Nguyễn Đình Đăng
Đó là lời tự giới thiệu, bằng tiếng Anh còn chưa lưu loát, của nghệ sĩ piano trẻ tuổi người Nhật khi gặp Stevie Wonder, nhạc sĩ pop lừng danh người Mỹ, cũng bị mù. Lúc gặp Wonder tại Tokyo vào năm 2005, Tsujii mới 16 tuổi, và vừa đoạt giải Phê bình (Critic’s Prize) tại cuộc thi piano Chopin.
Ngày 8/6/2009 vừa qua Nobuyuki Tsujii (20 tuổi) đã đoạt huy chương vàng (giải nhất) tại cuộc thi piano quốc tế Van Cliburn lần thứ 13 diễn ra tại Fort Worth, Texas (Xem Tsujii chơi La Campnella của Paganini – Liszt). Cùng đoạt giải nhất với Tsujii là Haochen Zhang (19 tuổi, Trung Quốc). Yeol Eum Son (23 tuổi, Hàn Quốc) đoạt huy chương bạc. Họ là những người châu Á đầu tiên đoạt giải tại cuộc thi piano Van Cliburn. Tsujii còn là nghệ sĩ piano mù đầu tiên thắng cuộc trong lịch sử 47 năm của cuộc thi danh giá này. Đây là lần thứ 2 khi có 2 người cùng đoạt giải nhất tại cuộc thi. Mỗi người đoạt giải được nhận 20 ngàn USD, được thu âm, cùng nhiều phần thưởng khác. 3 người lọt vào chung kết (nhưng không đoạt giải) là Di Wo (Trung Quốc), Evgeni Bozhanov (Bulgaria), và Mariangela Vacatello (Italia) được nhận 10 ngàn USD mỗi người. Cả 6 người được tài trợ biểu diễn 3 năm, trị giá khoảng 1 triệu USD.
Sự kiện Nobuyuki Tusjii thắng cuộc được phát trên tất cả các kênh truyền hình tin tức Nhật Bản đêm 8 tháng 6. Sau khi tên của Tsujii được xướng lên, người phiên dịch dắt cậu lên sân khấu. Tại đây bà lau nước mắt, nhìn Van Cliburn đeo huy chương vàng vào cổ Tsujii rồi ôm chầm lấy cậu, trong khi toàn bộ khán giả đứng lên vỗ tay hò reo.
Cuộc thi này mang tên Van Cliburn, danh cầm người Texas, người đã đoạt giải nhất piano tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky lần thứ nhất (1958) tại Moscow khi ông 23 tuổi. Cliburn đã trình diễn xuất sắc tới mức nghệ sĩ piano lừng danh Sviatoslav Richter, lúc đó là thành viên hội đồng giám khảo, đã cho Cliburn 100 điểm (trên thang điểm tối đa là 10), và 0 điểm cho tất cả các thí sinh còn lại. Từ đó trở đi không ai dám mời Richter làm giám khảo nữa. Tuy nhiên, năm 1958 là đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Chủ tịch hội đồng giám khảo đã phải gọi điện “xin” chỉ thị của TBT ĐCS Liên Xô lúc đó là Nikita Khruschev về việc trao giải nhất cho Cliburn. Khruschev đã trả lời rằng ông không phải là nhạc sĩ, nên nếu hội đồng đánh giá thấy Cliburn là người xuất sắc nhất thì hãy trao giải nhất cho Cliburn (Xem Van Cliburn chơi chương 3 concerto số 1 cho piano của Tchaikovsky tại cuộc thi Tchaikovsky lần thứ nhất). Từ đó danh tiếng của Cliburn truyền khắp thế giới. Năm 1987 Cliburn được mời biểu diễn tại Nhà Trắng trước Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và TBT ĐCS Liên Xô Mikhail Gorbachev. Năm 1962 bắt đầu cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Van Cliburn, diễn ra 4 năm một lần, do Quỹ Van Cliburn ở Fort Worth (Texas) tài trợ. Cuộc thi được đưa vào danh sách thành viên của Liên đoàn Các Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế (World Federation of International Music Competitions). Số thí sinh người châu Á tham gia cuộc thi này ngày càng tăng, chiếm 1/3 tổng số thí sinh năm 2005, và khoảng một nửa số thí sinh năm nay.
Trong 3 người đoạt giải lần này, Zhang (19 tuổi) là thí sinh trẻ nhất cuộc thi. Cậu từ Trung Quốc sang Mỹ từ năm 15 tuổi và đang học tại Nhạc viện Curtis ớ Philadelphia. Son (Hàn Quốc) đang tu nghiệp tại Đức. Chỉ có Tsujii, hiện là sinh viên Đại học Âm nhạc Ueno tại Tokyo, là hoàn toàn “home made”. Tsujii bị mù bẩm sinh vì bệnh microphthalmia (đồng tử không mở được do tổn thương võng mạc dẫn đến hỏng màng trạch khiến dịch thủy tinh thoát ra). Cậu bắt đầu học piano từ năm lên 4 tuổi. Trong khi những người mù khác học nhạc qua đọc bản nhạc bằng ký hiệu nổi, Tsujii học piano hoàn toàn bằng thính giác và trí nhớ, vì cậu nói rằng học nhạc bằng ký hiệu nổi mất quá nhiều thì giờ. Năm lên 7 tuổi Tsujii đoạt giải nhất cuộc thi piano dành cho người khiếm thị ở Nhật. Bốn năm sau, cậu đoạt giải nhất cuộc thi các nghệ sĩ piano trẻ tuổi toàn nước Nhật. Bố Tsujii, ông Takashi Tsujii (52 tuổi), là bác sĩ phụ khoa. Mẹ cậu, bà Itsuko Tsujii (49 tuổi), đã từ bỏ nghề phát thanh viên của hãng truyền hình Tokyo để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con trai. Bà tháp tùng cậu mọi nơi và kiêm luôn công việc của người quản lý âm nhạc cho con mình. Về quá trình học piano của Tsujii, mẹ cậu nói: “Ớ Nhật thông thường các học sinh phải mang mọi nguyên vật liệu tới, còn thầy giáo sẽ nấu nướng. Nhưng với Nobu, các thầy để cháu tự nấu nướng theo kiểu của cháu, còn các thầy khuyên nên thêm dấm ớt như thế nào.” Tsujii từng biểu diễn nhiều nơi tại Nhật Bản, Đài Loan, Paris, Berlin, Warsaw, Prague, và New York (Carnegie Hall). Cậu nói: “Tôi thật sự không muốn người ta coi tôi như một nghệ sĩ piano mù. Tôi là một nghệ sĩ piano.”
Bà Veda Kaplinsky, trưởng khoa piano nhạc viện piano Juilliard, đồng thời là ủy viên giám khảo, nói: “Cậu ta thắng cuộc không phải vì bị khiếm thị. Cậu đã thắng cuộc vì tiếng đàn của mình. Chúng tôi được thông báo hết sức rõ ràng rằng chúng tôi sẽ đánh giá cậu ta như chúng tôi làm với tất cả các thí sinh khác. Bản thân cậu ta cũng yêu cầu chúng tôi như vậy.” Ủy viên giám khảo Richard Dyer nói rằng Tsujii đã gây cho ông ấn tượng khác thường. “Rất ít khi tôi gấp sổ tay lại để tập trung lắng nghe. Cậu ta đã khiến tôi làm như vậy bởi tôi không muốn bị phân tán khi nghe tiếng đàn của cậu.” – ông nói. Còn nhạc trưởng James Colon, người chỉ huy dàn giao hưởng Forth Worth đệm cho các thí sinh chơi concertos tại vòng chung kết, thì nói: “Tôi chưa từng có một trải nghiệm nào tương tự. Rõ ràng anh ta là một nghệ sĩ piano khác thường. Tôi tin anh ta sẽ tiếp tục chơi rất hay trên thang đánh giá tuyệt đối tài năng của anh ta.” Tsujii nói, khi chơi với dàn nhạc, cậu nghe hơi thở của nhạc trưởng để hòa nhịp.
Trong thời gian diễn ra cuộc thi, ông bà John và Carol Davidson, sống tại một thị trấn nhỏ cạnh Fort Worth, đã tình nguyện mời hai mẹ con Tsujii đến ở tại nhà của họ. Tuy chủ nhà cũng có một baby grand piano, song theo yêu cầu của cuộc thi, một chiếc Steinway grand piano đã được chở đến gia đình Davidson để Tsujii tập. Ngày nào cũng vậy, sau khi ăn sáng cùng vợ chồng chủ nhà, Tsujii ngồi vào đàn và chơi lần lượt Chopin, Debussy, Liszt, Beethoven, mỗi ngày 8 – 10 tiếng. Thay vì than phiền, các người hàng xóm đã sang xin ông bà Davidson mở cửa ra vào để họ có thế nghe rõ tiếng đàn của Tsujii. Ông John nói: “Chúng tôi đã đùa với nhau liệu có nên bắt hàng xóm trả tiền nghe nhạc không.”
Ông bà Davidson còn cho biết con chó Molly của họ say đắm tiếng đàn của Tsujii đến nỗi bác sĩ thú y của gia đình đã khuyên họ rằng, sau khi Nobu Tsujii quay về Nhật, họ phải mở băng thu tiếng đàn của Nobu Tsujii, nếu không con Molly sẽ bị trầm cảm. Nó tỉnh dậy mỗi sáng và ngồi chờ Nobu chơi đàn. Trả lời phỏng vấn của truyền hình Nhật Bản, bố Nobu Tsujii nói ông thường bị dằn vặt bởi ý nghĩ không biết Nobu có cảm thấy hạnh phúc trong đời từ khi sinh ra không, nhưng bây giờ thì ông tin rằng con trai mình thực sự hạnh phúc. Bản thân Nobu Tsujii nói rằng cậu chưa bao giờ cảm thấy mình bất hạnh, và thường thấy sung sướng nhất là khi chơi piano và bơi.
Đêm đầu tiên tại vòng loại, sau khi nghe Tsujii chơi Chopin, Debussy, và Liszt, chính Van Cliburn đã nói: “He was absolutely miraculous. His performance had the power of a healing service. It was truly divine.” (Tạm dịch: Cậu ta thật tuyệt diệu. Lối chơi của cậu có sức mạnh của một buổi cầu nguyện. Nó thực sự siêu phàm.)
Tokyo 10/6/2009
“Khrutchev trả lời rằng ông không phải là nhạc sĩ nên nếu hội đồng đánh giá nếu thấy ông ta là người xuất sắc nhất thì cứ việc trao giải nhất cho ông ta…”, người đọc tự hỏi không hiểu trong một trường hợp tương tự nếu người được hỏi là ông Đỗ Mười- người mà ông Phạm Duy đã có lần phàn nàn rằng”sao nhạc của tôi lọt vào tai ông Đỗ Mười nó gian nan thế”- chẳng hạn thì không hiểu câu trả lời có thể là như thế nào, liệu ông Nguyễn có thể cho lời giải đáp được chăng?
ReplyDeleteTrả lời độc giả Phùng Tường Vân:
ReplyDeleteThứ nhất: Việt Nam chưa từng bao giờ có, và không biết đến bao giờ sẽ có một TBT như Nikita Khruschev (Никита Хрущёв).
Thứ nhì: Ngay cả giới âm nhạc chuyên nghiệp trong nước cũng chưa có đủ “tầm” để đánh giá được một tài năng như Van Cliburn. Cũng sẽ còn phải chờ rất rất lâu, nếu không nói là không bao giờ, mới có được một Sviatoslav Richter của Việt Nam để làm thành viên giám khảo (kể cả nếu chịu mời các Việt kiều tham gia thì cũng thế thôi).
Thứ ba: Không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được một tầng lớp công chúng biết nghe nhạc cổ điển như công chúng Moscow nửa thế kỷ trước.
Và cuối cùng: Cũng không biết đến bao giờ Việt Nam mới xây dựng được một cách tử tế (mà không ăn cắp, tham nhũng tiền dự án) một phòng hoà nhạc tử tế như Phòng Hoà Nhạc Lớn (Большой Зал) của Nhạc viện Tchaikovsky tại Moscow, chưa nói tới Suntory Hall, NHK Hall, Opera City, International Forum, v.v. tại Tokyo.
Kết luận: Vì thế “một trường hợp tương tự” sự kiện Van Cliburn năm 1958 mà lại xảy ra ở Việt Nam là nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi.
Trước hết là xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Đăng đã cho lời giải đáp, sau tôi xin có một ý kiến bên lề và một câu hỏi nhỏ khác:
ReplyDelete1/ Đồng ý là cách “giải thích” Tchaikovsky của Van Cliburn hẳn phải có một cái gì thật độc đáo mới impress được S.Richter đến như vậy nhưng tôi vẫn cho rằng cách cho điểm của ông có một cái gì thái quá, tôi có võ vẽ nghe nhạc cổ điển và thường chọn mua nhạc qua nhận định giới thiệu của tạp chí Grammophone thôi nên đây là lần đầu tiên được nghe chi tiết này,
2/ Tôi nghe nói ông Đặng Thái Sơn gần đây có được mời tham dự hội đồng giám khảo giải Chopin không hiểu có chính xác không ạ?
Trả lời độc giả Phùng Tường Vân:
ReplyDelete1. Cách đây 30 năm, khi tôi còn là sinh viên tại Đại học Tổng hợp Moscow, có lần một người bạn Nga nói với tôi: “Anh đã nghe Van Cliburn chơi concerto số 1 của Tchaikovsky chưa? Cliburn chơi Nga hơn cả người Nga!” Thật vậy, có rất nhiều nghệ sĩ lừng danh từng chơi Tchaikovsky, nhưng xưa nay chỉ có các nghệ sĩ Nga mới làm toát lên hết tinh thần Nga. Cliburn là một ngoại lệ đầu tiên. Nghe ông chơi Tchaikovsky người Nga cảm thấy tự hào về chính dân tộc của họ.
2. Đặng Thái Sơn từng là thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi piano Chopin lần thứ 15 (năm 2005). Hội đồng có 19 ngườí trong đó có 8 người Ba Lan.
Chi tiết xin xem trong bài “Không cần mạ vàng cho hoa huệ” tại đường link dưới đây:
http://ribf.riken.go.jp/~dang/Lily.htm
Lại cảm ơn ông lần nữa đã chỉ cho một vài links hữu ích và lại có thêm một câu hỏi tỉ mẩn khác trước hết mong được “Bà xét duyệt” cho qua nhanh chóng: Ông có chia sẻ ý kiến của Đặng Thái Sơn “… và Mendelssohn là một người ‘anh em’ về mặt nghệ thuật của Chopin”, sao tôi thấy “cái nỉ non” của Mendelssohn không có gì giông giống Chopin cả?
ReplyDeleteTrả lời độc giả Phùng Tường Vân:
ReplyDeleteNguyên văn chính xác của toàn bộ đoạn này là:
“Alexander Laskowski:
Vì sao ông lại chọn trình diễn Concerto Sol-thứ của Mendelssohn trong đêm khai mạc Cuộc thi Chopin lần này?
Đặng Thái Sơn:
Được mời không chỉ làm ủy viên hội đồng giám khảo mà còn trình diễn tại gala khai mạc là một niềm vinh dự lớn. Ban tổ chức đã đồng ý rằng không nhất thiết phải chơi Chopin vì chúng tôi sẽ còn phải nghe nhạc của ông trong suốt Cuộc thi. Tất nhiên vẫn có thể chơi nhạc Chopin. Tuy nhiên khi đó sẽ phải là một trình diễn hài hòa cỡ như của Arthur Rubinstein vậy. Tất nhiên, anh không nên chọn cái gì đó khác quá xa Chopin, như là Bartok hay Prokofiev. Tôi muốn cái gì đó chung một gia đình âm nhạc. Và Mendelssohn là một người “anh em” về mặt nghệ thuật của Chopin.” (hết trích dẫn)
Như vậy không sai, vì “gia đình âm nhạc” trong đó Chopin và Mendelsshohn là “anh em về mặt nghệ thuật” mà ĐTS nói đến ở đây là các nhà soạn nhạc trào lưu Lãng mạn (Romanticism) thời kỳ đầu như Chopin, Liszt, Mendelssohn, Schumann, Bellini, Berlioz, Glinka v.v. Concerto No 1 Sol thứ được Mendelssohn viết năm 1830, và là một trong những concerti đầu tiên của trào lưu Lãng mạn. Nó có một đặc điểm là rất ngắn: chỉ khoảng 18 - 19 phút. Hai concerti Mi thứ và Fa thứ của Chopin, mà các thi sinh vòng chung kết của cuộc thi Chopin đều phải chơi, cũng được viết trong năm đó.