Wednesday 11 August 2010

Cụ Nguyễn Mạnh Tường

Nguyễn Đình Đăng

(Phản hồi tại bài "Ông Trần Văn Tích nên đọc lại Un Excommunié" của Phong Uyên )

Tôi đã định không viết bất cứ một phản hồi (PH) nào cho đề tài liên quan tới cụ Nguyễn Mạnh Tường vì lòng kính trọng rất lớn của tôi đối với cụ. Song tôi thấy có người nhắc đến cả cụ lẫn nguyên giáo sư vật lý Vũ Như Canh nên tôi viết PH này.

Cụ Nguyễn Mạnh Tường từng là thầy học của cha tôi. Bác Vũ Như Canh là bạn thân của cha tôi (Xem “Ông Nomura”).

Ngày cha tôi còn sống cụ Tường và bác Canh là khách thường xuyên của gia đình tôi. Sách của cụ Tường ký tặng cha tôi như “Sourires et larmes d’une jeunesse” và “Pierres de France” được cha tôi cho đóng bìa cứng và khảm chữ vàng để trong thư viện gia đình, và tôi cũng đã từng được đọc. Tôi coi cha mẹ tôi là những người Việt Nam uyên thâm bậc nhất về tiếng Pháp và văn chương Pháp. Song, theo lời cha tôi, tiếng Pháp, hiểu biết về văn chương Pháp, văn hoá Pháp của cụ Nguyễn Mạnh Tường thì “đến tây đầm cũng phải bái phục”, còn “Việt Nam ta xưa nay chưa ai bì kịp”.

Liệu có người Việt Nam nào hiểu văn hoá lịch sử nước Pháp đến mức có thế viết được như cụ Nguyễn Mạnh Tường khi lần đầu tiên đặt chân tới Paris:

Paris, tu n’es pas pour moi une découverte, mais un souvenir” ?
(Paris, đối với tôi Nàng không phải là một phát hiện, mà là một hoài niệm.)

Cha tôi thường kể lại thời “oanh liệt” của cụ Nguyễn Mạnh Tường, cái thời mà xe hơi, xe tay đậu đen kịt trước quảng trường Nhà Hát Lớn trước buổi diễn thuyết của cụ. Cụ bước ra sân khấu, hai ngón tay cái ngoắc vào nách áo gilet, mở đầu bài diễn thuyết (bằng tiếng Pháp) của mình bằng một tràng tiếng Latin. Khán giả, trong đó có rất nhiều “tây đầm” mở sổ tay cắm cúi ghi chép.

Vào thời cụ bị ngược đãi, cụ vẫn hay tới nhà tôi chơi. Vừa vào tới cửa cụ đã sang sảng nói tiếng Pháp với cha tôi. Hình như nói tiếng Pháp một cách hùng biện là nhu cầu bức thiết của cụ. Cụ luôn ăn mặc rất lịch sự: áo vét, áo gilet, cồ áo chemise thắt nơ, song những thứ đó đã ngày càng cũ đi. Có lần, được ngồi gần cụ, tôi thấy nơ của cụ thủng lỗ chỗ.

Khi cha tôi lâm bệnh, nằm liệt giường, cụ vẫn đến thăm. Lần cuối cùng xảy ra không lâu (khoảng 1995 – 1997) trước khi cụ qua đời (1997). Cụ đi xích-lô tới. Anh tôi phải cõng cụ lên cầu thang vì cụ không tự bước lên được. Khi cụ về, anh tôi lại cõng cụ xuống, và định gọi taxi đưa cụ về nhà nhưng cụ nhất định không chịu đi taxi. Cụ nói cụ thích đi xích-lô để còn ngắm phố phường Hà Nội.

Gia đình giáo sư Vũ Như Canh từng có tới chục nóc nhà tại Hà Nội. Tuy nhiên sau năm 1954 bác Canh đã hiến toàn bộ tài sản cho nhà nước, chỉ giữ lại một biệt thự 3 tầng tại phố Nguyễn Gia Thiều nơi bác sống với vợ và bốn con. Có lần tôi nghe kể người ta toan lấy nốt ngôi nhà đó của bác. Khi “chính quyền” đến, bác Canh nói: “Gia đình tôi đã hiến tất cả nhà cửa cho chính phủ. Nay nếu chính phủ muốn lấy nốt ngôi nhà này, thì tôi chỉ đề nghị chính phủ cấp cho một khoảnh vỉa hè trước nhà để tôi cắm cái lều tôi sống.” Từ đó họ không động đến ngôi nhà của bác nữa.

Các ý kiến về cụ Nguyễn Mạnh Tường trên talawas này khiến tôi nhớ tới tiểu thuyết “The moon and sixpence” (Mặt trăng và đồng xu) của W. Somerset Maugham viết về thiên tài Charles Strickland (hình mẫu văn học của Paul Gauguin). Trong khổ đầu tiên của chương 1, Somerset Maugham viết:

The greatness of Charles Strickland was authentic. It may be that you do not like his art, but at all events you can hardly refuse it the tribute of your interest. He disturbs and arrests. The time has passed when he was an object of ridicule, and it is no longer a mark of eccentricity to defend or of perversity to extol him. His faults are accepted as the necessary complement to his merits. It is still possible to discuss his place in art, and the adulation of his admirers is perhaps no less capricious than the disparagement of his detractors; but one thing can never be doubtful, and that is that he had genius. To my mind the most interesting thing in art is the personality of the artist; and if that is singular, I am willing to excuse a thousand faults.

Tôi tạm dịch như sau:

Sự vĩ đại của Charles Strickland là có thực. Có thể bạn không thích nghệ thuật của ông ta, nhưng dù thế nào bạn khó có thể loại nó ra khỏi sự quan tâm của bạn. Ông gây chú ý và khiến ta lo lắng. Đã qua rồi cái thời mà ông bị đem ra chế giễu, và cũng không cần dùng tới sự lập dị để bảo vệ hay tính trụy lạc để tán dương ông. Các lỗi lầm của ông nay đã được chấp nhận như một sự bổ sung cần thiết cho những giá trị của ông. Người ta vẫn còn có thể tranh luận về vị trí của ông trong nghệ thuật, và sự bợ đỡ của những kẻ ngưỡng mộ ông có thể cũng đỏng đảnh không kém sự gièm pha của những kẻ phỉ báng ông; nhưng có một điều không bao giờ có thể nghi ngờ: ông là một thiên tài. Đối với tôi, điều lý thú nhất trong nghệ thuật là nhân cách của nghệ sĩ; và nếu nhân cách đó phi thường, tôi sẵn lòng tha thứ cả ngàn lỗi lầm.


Tokyo, 11/8/2010

No comments:

Post a Comment