Saturday, 11 July 2009

Con bọ ngọc

Nguyễn Đình Đăng


“Sống có nghĩa là tin tưởng và hy vọng, là lừa dối và tự lừa dối.”

Emile M. Cioran (1911 – 1995) – triết gia Romania

Tôi gặp Michael S. lần đầu tiên tại buổi khai mạc triển lãm tranh của tôi với tựa đề “Đông và Tây trong tôi” tại một gallery ở quận Nam Aoyama (Tokyo) hai năm về trước. Mike cao lớn, tóc và râu quai nón trắng như cước. Bắt tay tôi, ông nói: “Tôi đã từng đến Việt Nam. Nhưng đó là kỷ niệm tôi muốn quên đi mà không được vì nó thường trở về trong những cơn ác mộng.” Rồi như để xua tan vẻ ngạc nhiên của tôi, ông giải thích: “Tôi từng là lính thủy quân lục chiến ở Việt Nam.“

*

Đang học đại học thì được lệnh tổng động viên, Mike tình nguyện nhập ngũ với hy vọng làm lính tình nguyện sẽ được chọn công việc phù hợp với chuyên môn về nhân chủng học của mình. Sang Việt Nam năm 1968 khi mới 21 tuổi, Mike được phân vào một đơn vị thám báo làm nhiệm vụ thu thập tin tức trên đường mòn Hồ Chí Minh. Giải ngũ năm 1969, Mike rất uất hận vì cho rằng mình đã bị chính phủ Mỹ lừa dối, đẩy vào một cuộc chiến vô nghĩa. Quay trở về quê hương, Mike tốt nghiệp đại học của tiểu bang California năm 1970 ngành nhân chủng học, chuyên ngành hẹp khảo cổ và ngôn ngữ. Sau 9 năm sống ở Mỹ với một cuộc hôn nhân đổ vỡ, Mike bỏ quê hương sang Nhật Bản tìm hạnh phúc.

Nhật Bản là một đất nước lạ lùng. Phần lớn người ngoại quốc, đặc biệt là người phương Tây, khi mới tới đều không nghĩ sau này họ sẽ sống ở đây lâu dài như vậy. Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại 30 năm đã trôi qua kể từ ngày Mike đặt chân tới Nhật. Hiện là nhiếp ảnh gia đồng thời là giảng viên đại học Meiij ở Tokyo, bên cạnh tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, Mike có vốn tiếng Nhật ở hạng siêu đẳng. Ngoài ra ông còn nói được tiếng Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Đức, Italia và cả Kiswahili – thứ tiếng của thổ dân một số nước Đông Phi. Mike còn là một tay kiếm Nhật (Kendo) đai đen đẳng 3, đồng thời là một người thích nhảy dù và lặn.

Mike lui tới triển lãm của tôi vài lần “để xem tranh trong khung cảnh yên tĩnh hơn”. Ông cho rằng nhiều trích đoạn trong các bức tranh của tôi tự chúng có thể làm nên những bức tranh độc lập. Ông còn nói phong cách siêu thực của tôi rất Á Đông, chứa đựng sự sâu lắng, yên tĩnh. Dốc bầu tâm sự, Mike kể cho tôi nghe những sự kiện đáng ghi nhớ trong thời gian ông tham gia cuộc chiến tại Việt Nam.

- Có lần chúng tôi bắt được một người lính Bắc Việt. – Mike nói.

- Rồi các ông làm gì với anh ta? – tôi hỏi.

- Chúng tôi trao anh ta cho quân lực Việt Nam Cộng hoà. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với anh ta sau đó. Một lần khác chúng tôi bắt được hai sĩ quan Nga làm cố vấn cho quân đội Bắc Việt Nam. Việc đó rắc rối hơn nhiều vì Hoa Kỳ không muốn đụng độ với Nga Xô. Sau khi lấy cung, chúng tôi chuyển hai người đó sang Cam-pu-chia để trao trả họ cho phía Nga Xô.

Cú “sốc” lớn nhất trong chiến tranh là khi Mike chứng kiến chiếc trực thăng của đơn vị mình trúng hỏa tiễn của quân đội Bắc Việt, nổ tung trước mắt ông. Toàn bộ đồng đội ngồi trên máy bay đó tan xác. Mike sống sót nhờ chưa chạy kịp tới chiếc trực thăng. Mike chỉ bị thương nhẹ, và được đưa sang Philippines chữa chạy. Xuất viện, ông quay trở lại Việt Nam rồi giải ngũ một thời gian ngắn sau đó.

Mike kể tiếp:

- Một lần, trong khi đang phục kích trong rừng, tôi ngẩng đầu lên và thấy màu trời xanh ngắt lộ ra sau các tán lá cây dày đặc. Ánh nắng chiếu xuống từ trên cao khiến phong cảnh phút chốc trở nên kỳ ảo, không tiếng súng, không khói bom. Đột nhiên tôi thấy ngay cạnh chỗ tôi đang nằm một con bọ cánh cứng chậm chạp bò trên một nhành cây. Con bọ có màu xanh lục biếc óng ánh tuyệt đẹp. Tôi bèn chộp lấy nó cho vào túi. Quay về nơi đóng quân, tôi ngâm nó vào một lọ dầu để ướp [1]. Sau khi tới Nhật, tôi được biết loài bọ này rất phổ biến ở Đông Á và Đông Nam Á. Tên Latin của chúng là Chrysochroa fulgidissima. Tên tiếng Anh là jewel beetle, tên tiếng Nhật là tamamushi (玉虫)tức là con bọ ngọc. Ở tỉnh Nara có cả một ngôi đền nhỏ được trang trí bằng sơn mài khảm bằng cánh của rất nhiều con tamamushi. Ngay trong vườn nhà tôi cũng có tamamushi. Anh đã nhìn thấy tamamushi bay bao giờ chưa? Trông cứ như một chiếc trực thăng.

Câu chuyện về con bọ ngọc của Mike hấp dẫn tôi hơn cả những tình tiết đượm màu Hollywood về cuộc chiến tại Việt Nam mà ông đã tham dự. Tôi nhớ tới câu chuyện nhà thiết kế đã quá cố Trịnh Hữu Ngọc có lần kể cho tôi. Ông Ngọc từng có một biệt thự rất đẹp ở phố Quan Thánh. Trong biệt thự này có xưởng hoạ của ông, được thiết kế với mái che kính để ánh sáng chiếu chếch xuống từ hướng bắc. Hồi mới lên 5 – 6 tuổi gì đó, tôi được bố mẹ gửi tới đây học vẽ do vợ ông – cố hoạ sĩ Nguyễn Thị Khang – dạy. Tôi còn nhớ mãi ấn tượng lần đầu tiên đặt chân tới xưởng vẽ của ông Ngọc. Trong luồng ánh sáng lung linh rọi từ trên cao xuống, giữa đám giá vẽ và đầu tượng bằng thạch cao trắng, tôi thấy một trong các con trai ông, vẻ bảnh trai và tài tử, đang dùng bút lông sơn màu lên một mô hình tàu thủy bằng sắt tây. Đứng bên cạnh chàng là một cô gái xinh đẹp mặc áo có cổ kiểu lính thủy. Từ phòng trong vọng ra tiếng đàn piano do con gái ông, sau này là nghệ sĩ piano Trịnh Thị Nhàn, đang chơi. Xưởng vẽ Trịnh Hữu Ngọc ngày hôm đó hiện ra trong mắt tôi như một lâu đài nghệ thuật mà anh con trai ông là hoàng tử còn cô bạn của chàng là một nàng tiên. Thế rồi chiến tranh Việt Nam nổ ra. Mỹ ném bom miền Bắc. Ngôi biệt thự của gia đình ông Trịnh Hữu Ngọc đã bị phá sập sau một trận bom. Ông Ngọc kể: “Hôm đó, ngồi trong hầm trú ẩn đầu phố, tao thấy đất rung chuyển kèm theo một tiếng nổ lớn nghe cái rầm. Sau khi ra khỏi hầm nhìn về nhà mình, chỉ thấy một đống gạch vụn. Đột nhiên khi đó ngước lên tán cây cơm nguội, tao bỗng thấy trời xanh trong vắt đẹp vô cùng. Tao rùng mình tự nhủ: Thì ra bao năm nay mình ki cóp để đạt được những thứ mà chỉ cần một trận bom là đi tong. Cuộc đời này sao mà phù du và vô nghĩa! Cái bầu trời kia mới thực sự đẹp biết bao, mà sao bấy lâu nay, chúi mũi vào kiếm tiền, ta đã không nhận ra vẻ đẹp của nó?” Ông đóng một cái bè, chất lên đó vài thứ còn lại sau trận bom, rồi như Robinson Crusoe, ông đẩy bè bơi sang bờ bên kia Hồ Tây. Tại đây ông dựng một nhà sàn, nơi ông sống những năm cuối đời mình, dùng hội họa như một cách để nhập Thiền. Bây giờ, bầu trời và ánh nắng trong câu chuyện của Mike chợt gợi lại trong tôi kỷ niệm về luồng ánh sáng siêu phàm đó, luồng ánh sáng vô can hiện ra từ trên cao đã từng khiến vài người tỉnh ngộ.

Sau lần gặp tại triển lãm, tôi mời Mike tới RIKEN – nơi tôi hiện đang nghiên cứu vật lý hạt nhân – để thuyết trình về những bức ảnh ông chụp tại các kho vũ khi bỏ hoang của Mỹ như bãi thử bom nguyên tử ở Nevada, các kho máy bay B29, B52, SR-71. Lần ấy Mike đưa cả vợ người Nhật – kém ông nhiều tuổi - và con gái 6 tuổi tới nghe. Tôi nảy ra ý định vẽ chân dung gia đình Mike từ đó.

Sau khi nghe tôi đề xuất ý tưởng, Mike gừi cho tôi mấy tấm hình scan từ tờ báo cũ thời Đệ Nhị Thế chiến có đăng tin và hình bố ông bị thương tại chiến trường châu Á - Thái Bình Dương. Ông còn gửi tôi ảnh chụp tấm huy chương chính phủ Hoa Kỳ đã trao tặng cho bố ông sau Asia Pacific Campaign đó. Về phần mình Mike được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng huy chương “Phục vụ Việt Nam Cộng hoà”. Tấm huy chương này là một bức phù điêu tròn bằng đồng, mặt phải có hình con rồng uốn khúc bay sau một khóm tre, phía dưới nổi lên hàng chữ “REPUBLIC OF VIETNAM SERVICE”. Mặt trái có hình một chiếc nỏ - một loại vũ khí cổ xưa của người Việt mang chiếc đuốc từ Tượng Nữ thần Tự do - biểu tượng của nước Mỹ, bên dưới có dòng chữ “UNITED STATES OF AMERICA”. Cuống huy chương được dệt bằng vải, sợi to và bóng, nền màu vàng với ba sọc đỏ sẫm thể hiện lá cờ Việt Nam Cộng hoà. Hai lề của cuống huy chương có màu lục, tượng trưng cho màu rừng rậm Việt Nam. Mike nói tất cả quân nhân Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam từ 1965 đến 1973 đều được nhận tấm huy chương này. Ông cũng nói ông còn được tặng vài tấm huy chương khác sau khi bị thương và một số lần hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, nhưng ông đã vứt chúng đi. “Tôi quá tức giận vì mình bị lừa.” – Mike giải thích cho hành động vứt huy chương của mình.

Tôi không còn ở cái tuổi dễ dàng tin vào những gì người khác nói, nhất là sau khi tôi đã chứng kiến nhiều điều giả dối, những sự thật lịch sử bị bóp méo, những thông tin bịa đặt chỉ nhằm phục vụ những ý đồ ích kỷ. Hơn nữa, tôi không có cách nào kiểm chứng những điều Mike kể. Thật ra tôi cũng chẳng muốn làm điều đó. Ngay trong vườn nhà Mike tại Nhật Bản cũng có thể bắt được bọ ngọc. Còn huy chương, chính ông đã cho tôi biết rằng có thể mua huy chương chiến tranh Việt Nam, kể cả Republic of Vietnam Service”, trên internet. Mặt khác tôi cũng không thấy cơ sở vững chắc nào để phản bác những gì Mike đã nói. Vì thế, cũng như Irving Stone khi viết "Khát vọng sống" [2] dựng lại cuộc đời của danh hoạ Van Gogh, tôi coi những điều Mike kể là đã, hoặc hoàn toàn có thể là đã xảy ra. Một điều duy nhất mà, từ kinh nghiệm bản thân, tôi tin là thật đó là Mike đã tìm thấy hạnh phúc của mình tại Nhật Bản – một đất nước cách quê hương ông nửa vòng quả đất. Người dân của xứ sở này đã hứng chịu tai hoạ gây bởi 2 quả bom nguyên tử do cái chính phủ mà Mike cho là đã lừa dối mình sau này trong chiến tranh Việt Nam ra lệnh ném xuống. Song chính tại nơi đây ông đã gặp người vợ mới của ông, người đã cho ông đứa con gái mang trong mình hai dòng máu Mỹ và Nhật.


Nguyễn Đình Đăng, Con bọ ngọc, 2009, sơn dầu, 162 x 194 cm

Nguyễn Đình Đăng,
Con bọ ngọc, 2009, sơn dầu, 162 x 194 cm

Tôi vẽ bức tranh Con bọ ngọc” trên canvas kích thước 162 x 194 cm – cỡ to nhất có thể chui lọt qua cửa ra vào nhà tôi. Trong tranh, gia đình Mike hiện ra sau lỗ thủng của một tờ báo bị cháy. Phía chân trời là ngôi nhà cùa họ mờ mờ sau lớp khí quyển. Phía bên phải Mike là mẩu tin kèm hình bố ông bị thương trong chiến dịch châu Á – Thái Bình Dương, với hai tấm huy chương lơ lửng, tấm của bố Mike như sắp tan biến vào nền, tấm của Mike trông rõ như thật. Phía dưới tôi vẽ một con bọ ngọc đang bay thoát ra từ một lọ dầu, với một đám dầu rớt trên mặt đất. Phía bên trái vợ Mike – tôi vẽ cột khói bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima. Phía dưới là một bức họa do con gái họ vẽ mà Mike đã chụp lại và gửi qua email cho tôi. Cô bé đứng giữa bố và mẹ, hai mắt mở to, nghiêm nghị nhìn thẳng vào người xem. Bức tranh được vẽ bằng kỹ thuật sơn dầu cổ điển [3], tức là có vẽ lót đơn sắc trước, sau đó mới phủ các lớp màu trong lên trên. Để tạo độ trong suốt và ánh sáng huyền bí của bầu trời, tôi đã phủ nhiều lớp xanh biển thẫm, lam man-gan, lam xa-fia, trắng trong lên nền trời và các lớp mây. Tôi đã hoàn thành bức tranh sau bốn tháng vẽ liên tục, trung bình mỗi ngày 3 - 4 tiếng.

*

Tội nghiệp con bọ ngọc, nó chẳng phải là kẻ thù của Mike. Nó sinh ra không phải là người để có thể cầm súng bắn nhau, để bị bắt, bị tra tấn, bị giết. Nó không biết nói để ăn năn hối lỗi hoặc khai ra đồng loại của mình hòng được Mike khoan hồng. Nó chỉ là một con côn trùng, bò ra có lẽ để tắm mình trong luồng ánh sáng trong lành của Tự Do, nhưng lại không đúng lúc và đúng chỗ. Nó lại quá lộng lẫy và rực rỡ nên đã bị ướp xác trong dầu, chết mà thân thể không được tan vào cát bụi. Trong bức tranh, tôi đã giải phóng cho con bọ ngọc. Như có sức mạnh phi thường, nó hồi sinh, húc bật nút lọ, bay ra. Đôi cánh biếc lấp lánh của nó xòe rộng, hất tung những giọt dầu còn dính. Con bọ như đang lao ra ngoài bức tranh. Song đó chỉ là kết quả của trí tưởng tượng của tôi. Sự thực, con bọ ngọc đã chết từ 40 năm về trước, khi bị Mike bắt bỏ lọ.

Tokyo, 9 tháng 7 năm 2009

Chú giải

[1] Theo "Lịch sử tự nhiên" (khoảng năm 77 - 79) của Pliny, người Ai Cập cổ đại từng dùng dầu cây tuyết tùng (cedar) để ướp xác. Dầu tuyết tùng trộn với dầu xả còn là một loại thuốc chống muỗi tốt.

[2] Irving Stone, Lust for Life, 1934, tiểu thuyết về cuộc đời danh hoạ Vincent Van Gogh, được viết dựa trên các bức thư Vincent gửi cho em trai mình là Theo Van Gogh. Tiểu thuyết đã được dựng thành phim cùng tên vào năm 1956 với Kirk Douglas sắm vai Vincent Van Gogh.

[3] Nguyễn Đình Đăng, Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu, bài nói chuyện tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày 8/1/2009, 45 trang.

© 2009 Nguyễn Đình Đăng

No comments:

Post a Comment