Sunday 25 January 2009

Hà Nội Mới 12/01/2009

Nguyễn Thu Thủy

Những bí ẩn trong hội hoạ Nguyễn Đình Đăng

(HNM) - "Một nhà vật lý có thể đồng thời làm hoạ sỹ được không ? Trong trường hợp của ông Nguyễn Đình Đăng, tôi có thể nói rằng ông ấy sẽ là một hoạ sỹ lớn trong khi đã là một nhà vật lý xuất sắc...". Đây là lời phát biểu của giáo sư Akito Arima, Thượng nghị sỹ, nguyên Bộ trưởng Văn hoá-Giáo dục-Khoa học-Công nghệ Nhật Bản tại buổi khai mạc triển lãm cá nhân tranh sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng năm 2001.


Là một nhà khoa học với hai bằng tiến sĩ, làm việc tại Viện nghiên cứu hạt nhân Nhật Bản RIKEN đã hơn mười năm nay, Nguyễn Đình Đăng cũng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1987, hội viên Hội Mỹ thuật Chủ thể Nhật Bản từ năm 2005. Mặc dù sống xa Tổ Quốc, hoạ sĩ tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đăng vẫn thường xuyên đi về, tham gia triển lãm, giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết với các nghệ sĩ trong nước. Sáng ngày mồng 8 tháng Giêng vừa qua, trong chuyến công tác về Hà Nội vài ngày, anh đã có buổi nói chuyện về kỹ thuật vẽ sơn dầu với sinh viên trường Đại học Mỹ thuật tại 42 Yết Kiêu. Buổi nói chuyện của anh đã thu hút đông đảo sinh viên, các nhà phê bình mỹ thuật và những người yêu hội hoạ. Mọi người say sưa nghe anh thuyết trình gần 3 tiếng đồng hồ về lịch sử và kỹ thuật vẽ sơn dầu, những kinh nghiệm của các bậc thầy và kỹ thuật vẽ sơn dầu của riêng hoạ sĩ.
Là người biết nhiều ngoại ngữ, chủ yếu do tự học, hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng đã tích luỹ nhiều kiến thức qua đọc sách và những trải nghiệm thực tiễn tại nhiều nước nơi anh và gia đình đã từng ở. Anh trở thành pho từ điển sống phong phú về nghệ thuật sơn dầu và đời sống nghệ sĩ thế giới.

Tháng 9 năm 2007, Quỹ Mỹ thuật Sompo Japan đã trao giải thưởng "Outstanding Rising Artist" (Hoạ sĩ nổi bật đang lên) cho hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng với bức tranh sơn dầu Lối ra. Với nét vẽ sang trọng, ấn tượng và giàu chiều sâu triết lý, Lối ra thể hiện rõ nét ảnh hưởng của cả văn hoá phương Đông và phương Tây trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Đình Đăng. Kết hợp kỹ thuật của các bậc thầy cổ điển với bố cục siêu thực, Nguyễn Đình Đăng đã tạo cho mình một phong cách riêng, không bị trộn lẫn trong cả lối vẽ lẫn đề tài thể hiện. Về mục đích đặt ra trong sáng tạo nghệ thuật của mình , anh nói : " Tôi muốn đạt được sự hoàn hảo trong kỹ thuật, đạt được sự đa chiều trong bố cục (không gian, thời gian, chuyển động...), và một điều rất khó - đó là sự bí ẩn trong tác phẩm. Các bậc thầy cổ điển cho rằng điều bí ẩn đó nằm trong sự hùng vĩ. Sự hài hòa là kết quả của sự kết hợp tài tình giữa vẻ hùng vĩ và hoà sắc đẹp. Đại danh hoạ Titian được coi là đã đạt đến đỉnh của sự hài hoà đó. Tôi chưa biết đã đạt được tới mức nào trên con đường vươn tới lý tưởng nghệ thuật của tôi. Dù sao cũng cứ nên mơ ước bay lên cung trăng. Bởi nếu có chưa tới được đi chăng nữa, ta cũng được lơ lửng giữa các vì sao. Hay như Salvador Dali nói : " Đừng bao giờ sợ sự hoàn hảo, vì bạn sẽ chẳng bao giời đạt được nó!"

Mỗi tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng đều xuất phát từ những suy nghĩ, chiêm nghiệm mang nhiều tính triết lý, dẫn dắt người xem vào những câu chuyện trong thế giới tưởng tượng kỳ ảo nhiều ẩn dụ và buộc họ phải suy ngẫm trong khi trầm trồ thưởng lãm kỹ thuật vẽ sơn dầu tài hoa của nghệ sĩ . Tác phẩm mới đây nhất của anh Ngày trưởng thành vẽ tặng con trai. Ở Nhật Bản, có phong tục Ngày trưởng thành dành cho các nam thanh nữ tú tròn 20 tuổi. Ngày này rơi vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai trong tháng Giêng. Trong ngày này, các chàng trai cô gái tập trung ở toà Thị chính thành phố nghe Thị trưởng phát biểu chúc mừng và chào đón họ bước vào giai đoạn mới của cuộc đời. Có một tục lệ rất hay là khi các học sinh tròn 14 tuổi, nhà trường yêu cầu các em tự viết một lá thư cho chính mình, nói lên tâm sự , ước mơ làm nghề gì . Những bức thư này sẽ được niêm phong kín và do Hội cha mẹ học sinh mỗi lớp giữ. Đến khi các em tròn 20 tuổi, vào ngày lễ Trưởng thành, ban phụ huynh sẽ đến từng nhà và gửi lại bức thư này cho các em. Hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng đã rất xúc động khi đọc bức thư này của con trai mình. Trong tác phẩm Ngày trưởng thành, anh vẽ con trai anh ngối trước máy tính, một vật dụng thân thuộc với con người thế kỷ 21, đôi mắt mở to, trong sáng đang nhìn vào tương lai. Chiếc thẻ căn cước của người ngoại quốc ở Nhật và tấm hộ chiếu Việt Nam bay lơ lửng trên mặt bàn. Một câu hỏi đặt ra về một thế hệ trẻ mới khi thế giới trở nên phẳng. Họ thực sự là những công dân toàn cầu với vốn tri thức và văn hoá đa quốc gia để có thể sống và làm việc ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Mặt khác, cội nguồn dân tộc cũng không hề nhoà đi trong họ. Ngược lại, nó có thể sống dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết một khi họ ngộ ra sự khác biệt đầy ý nghĩa trong nhân cách của chính mình.

Có lẽ không chỉ riêng kỹ thuật vẽ sơn dầu điêu luyện, không chỉ riêng những câu chuyện triết lý được thể hiện lên tranh qua những tưởng tượng siêu thực làm nên vẻ bí ẩn trong các bức tranh của Nguyễn Đình Đăng. Một điều cao cả hơn đó chính là lý tưởng trong sáng của một tâm hồn yêu nghệ thuật và khoa học luôn nung nấu những sáng tạo của người nghệ sĩ khi anh nói : "
Hãy sáng tạo chừng nào ta còn có khả năng và điều kiện để sáng tạo. Hãy vẽ như chưa bao giờ được vẽ, như thể đây là bức tranh cuối cùng của đời mình! Tôi lại bắt đầu vẽ một bức tranh mới. Tôi chưa biết sẽ đặt tên nó như thế nào..."

No comments:

Post a Comment