Sunday, 3 May 2009

Âm nhạc, hội hoạ, và kiểm duyệt

Nguyễn Đình Đăng
"Ars longa, vita brevis, occasio praeceps, experimentum periculosum, iudicium difficile."
“Nghệ thuật thì dài, đời thì ngắn (để học thành tài), cơ hội vụt qua,
kinh nghiệm không đáng tin cậy, đánh giá thật khó khăn”.
Hippocrates



Một người biết tiếng Việt có thể hiểu được “The animal farm” của George Orwell qua bản dịch “Trại súc vật” của Phạm Minh Ngọc mà không cần biết tiếng Anh. Khác với văn chương, âm nhạc và hội hoạ không dịch được ra ngôn ngữ khác. Thật là khó, nếu không nói là không thể, diễn giải lại âm nhạc hay hội hoạ bằng lời nói. Muốn thực sự hiểu được âm nhạc và hội hoạ cũng cần phải học. Học nhạc hay hoạ nghiêm túc cũng gian nan không kém gì học nhiều ngành khác. Trở thành hoạ sĩ hay nhạc sĩ “thứ thiệt” còn khó khăn hơn, vì trong nhiều ngành thực hành, chỉ cần kiến thức và suy luận, cộng với tay nghề và kinh nghiệm là có thể thành công. Hội hoạ hay âm nhạc đòi hỏi sự quyết định của cái 1% tài năng (hay nguồn cảm hứng) mà thiếu nó 99% mồ hôi sẽ trở nên vô nghĩa. Cái 1% tài năng (hay nguồn cảm hứng) đó là thứ không học được, không dạy lại được, mà có được do Trời sinh. Nó làm nên sự khác nhau giữa một thiểu số những người có tài và đa số những người bất tài trong hội hoạ và âm nhạc.

Khi đã học hội hoạ và âm nhạc ở một mức trên trung bình rồi, những câu hỏi như “Cái này có nghĩa gì?”, “Cái này đẹp ở chỗ nào?” sẽ tự chúng biến mất, có nghĩa là câu trả lời cũng trở nên không cần thiết luôn! Thay vì làm những so sánh ngây ngô đại loại như nocturne số 1 của Chopin hay hơn valse số 7 của Chopin, người ta sẽ cảm nhận được, chẳng hạn, sự khác nhau giữa phong cách của Vladimir Horowitz và Alfred Brendel khi hai ông chơi cùng một Impromptu G giáng trưởng Opus 90 số 3 của Schubert. Người ta sẽ hiểu Nikolai Lugansky hoặc Lazar Berman chơi Moment musical Op. 16 No. 4 của Rachmaninov hay hơn pianist XYZ ở chỗ nào cho dù kỹ thuật của ông XYZ cũng rất oách.

Không có một thứ nghệ thuật cho toàn dân. Hội hoạ và âm nhạc đích thực không có nhiều khán giả. Những con số lạc quan nhất cho thấy số người nghe nhạc giao hưởng toàn Hoa Kỳ vào mùa hòa nhạc 2003 là 27.7 triệu (theo báo cáo của Liên đoàn Dàn nhạc Giao hưởng Mỹ), tức khoảng 9% dân số Hoa Kỳ. Trung Quốc có khoảng 30 triệu trẻ em học piano, tức khoảng 2% dân số nước này (theo thống kê của BBC). Nghệ sĩ dương cầm lừng danh người Italia Arturo Michelangeli sinh thời từng nói: “Âm nhạc là một thứ quyền, nhưng chỉ dành cho những ai xứng đáng được hưởng cái quyền đó.” Để tránh hiểu nhầm, xin được nói rõ thêm: Michelangeli rất khó tính khi trình diễn. Ông thường chỉ bẳt đầu khi khán phòng hoàn toàn im lặng. Nghe nói, có lần ông đã hủy buổi biểu diễn vì có người ho trong khán phòng khi ông chơi. Ông từng hủy cả tour diễn ở London sau khi tuyên bố không tìm thấy một chiếc grand piano nào vừa ý cho ông chơi tại đó.

Vừa rồi tại Việt Nam có vụ 12 bức tranh khoả thân của một hoạ sĩ bị các quan chức văn hoá Thừa Thiên - Huế từ chối cấp giấy phép cho triển lãm vin vào cớ “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam”, cho dù con ngoáo ộp có tên "thuần phong mỹ tục" đó ba đầu sáu tay ra sao đố ông nào định nghĩa nổi! Cách đây vài hôm tôi có dịp gặp một hoạ sĩ từ Hà Nội sang khai mạc triển lãm của anh ta ở Tokyo. Về vụ cấm triển lãm tranh khoả thân nói trên, anh ta cho rằng:

1 - những bức tranh đó, của đáng tội, xấu thật, vì thế không cho treo là phải rồi;

2 – các ủy viên hội đồng nghệ thuật cũng thấy xấu, khổ nỗi đều là bạn của tác giả cả, nên đã đá quả bóng lên sở văn hoá sau khi đã rỉ tai: “Chúng tớ đồng ý dưới này, nhưng lên đó các ông loại m… nó đi!” Rồi anh ta đế thêm: “Mà không cần rỉ tai thì chắc chắn họ cũng loại!”

Anh ta nói tiếp:

- Chính em đây, hồi năm 20XX đem khoảng hai chục cái hình như thế này định triển lãm. - Anh giơ tay chỉ các tác phẩm treo trước mặt, - Anh coi, chúng chỉ khác nhau về màu sắc, đường nét, còn thực ra là cùng một motive, vô thưởng vô phạt. Em làm để bán là chính! Các bố hội đồng đến ngó rồi phán: “Cho treo một nửa!” Khi em hỏi thế những cái bị loại là những cái nào, và lý do tại sao chúng bị loạí thì các bố phán: “Không biết! Cứ chọn ra một nửa treo, còn loại một nửa. Thích cái nào thì tự chọn (!)” Tức là các bố muốn dằn mặt em rằng: “Chúng tao có quyền đấy. Thích loại là chúng tao loại mày làm đ… gì được chúng tao!”

Tôi thì nghĩ thế này. Ta biết rằng tự do tuyệt đối là quyền tự do làm những gì ta muốn và cũng muốn tất cả những người khác đều có quyền tự do như vậy, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả do việc đó gây ra. Nếu (có bằng chứng là) việc ta làm phạm vào tự do của người khác thì hậu quả đúng sai tới đâu cần được toà án phán quyết… chứ không phải một nhóm quan phụ mẫu văn hoá. Việc một bảo tàng, gallery, hotel, club, v.v. có đồng ý hay không đồng ý bày tranh của tôi phải hoàn toàn chỉ là việc thỏa thuận giữa tôi và giám đốc (hay hội đồng giám đốc) của bảo tàng, gallery, hotel, hay club đó. Thông thường, ở các nước văn minh, như ở Nhật Bản chẳng hạn, các địa điểm trên đều có quy định rõ ràng và áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt. Ví dụ Tokyo American Club không cho phép bày “full frontal nudity” bởi lý do là ở đây có nhiều gia đình có trẻ nhỏ hay lui tới. Như vậy có nghĩa là bất cứ tranh nào có hình đàn ông và/hoặc đàn bà trong y phục của Adam và Eva nhìn vỗ mặt từ đầu tới chân là … out kể cả đó là tranh của Rembrandt hay Picasso. Chấm hết. Một bức tranh của một hoạ sĩ Nhật có hình cột khói bom nguyên tử nổ trên đầu Nhật hoàng Showa được bày giữa thanh thiên bạcnh nhật tại một bảo tàng ở Tokyo, song lại không được bày tại ở một bảo tàng khác ở Kyushu. Điều khác biệt với Việt Nam là, trong tất cả các trường hợp vừa kể, chính quyền không bao giờ và không được phép can thiệp.

Như vậy, việc tranh của ông XYZ có hợp cái gì gì đó của xã hội hay không, tranh của ông ấy đẹp xấu thế nào thì phải để cho công chúng tự do phán xét sau khi đã được xem. Đó là tự do biểu hiện. Anh hoạ sĩ Hà Nội nói trên, và nhiều người khác, có thể không thích (hoặc thích) tranh ông XYZ, song tôi và vài ba người nữa có thể thích (hoặc không thích). Mấy ông quan phụ mẫu hoàn hảo hơn chúng tôi ở chỗ nào về nhân cách, để tước đi quyền tự do thưởng thức tranh ông XYZ của chúng tôi ?

Thời “chiến tranh chống Mỹ” tại Thăng Long ngàn năm văn vật kiểm duyệt diễn ra rất đơn giản như sau. Người ta không cần phải mất công cắt đi các đoạn phim có cảnh chăn gối, mà đến lúc đó người chiếu phim chỉ cần lấy tay che ống kính máy chiếu đi là xong. Màn ảnh đang sáng bỗng nhoáng nhoàng tối đen. Một số khán giả la ó, chửi thề. Không hề hấn gì: “thuần phong mỹ tục” đã được giữ gìn trong sạch! Xem ra bây giờ, sau 40 năm, cách thức kiểm duyệt cũng chỉ hơi bớt thô bạo đi một tí! Theo tôí cần giải tán mọi cơ quan kiểm duyệt văn hoá cũng như bãi bỏ việc bắt các nghệ sĩ phải xin phép xuất bản, triển lãm, trình diễn tác phẩm của mình. Hãy trả lại cho công chúng quyền tự đánh giá và phán xét.



Nguyễn Đình Đăng
“Giấc mơ bạch tuộc” (2009), sơn dầu, 60.6 x 72.7 cm

Con trai tôi nhìn thấy tranh phụ nữ khỏa thân hàng ngày từ khi nó lọt lòng mẹ, bởi đó là tranh bố nó vẽ treo tứ tung trên tường. Nó coi đó là điều bình thường. Lên đến trung học - cao học, nó biết nhận xét mức độ sexy của "cái ti" trong tranh của bố nó. Hồi nó học trung học ở Nhật, các bạn Nhật của nó có lần đến chơi, nhìn thấy tranh khỏa thân treo trên tường, mấy cô cậu lấy tay tự bịt mắt mình lại, đi qua!
Mới hay dung tục hay thuần khiết, dâm hay không dâm, xấu hay đẹp là ở ý nghĩ và cách cảm nhận của từng người thưởng thức.

© 2009 Nguyễn Đình Đăng

No comments:

Post a Comment