sắp ngã. Cụ có lẽ đã ngoại trăm tuổi. Lưng cụ còng thấp khiến chòm râu bạc kéo lê trên mặt đất theo bước đi của cụ[21]. Thấy cụ có vẻ như bị điếc, Kỷ Xương vội cất cao giọng nói mục đích vì sao chàng tới đây. Nôn nóng phô diễn tài bắn cung của mình, Kỷ Xương không đợi cụ trả lời, rút ngay cây cung làm bằng gốc liễu có dây bện bằng sợi gai đang đeo trên lưng ra. Chàng lắp một chiếc tên có mũi làm bằng đá, giương cung, ngắm vào một đàn chim di trú đúng lúc đó đang bay qua trên trời cao. Chàng buông dây, một phát tên phóng lên, ngay lập tức năm con chim to từ trên trời xanh rơi xuống.
“Giỏi theo cách thông thường,” cụ già mỉm cười hiền từ nói. “Nhưng đó chẳng qua vẫn chỉ là xạ chi xạ (bắn bằng bắn)[22] thôi. Hảo hán[23] xem ra vẫn chưa biết thế nào là bất xạ chi xạ (bắn không cần bắn)[24].” Cụ già dẫn Kỷ Xương đang đầy tức tối tới một bờ vực cách đó chừng hai trăm bước. Dưới chân Kỷ Xương mở ra một quang cảnh giống y chang một bức bình phong dựng đứng cao bốn ngàn thước[25], ở xa tít bên dưới chàng thấy một con suối trông nhỏ như sợi chỉ, một độ cao khiến chàng đột nhiên hoa mày chóng mặt. Cụ già chạy lên một phiến đá chênh vênh nhô ra trên bờ vực, rồi quay lại bảo Kỷ Xương: “Nào, có giỏi thì hãy đứng trên tảng đá này trổ tài cho ta xem.” Đã quá muộn để rút lui! Khi Kỷ Xương leo lên, phiến đá lắc lư. Kỷ Xương cố giữ bình tĩnh lắp tên vào cung. Đúng lúc đó một viên sỏi lăn ra, rơi xuống vực. Nhìn theo viên sỏi rơi, Kỷ Xương nằm bò lên phiến đá lúc nào không hay. Chân chàng run bần bật, mồ hôi tuôn ra chảy tới gót chân. Cụ già cả cười, đưa tay đỡ Kỷ Xương bước khỏi phiến đá, rồi tự mình leo lên, nói: “Bây giờ hãy xem cái gọi là bắn đây này.” Vẫn chưa hết run, mặt tái nhợt, song Kỷ Xương chợt nhận ra và hỏi: “Nhưng, còn cái cung? Lão nhân không có gì trong tay cả.” “Cung à?” Cụ già cười lớn, “Bắn mà vẫn phải cần đến cung tên thì chỉ là xạ chi xạ. Còn bất xạ chi xạ là bắn nhưng không cần cả cung lẫn tên.”
Lúc đó trên trời rất cao ngay phía trên đầu họ một con diều hâu đang dang cánh lặng lẽ lượn vòng. Cụ già Cam Dăng nhìn theo con diều hâu trông nhỏ xíu chỉ bằng một hạt vừng, rồi nhanh như cắt, lắp một mũi tên tưởng tượng vào một cây cung vô hình, giương tròn như trăng rằm và buông tay, nhìn kìa, con diều hâu ngừng vỗ cánh, rơi xuống chẳng khác gì một hòn đá. Kỷ Xương kinh hoàng. Lần đầu tiên chàng được chứng kiến bí mật uyên thâm nhất của nghệ thuật bắn cung.
Kỷ Xương ở lại học lão cao thủ trong suốt chín năm trời. Không ai biết chàng đã tu nghiệp như thế nào trong quãng thời gian đó. Sau chín năm, khi chàng xuống núi trở về, mọi người thảy đều ngạc nhiên thấy vẻ mặt chàng đã biến đổi nhiều. Không còn tí bóng dáng nào của vẻ hiếu thắng hung hăng trước kia. Thay vào đó là dung mạo ngây ngô như tượng gỗ của một người ngu độn. Tuy nhiên, khi Kỷ Xương đến thăm thầy cũ, sau bao năm không gặp, thoạt nhìn thấy vẻ mặt Kỷ Xương, Phi Vệ đã cảm thán kêu lên: “Đây chính là đại cao thủ đệ nhất thiên hạ! Chúng ta sẽ không bao giờ có thể bì kịp anh ta.[26]”
Dân thành Hàm Đan nô nức chào đón cao thủ đệ nhất thiên hạ trở về. Họ chờ đợi một cuộc trình diễn tài nghệ bắn cung của chàng. Nhưng Kỷ Xương không đáp ứng nguyện vọng của họ. Ngay cái cung chàng cũng không sờ đến. Có vẻ như chàng đã quăng đi đâu mất cả chiếc cung làm bằng gốc liễu có dây bện bằng sợi gai mà khi xưa chàng từng đem theo lên núi. Khi có người tới chơi hỏi lý do, Kỷ Xương uể oải trả lời: “Tột đỉnh của hành động là không làm gi hết. Tột đỉnh của lời nói là im lặng. Tột đỉnh của bắn là không bắn.” À ra thế! Những người dân vốn rất thông thái của thành Hàm Đan hiểu ngay lập tức. Nhà đại cung thủ không cần sờ đến cây cung đã trở thành niềm tự hào của họ. Kỷ Xương càng không động đến cung tên, danh tiếng về sự vô địch của chàng lại càng được bàn tán ầm ĩ.
Nhiều lời đồn được truyền miệng từ người này sang người khác. Người ta nói rằng ban đêm, cứ đến canh ba, có ai đó luyện cung trên mái nhà Kỷ Xương, nghe rõ cả tiếng dây cung bật. Có người quả quyết đó là vị thần hộ mệnh ẩn náu trong mình nhà đại cao thủ, ban đêm thoát ra khi chàng ngủ để triệt mọi yêu ma định hãm hại chàng. Một thương nhân sống gần nhà chàng nói rằng có đêm đã thấy chàng, rõ ràng cầm cung trong tay, cưỡi mây bay trên mái nhà, đọ tài với hai bậc đại cao thủ xạ thuật đời xưa là Hậu Nghệ và Dưỡng Do Cơ. Những mũi tên ba vị này phóng ra vạch những tia sáng xanh sắc nhọn trên nền trời đêm trước khi biến mất giữa sao Sâm và sao Thiên Lang[27]. Một tên đạo tặc thú nhận có lần định lẻn vào nhà Kỷ Xương, song khi hắn vừa trèo lên bờ tường thì bỗng một luồng sát khí[28] từ trong nhà phóng ra, trúng vào giữa trán, làm hắn ta ngã lăn từ trên tường xuống đất bất tỉnh. Từ đó, bọn tâm địa gian tà đều tránh xa vùng quanh nhà Kỷ Xương, và những bầy chim di trú thông minh cũng không dám bay trên mái nhà chàng nữa.
Danh tiếng lan truyền tận mây xanh, song Kỷ Xương ngày một già đi. Tâm trí đã từ lâu không còn vương vấn tới cung tên của ông có vẻ như ngày càng nhập vào cõi thanh khô, đạm bạc, hư ảo và yên tĩnh[29]. Vẻ mặt vốn đã như tượng gỗ của ông nay lại mất cả mọi biểu hiện. Ông hầu như không cất tiếng. Cuối cùng, người ta không chắc ông còn thở hay không. Những năm cuối đời, lão cao thủ còn nói ông không phân biệt được đâu là mình đâu là người khác, không biết đâu là đúng đâu là sai[30]. Đối với ông mắt cũng như tai, tai cũng như mũi, mũi cũng như mồm.
Bốn mươi năm sau khi từ biệt Cam Dăng sư phụ xuống núi, Kỷ Xương từ giã cõi đời, lặng lẽ như một làn khói. Trong bốn mươi năm cuối cùng ấy, ông không hề nhắc tới xạ thuật, nói chi sờ đến cung tên. Lẽ dĩ nhiên, là một người viết truyện, tôi muốn ông sắm một vai quan trọng trong một sự kiện kích động nào đó để chứng minh cho tài dụng cung siêu phàm của ông. Song, tôi không muốn bóp méo các sự thật đã được ghi trong sử sách. Thực sự là người ta không biết gì về những năm cuối đời ông, ngoài câu chuyện được lưu truyền sau đây[31].
Chuyện xảy ra khoảng một hai năm trước khi ông qua đời. Một hôm, Kỷ Xương đến chơi nhà một người bạn. Tại đây ông nhìn thấy một vật, mà ông nhớ đó là một dụng cụ song không thể nhớ nổi tên và công dụng của nó. Ông bèn hỏi chủ nhà tên dụng cụ đó là gì và nó được dùng để làm gì. Cho rằng khách hỏi đùa, chủ nhà cười to, làm ra vẻ không biết. Ông lão Kỷ Xương nghiêm nghị nhắc lại câu hỏi. Song chủ nhà không hiểu ý khách, vẫn bối rối cười trừ. Khi Kỷ Xương làm nghiêm nét mặt hỏi lại lần thứ ba thì vẻ kinh ngạc bắt đầu hiện ra trên mặt chủ nhà. Ông ta nhìn trân trân vào mắt Kỷ Xương. Sau khi tin chắc rằng khách không đùa, không điên, và tai mình nghe không nhầm, chủ nhà kinh hãi lắp bắp kêu lên: “Trời đất, thưa phu tử[32] – cao thủ xạ thuật kim cổ vô song[33], ngài thật sự quên cả cái cung rồi sao? Quên cả tên gọi lẫn công dụng của nó?”
Sau đó ít lâu, tại thành Hàm Đan, hoạ sĩ giấu bút vẽ, nhạc công dứt đứt dây đàn, thợ mộc coi dùng thước[34] là một sự sỉ nhục.

Dịch xong tại Tokyo ngày 9/9/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Đình Đăng


Chú giải của người dịch:

[1] Khi được đọc truyện ngắn này lần đầu tiên qua một bản dịch tiếng Việt hơn hai chục năm về trước, N.D. tưởng đó là tác phẩm của một nhà văn Trung Hoa. Nhà văn Nhật Bản Nakajima Atsushi (中島 敦) (1909 – 1942), nổi tiếng vì cách hành văn ngắn gọn nhưng giầu hình ảnh và biểu cảm đến kỳ lạ, đã viết xong truyện ngắn này đúng vào tháng ông mất (tháng 12 năm 1942). Tên gốc tiếng Nhật của truyện là “Meijinden” (名人伝) có nghĩa là “Truyện về một cao thủ”. “Meijinden” đã được dịch ra vài thứ tiếng và được dựng phim hoạt hình nhan đề “Fu sha no sha” (Bất xạ chi xạ = Bắn không cần bắn) (1988). Hai bản dịch tiếng Anhtiếng Pháp N.D. tìm thấy trên internet, tuy không sai nội dung, song một số chi tiết bị bỏ sót, cách hành văn nhiều chỗ được các dịch giả diễn tả lại, không đúng với nguyên tác tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Việt của Dương Tường được thực hiện dựa vào hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp nói trên. Trong bản dịch lần này, N.D. cố gắng dịch sát với bản gốc tiếng Nhật nhằm giữ được tối đa văn phong của tác giả. Một số chi tiết dịch thuật được liệt kê dưới đây để độc giả nào quan tâm có thể tiện so sánh sự giống và khác nhau giữa các bản dịch. Các từ gốc Hán được đọc theo phiên âm Hán Việt.
[2] Kỷ Xương (紀昌). Bản dịch của Dương Tường phiên âm là Ngật Trường (từ Chi Chang trong bản tiếng Pháp).
[3] Phi Vệ (飛衛). Bản dịch của Dương Tường phiên âm là Ủy Phi (từ Wei Fei trong bản tiếng Pháp).
[4] Nguyên tác: 百発百中 (Bách phát bách trúng). Bản tiếng Anh: “…hit a willow leaf without fail from a distance of a hundred paces.” Bản tiếng Pháp diễn tả lại: “… lancer à cent pas tout un carquois de flèches dans une seule feuille de saule choisie comme cible.” Un carquois de fleches là cái bao đựng tên. Dương Tườn dịch thành “…cách trăm bước, phóng cả bó tên trúng một cái lá liễu.” Tài bắn này còn được gọi là “bách bộ xuyên dương” (bắn xuyên lá liễu cách xa trăm bước).
[5] Trong phim, bàn đạp được thay bằng con thoi.
[6] Dương Tường dịch: vướng vào lông mi.
[7] Bản tiếng Anh: “…even if an irritating bit of debris got into his eye.” Bản tiếng Pháp: “…ni coup sur la paupière,…” Bản dịch của Dương Tường: “…một đòn đánh vào mi mắt,…”
[8] Bản tiếng Pháp: “Il avait exercé ses muscles oculaires à une inertie tellement parfaite que…” Bản dịch của Dương Tường: “Anh ta đã luyện cho cơ mắt bất động triệt để đến nỗi…”
[9] Bản tiếng Pháp thay bằng “un insecte minuscule au jardin”. Dương Tường dịch: “một con sâu bé tí tẹo” (tìm được ở ngoài vườn).
[10] Đoạn này tác giả tả cảnh chuyển mùa rất ngắn gọn nhưng đầy hình tượng, như các hình ảnh trong một đoạn phim vậy. Cả 3 bản dịch tiếng Anh, Pháp, và bản tiếng Việt của Dương Tường đều không truyền lại được văn phong này.
[11] Nguyên tác: 朔蓬 (sóc bồng): cỏ bồng (cỏ tranh) mọc ở phương bắc.
[12] Nguyên tác: 燕角の弧 (Yên giác cung): cái cung có cánh được ghép bằng sừng (角) và một số vật liệu khác như tre, gân, v.v. có xuất xứ từ nước Yên (燕国). Chữ 燕 ở đây là tên nước Yên – chư hầu của nhà Chu (thế kỷ 11 TCN – thế kỷ 3 TCN), chứ không phải là con chim nhạn (yến hay én) như trong bản tiếng Pháp: un arc Hirondelle. Dương Tường, dựa theo bản tiếng Pháp, phiên âm là cây nhạn cung. Bản tiếng Anh dịch là bow of Yan horn (cung sừng Yan).
[13] Bản tiếng Anh: “The arrow cut through the center of the louse,”
[14] Nguyên tác: 烏号の弓 (ô hiệu cung = cung tiếng quạ kêu). Cây dâu có cành dẻo, khi con quạ đậu lên, nhún mình định bay, cành dâu cong xuống khiến con quạ sợ hãi cất tiếng kêu. Vì thế cung làm bằng gỗ dâu còn có tên “cung tiếng quạ kêu.” Dương Tường phiên âm là ô cung, theo bản tiếng Pháp (un arc Corbeau) và tiếng Anh (a raven bow).
[15] Nguyên tác: 綦衛の矢 (tên Kỳ Vệ): một loại tên làm từ cây trúc mọc ở đất Kỳ (Trung Hoa cổ đại).
[16] Nếu dịch từng từ trong nguyên tác thì câu này là:"Phi Vệ nhổ ngay một cành hồng dại bên vệ đường, dùng đầu gai nhọn trên cành quật mũi tên xuống đất." Theo bản tiếng Pháp: "Wei Fei cassa une baguette dans un buissond’aubépine qui se trouvait près de lui. Comme la flèche volait en sifflant vers son cœur, elle se heurta de plein fouet à la baguette épineuse et tomba à terre." thì mũi tên của Kỷ Xương đâm trúng cành gai và rơi xuống đất. Dương Tường dịch: "Trong khi mũi tên veo véo nhằm thẳng tim ông lao tới, ông búng một mũi gai trúng pắp khiến nó rơi xuống chân mình."
Trong phim hoạt hình của Wakamoto Kihachiro (1988), Phi Vệ dùng răng cắn chặt lấy mũi tên của Kỷ Xương.
[17] Chỉ có bản tiếng Anh: “raped” là theo đúng nguyên tác 襲うた: tấn công, hãm hiếp (phụ nữ), trong khi bản tiếng Pháp đổi thành “faire l’amour” và Dương Tường dịch thành “làm tình”.
[18] Nguyên tác: 愛妾 (ái thiếp). Bản tiếng Anh dịch thành lover, bản tiếng Pháp: la concubine favorite, Dương Tường dịch thành cung phi sủng ái nhất.
[19] Nguyên tác: 霍山 (Hoắc Sơn). Bản tiếng Anh: mount Huo, bản tiếng Pháp: la montagne Ho, Dương Tường: núi Hồ.
[20] 甘蠅老師 (Cam Dăng lão sư). Bản tiếng Anh: Gan Yin, bản tiếng Pháp: Le maître Kan Ying, Dương Tường: lão sư phụ Khán Ảnh.
[21] Bản tiếng Pháp nhầm râu thành tóc: Il avait le dos tout voûté et quand il marchait, ses cheveux blancs traînaient sur le sol. Dương Tường: Lưng cụ còng và khi bước đi, mái tóc bạc kéo lê sát đất.
[22] Nguyên tác: 射之射 (xạ chi xạ)
[23] Nguyên tác: 好漢 (hảo hán): người tốt. Chữ 漢 khi có một chữ làm vị ngữ đứng trước thì không có nghĩa là người Hán nữa, không như một số ý kiến kỳ thị đã hiểu lầm. Ví dụ: 巨漢 (cự hán) người khổng lồ, 悪漢 (ác hán) tên vô lại, 痴漢 (si hán) kẻ dâm đãng, người Nhật đọc là chikang, và dùng để chỉ những kẻ (hoặc hành động) sờ soạng phụ nữ.
[24] Nguyên tác: 不射之射 (bất xạ chi xạ)
[25] Nguyên tác: 千仭 (một ngàn nhận). Nhận: đơn vị đo độ dài thời nhà Chu, bằng khoảng 1 – 3 m. N.D. dịch thành 4 ngàn thước tức khoảng 1600 m (một thước ta bằng 0.4 m).
[26] Nguyên tác: 我儕のごとき、足下にも及ぶものでないとcó nghĩa là “Chúng ta sẽ không bao giờ có thể bì kịp (anh ta)”. Bản tiếng Pháp: “Je ne suis même pas digne de dénouer tes sandales.” (Ta không xứng đáng cởi giép cho con). Bản dịch của Dương Tường: “Đến mức thậm chí ta không đáng chạm vào chân con nữa.”
[27] Chỉ có bản tiếng Pháp: “Les flèches lancées par les trois maîtres disparurent dans le ciel sombre entre Orion et Sirius, laissant derrière elles un sillage bleu comme un éclair.” là gần với nguyên tác. Bản tiếng Anh bỏ sao Sâm (参宿星) và sao Thiên Lang (天狼星): “The arrows shot by the three masters made three bluish threads of light, and disappeared in space”, còn bản dịch của DươngTường bỏ hẳn câu này.
[28] Nguyên tác: 殺気 (sát khí). Bản tiếng Anh: a stream of spirit. Bản tiếng Pháp: une masse d’air. Dương Tường: một luồng không khí.
[29] Nguyên tác: 枯淡虚静 (khô đạm hư tĩnh). Bản tiếng Anh dịch thành spiritual mysteries, trong khi bản tiếng Pháp và bản dịch của Dương Tường dùng tới 4 dòng để diễn tả trạng thái này.
[30] Nguyên tác: 是と非 (đúng với sai). Bản tiếng Anh: good and evil. Bản tiếng Pháp: ceci et cela. Dương Tường:“cái này” với “cái kia”.
[31] Bản tiếng Pháp và bản dịch của Dương Tường bỏ 3 câu cuối trong đoạn này.
[32] Nguyên tác: 夫子 (phu tử): danh hiệu dùng để gọi người đàn ông có đức hạnh và học vấn, ví dụ Khổng phu tử (孔夫子). Dương Tường dịch thành tôn sư có nghĩa là thày tôn kính.
[33] Nguyên tác:古今無双 (cổ kim vô song = xưa nay không có người thứ hai). Bản tiếng Anh: the greatest (archer) of all time. Bản tiếng Pháp: le plus grand de tous les temps. Dương Tường: lớn nhất của mọi thời đại.
[34] Nguyên tác: 規矩 (quy củ). Quy là cái khuôn tròn dùng để vẽ các đường tròn tương tự như cái compass, củ là cái khuôn vuông hay thước thợ.