Nguyễn Đình Đăng
Sau khi đọc bài “Thể thao & Văn hóa (TT&VH) phỏng vấn nguyên giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (HVANQGVN)” (bài phỏng vấn), tôi đã gửi một ý kiến bình luận ngắn cho TT&VH, trong đó tôi nêu 2 điểm:
1 – Giải nhất concours Chopin mà Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 phải được coi là thành tựu của Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), nơi Đặng Thái Sơn theo học 3 năm trước khi đoạt giải, mới đúng.
2 – ĐTS, đoạt giải Chopin năm 22 tuổi, không phải là trẻ trong số những người đoạt giải (nhất) cuộc thi này.
Thay vì nhìn thấy ý kiến của mình được đăng trên TT&VH, tôi nhận được email ngày 7/10/2009 của ông/bà Đỗ Doãn Phương – tự giới thiệu là trưởng phòng văn hóa xã hội của TT&VH, thanh minh về một số câu chữ trong bài phỏng vấn và nói muốn biên tập lại ý kiến của tôi, nếu được phép, rồi mới đăng.
Tôi đã trả lời email này và gửi kèm bài phản hồi “Chuyên nghiệp… nghiệp dư và cách đưa tin mập mờ” mà tôi phát triển từ ý kiến phản hồi của mình. Trong trả lời TT&VH tôi viết: “Tôi nghĩ rằng đăng bài này tại Quý Báo là phù hợp nhất vì nó liên quan tới bài phỏng vấn nói trên. Song tôi không tin rằng Quý Báo sẽ đăng bài này của tôi mà không kiểm duyệt cắt xén nó đi. Tuy nhiên tôi vẫn gửi để Quý Báo tham khảo thông tin. Tôi sẽ đăng bài này tại một chỗ khác[1]. Trong trường hợp Quý Báo sẵn sàng đăng nguyên văn bài này, đề nghị Quý Báo cho tôi biết.” Ngay sau đó, tôi đã nhận được trả lời từ ông/bà ĐDP, trong đó có viết: “Cảm ơn sự thẳng thắn của anh. Bây giờ đã là 21h Việt Nam, ngay lập tức tôi chưa thể trả lời anh rằng sẽ đăng bài phản hồi trên TT&VH hay không, vì tôi cần báo cáo với lãnh đạo tòa soạn rồi sẽ trả lời anh sớm. Dĩ nhiên chúng tôi cũng sẽ trả lời thẳng thắn chứ không vòng vo, vì anh đã chọn cách thẳng thắn.”
Tuy nhiên, 2 ngày sau, thay vì một câu trả lời thẳng thắn, tôi lại nhận được từ ông/bà Đỗ Doãn Phương một email có nội dung (vòng vo) muốn trao đổi về những điểm nêu trong bài phản hồi của tôi. Trong trả lời của mình, tôi đã đề nghị TT&VH “trao đổi công khai vấn đề này trên báo”. Tôi cũng nói rằng “nếu đã chủ trương thảo luận về vấn đề này trên báo thì việc đăng lại bài phản hồi của tôi là cần thiết, để tránh việc phản biện một chiều. Vì những lý do đó, tôi cho rằng chúng ta nên ngừng mọi thảo luận chi tiết qua email tại đây”.
Ông/bà Đỗ Doãn Phương đã trả lời tôi như sau: “Tôi nhất trí với quan điểm của ông là dừng cuộc thảo luận trên email này. Nhưng cho phép tôi được nói thêm một lời nữa. Ấy là những gì tôi trao đổi với ông chỉ là những suy nghĩ từ phía chúng tôi, ngõ hầu làm rõ một vấn đề thôi, chứ không phải là điều cần thiết để đưa ra dư luận.” Cuối cùng, sau khi tôi hỏi lại vậy thì rốt cuộc TT&VH có đăng bài phản hồi của tôi không, ông/bà Đỗ Doãn Phương viết: “Rất tiếc, bài của ông có một số nội dung có thể không liên quan trực tiếp đến chủ đề, cho nên, nếu đăng TT&VH sẽ phải biên tập lại. Vì vậy TT&VH rất tiếc là không thể đăng được nguyên văn bài viết này như đề nghị của ông. Nhưng có thể đăng bản sau khi biên tập.”
Vì thế tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy những trao đổi này của ông/bà Đỗ Doãn Phương sau đó lại xuất hiện hầu như nguyên văn trong bài viết đăng ngày 15/10/2009 trên TT&VH dưới tựa đề “Thành tích của Đặng Thái Sơn có liên quan gì đến Nhạc viện HN không?” của tác giả mang bút danh Đông Kinh. Hơn nữa, bài viết đó có bàn về các ý kiến của tôi nhưng tác giả lại không hề đăng nguyên văn các ý kiến này. Theo tôi, cách xử sự như vậy là không sòng phẳng và mị dân (ở đây là các độc giả). Nếu sòng phẳng thì, như tôi đã đề nghị, TT&VH cần đăng bài phản hồi của tôi hoặc ý kiến bình luận ngắn mà tôi đã gửi đến TT&VH bên cạnh bài viết của Đông Kinh hay chí ít cũng có một đường link tới các ý kiến hoặc bài phản hồi của tôi để độc giả có thế tra cứu đối chứng.
Sự thiếu sòng phẳng còn có mặt trong chính cách đặt câu hỏi ở bài viết của Đông Kinh. Ở đây, tác giả nêu ra 3 điểm, trong đó câu trả lời cho điểm 1 và 2 đã có trong bài phản hồi của tôi. Câu hỏi thứ 3 do Đông Kinh tự đặt ra là: “Thành tích của tất cả các sinh viên đi du học và rồi cả sự thành đạt sau này của họ trong cuộc sống nữa có còn liên quan đến ngôi trường đã cử họ đi học hay không? Và như thế, có còn liên quan đến đất nước quê hương nữa không? Tôi nghĩ rằng những người từng du học, đặc biệt là được cử đi học ở nước ngoài, hay những người Việt thành đạt ở nước ngoài luôn có câu trả lời hợp đạo lý trước hết cho chính bản thân mình”. Thực chất đây là một lý lẽ ngụy biện kiểu “người rơm”, mà tôi đã phân tích trong bài “Báo chí văn chương”. Ngụy biện kiểu “bù nhìn rơm” là cách đánh lạc hướng sự chú ý, tạo ra một dạng bóp méo lý lẽ của đối phương thay cho lý lẽ thực sự mà đối phương đưa ra, và công kích cái lý lẽ bị bóp méo đó. Một dạng khác của ngụy biện đánh lạc hướng này có tên là “cá trích đỏ”. Đây là cách lẩn tránh vấn đề chính (việc nhập nhằng coi giải nhất cuộc thi piano Chopin năm 1980 là “thành tựu nổi bật của HVANQGVN”, mà lờ đi vai trò của Nhạc viện Tchaikovsky và các bậc thầy piano Nga), đánh lạc hướng sự chú ý sang một đề tài khác (vai trò của ngôi trường trong nước, của quê hương đối với thành tích của những người đi học nước ngoài, để “rao giảng đạo lý” cho những người Việt Nam thành đạt ở ngoại quốc) để dễ quy kết, chụp mũ đối phương dựa trên argumentum verecundiam (lý lẽ dựa vào uy tín) và argumentum ad popolum (lý lẽ dựa vào công chúng). Tôi không muốn mình cũng sẽ trở nên xấc xược nếu dám lên mặt giảng giải với bất kỳ ai trong số các độc giả khả kính về những cái gọi là đạo lý như thế này, bởi lẽ việc uống nước nhớ nguồn, con biết ơn cha mẹ, học trò biết ơn thày giáo và trường cũ là một lẽ tự nhiên trong đạo đức của nhiều dân tộc trên thế giới chứ không phải là nét độc đáo gì của riêng người Việt chúng ta. Tuy vậy, tôi thấy cần nói rõ điểm sau đây.
Tôi e rằng không phải ai cũng nhớ đây là mối quan hệ hai chiều. Những học trò sau này thành đạt đem lại thanh danh cho ngôi trường và những người thày đã từng dạy họ. Những người tài thành danh ở ngoại quốc, bất luận những người đó được quốc gia của họ cử đi học (bằng tiền thuế của dân), hay tự túc đi học, hay vượt biển tìm tự do rồi học hành để thành công, hay được người ngoại quốc nhận làm con nuôi rồi thành đạt v.v. đều là niềm tự hào của dân tộc và quốc gia đó[2]. Thiết nghĩ, quốc gia cũng đừng bao giờ quên điều này để biết cách đối xử với họ cho tử tế. Trong bài “Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát?” tôi đã viết rõ: “Nhà nước và mọi tổ chức chính trị là do dân tạo ra và có nghĩa vụ phục vụ nhân dân chứ không phải ngược lại. Ngân sách nhà nước, trong đó có ngành giáo dục, là do nhân dân đóng thuế mới có. Quan điểm ‘nhân tài phải phục vụ nhà nước’ nay cần được đổi thành ‘nhà nước và các công ty tư nhân (hay cổ phần) phải biết cách trọng dụng nhân tài’, tức là phải đối xử tử tế với họ về mọi mặt để họ có thể tự do phát triển tất cả tài năng của họ, qua đó đem lại lợi ích cho đất nước, nhà nước và các công ty. ‘Đối xử tử tế’ ở đây cần được hiểu đầy đủ bao gồm tiền lương, trách nhiệm, quyền hạn v.v. tương xứng với tài năng của trí thức. Người tài không có lỗi nếu họ rời bỏ quê hương ra nước ngoài vì ở nước đó họ thấy được đối xử tốt hơn. ‘Đất lành thì chim đậu.’ Con người cũng vậy. Họ có quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn chỗ ở, tự do thay đổi quốc tịch.”
Có làm được như vậy thì câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mới không còn đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu suông.
Tokyo 26/10/2009
© 2009 Nguyễn Đình Đăng
[1] Sau khi TT&VH từ chối đăng bài phản hồi, tôi đã đăng bài này tại talawas blog và blog cá nhân của tôi.
[2] Ví dụ mới nhất là tin một người Đức gốc Việt, tiến sĩ Philipp Rösler (36 tuổi), mới được bầu làm bộ trưởng y tế Đức. Về việc này nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài “Mời cu Lờ làm thủ tướng” đã viết như sau: “… sướng rêm, máu tự hào dân tộc nổi lên, dù đã say vẫn nốc hết ly rượu to, hút hết nửa bao thuốc mới chịu lên giường. Lên giường rồi vẫn không ngủ được, cứ nghĩ vẫn vơ, giá mình là bố Philipp Roesler, nghe tin này thì sẽ thế nào nhỉ? Mới nghĩ đến thế đã nước mắt dàn dụa.“
Phùng Tường Vân nói:
ReplyDeleteThông thường, một thái độ mập mờ là một thái độ thiếu ngay thẳng, nói gì đến sòng phẳng!
nguyendinhdang nói:
Thưa ông Phùng Tường Vân,
Trong bài trước “Chuyên nghiệp … nghiệp dư và cách đưa tin mập mờ” tôi đã nói đến cách đưa tin mập mờ (không rõ ràng). Trong bài này độc giả có thể thấy được sự thiếu sòng phẳng ẩn đằng sau sự mập mờ đó đã thực sự lộ ra. Tôi đặt tựa đề “Đã mập mờ lại thiếu sòng phẳng” trong văn cảnh đó.
Phùng Tường Vân nói:
Thưa ông Nguyễn Đình Đăng,
Luôn luôn đọc ông với một thái độ thận trọng và rất hiểu sự khoan hòa của ông, tôi thật không được như vậy và tôi xin thưa vì sao: Khi Mitsuko Uchida nói chuyện với một phóng viên Newsweek nhân nhắc đến nền giáo dục âm nhạc ở Hoa Kỳ, bà ta có phàn nàn đại khái là nếu người Mỹ không có những cố gắng thêm để âm nhạc cổ điển vào trường lớp sớm hơn thì sẽ có một lớp thiếu niên Hoa Kỳ không bao giờ được biết đến một thứ nghệ thuật đẹp đẽ, cao cả của loài người: âm nhạc cổ điển! Thấy cung cách người ta nghiêm chỉnh, trang trọng như vậy mà nhìn lại mình, chỉ cần qua những accounts của ông trên mạng này thôi: xử sự với danh tài, phải nói là khốn nạn tàn nhẫn đến như thế, rồi tranh luận thì hàm hồ, “mập mờ”, thiếu hẳn sự ngay thẳng đối thoại, đề cập đến một thứ nghệ thuật cao quý mà tư cách của bút mực như thế thì sa đọa, bất xứng quá. Thưa ông, đó chính là nguyên nhân sự bực bội của tôi. Rất mong được ông cùng các độc giả khác cho hưởng sự thông cảm rộng lượng.
Vũ Quang Khải nói:
Thái độ mập mờ, vòng vo, thiếu ngay thẳng ấy không chỉ là thái độ của một hay vài cá nhân nhà báo mà đã trở thành một đặc tính “văn hoá” của báo chí nước CHXHCNVN. Đọc báo của họ, tôi không còn một chút gì tin cậy nữa. Đại đa số bài báo của họ có thể khiến một người đọc có sự tự trọng và hiểu biết phải bực mình vì những kiểu léo lận, bẻ quẹo, tráo trở từ thông tin cho đến lập luận.