Tuesday 17 August 2010

Hiền tài là nguyên khí quốc gia: Giáo sư Pierre Darriulat

Nguyễn Đình Đăng

Tiếp theo phản hổi (PH) "Cụ Nguyễn Mạnh Tường", cùng trong một đề tài về vấn đề miền Bắc Việt Nam sau năm 1954, và nước Việt Nam sau 1975 đối xử với người tài như thế nào, tôi có viết một PH cho bài "Chính phủ Việt Nam muốn mời Ngô Bảo Châu về nước làm việc". Dưới đây là phản hồi đó và một số PH liên quan.

*

“Trong cuộc đời làm khoa học, tôi may mắn được làm những gì mình thích trong suốt hơn 40 năm. Đó là đeo đuổi nghiên cứu khoa học phóng xạ của vũ trụ, và luôn bảo đảm sự độc lập, không ràng buộc, nên mới có thể gặt hái được một số kết quả. Thời trẻ, tôi chẳng biết lựa chọn này của mình có đúng không, nhưng 40 năm sau tôi nhận thấy đó là một chọn lựa may mắn. Quyết định sống và làm việc ở Việt Nam cũng đã làm thay đổi số phận tôi, tôi rất hạnh phúc với đời sống riêng của mình, với người vợ Việt Nam. Đó là cơ duyên sâu thẳm nhất khiến tôi gắn bó với đất nước này.”

“Sự thực dụng và ích kỷ đang tạo một lực cản lớn khiến những gì tốt đẹp chưa được thực thi. Thói đua đòi cá nhân nhiều lên khiến mọi người không thể kết hợp cùng nhau để đổi thay đất nước một cách vững chắc. Tranh đấu cá nhân đang triệt tiêu ý thức công dân.”

“Một nhà khoa học phải có quy tắc nhất định trong thẩm định công việc mình làm, không bị ảnh hưởng bởi chính trị và những việc khác.”
Pierre Darriulat
(Trích từ phỏng vấn GS Pierre Darriulat tại Sài Gòn Tiếp Thị.)

Giáo sư Pierre Darriulat (sinh năm 1938) là một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986, đoạt giải thường André Lagarrigue năm 2008 của viện máy gia tốc tuyến tính Orsay.

Từ 1979 – 1987: ông là người phát ngôn của thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ. Từ 1987 – 1994 ông là giám đốc nghiên cứu tại CERN.

Năm 1978 CERN thông qua ý tưởng đặt thí nghiệm tại hai điểm của máy gia tốc Super Proton Synchrotron (SPS) năng lượng 450 GeV để đạt được năng lượng đủ lớn tạo bởi va chạm của các chùm proton và phản proton bay ngược hướng nhau nhằm tạo ra các hạt bosons của tương tác yếu có khối lượng trong vùng 80 – 100 GeV. Thí nghiệm UA1 được đặt tại điểm thứ nhất do Carlo Rubbia, giáo sư đại học Harvard, đứng đầu. Thí nghiệm UA2 được đặt tại điểm thứ hai do Pièrre Darruilat chỉ đạo. Ngày 20 tháng 1 năm 1983 nhóm của C. Rubbia công bố kết quả của 5 va chạm sinh ra các hạt W boson đo được tại UA1. Sáng hôm sau nhóm của P. Darriulat công bố kết quả của 4 va chạm đo được tại UA2. Tháng 5/1983 hạt Z0 cũng được phát hiện. “Vì những đóng góp quyết định vào những dự án lớn đưa đến những phát hiện nói trên” (đặc biệt là ý tưởng dùng SPS của CERN để tạo va chạm giữa proton và phản proton trong cùng một vòng xuyến của máy gia tốc) Carlo Rubbia và Simon van der Meer được trao giải Nobel về vật lý năm 1984.


Từ năm 1998, sau khi nghỉ hưu, giáo sư P. Darriulat đã chuyển hẳn tới Hà Nội sinh sống cùng vợ người Việt. Tại đây ông đã tự tay mình thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Nghĩa Đô – Hà Nội), đào tạo các người nghiên cứu trẻ Việt Nam về vật lý tia vũ trụ, và lần đầu tiên đưa vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam.

(Trích từ Lời giới thiệu trong bài “Việt Nam cần các trường đại học và viện nghiên cứu tốt hơn” của P. Darriulat)

Có được một nhà vật lý tầm cỡ giải Nobel như thế thực là vô cùng quý giá cho một quốc gia.

Chưa thấy nhà lãnh đạo hay doanh nhân nào của Việt Nam nào tới sờ chân hay hứa tặng GS Darriulat căn hộ hay biệt thự nghỉ mát.

3 comments:

  1. Cháu thích câu kết luận của chú: "Chưa thấy nhà lãnh đạo hay doanh nhân nào của Việt Nam nào tới sờ chân hay hứa tặng GS Darriulat căn hộ hay biệt thự nghỉ mát" có lẽ do giáo sư Darriulat có giá trị hình ảnh trong nước thấp hơn GS Ngô Bảo Châu :)

    ReplyDelete
  2. [3] Trong các ngành khoa học tư nhiên ở Bắc Mỹ assistant professor (trợ lý giáo sư) là vị trí khởi đầu của một người vừa mới nhận bằng tiến sỹ (Ph.D.). Những người xuất sắc thì sau 5- 6 năm có thể được đề bạt lên associate professor (phó giáo sư). Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% được đề bạt như vậy trong 10 trường đầu bảng như ĐH Princeton. Những phó giáo sư giỏi dần dần sẽ được đề bạt thành professor (giáo sư) thông thường là ở độ tuổi trung bình là 50 – 55 tuổi. Có rất ít người được đề bạt giáo sư ở tuổi 40. Lương trung bình hàng năm của giáo sư là khoảng 90,000 USD. Cũng không nên nhầm trợ lý giáo sư (assistant professor) với trợ giảng (teaching assistant). Trợ giảng (teaching assistant) là vị trí cho những người đang làm luận án thạc sỹ hay tiến sỹ. Nhiệm vụ của vị trí này thực chất là giúp sinh viên giải bài tập.



    Tinh co doc may nhan xet cua anh ve TS Nguyen Ha Duong,nhu toi copy lau o tren, toi xin luu y voi anh rang, nhu toi biet o My, kha nhieu nguoi tu assistant professor len associate professor va full professor moi bac chi mat co 2 nam. Toi lay vi du Van H. Vu ( con trai nha tho Vu Quan Phuong) : July 2001: Assistant Professor, Mathematics Department, UC San Diego thi June 2003 da la Associate Professor, va July 2005 da Full Professor, khi chua day 40 tuoi. Con nhieu , nhieu nguoi Viet va dac biet nguoi My cu hai nam mot bac nhu the nay...anh cu tham khao cac dong nghiep My thi biet.
    Nguyen Chau Phong

    ReplyDelete
  3. @ Nguyen Chau Phong:

    Độ tuổi 50 - 55 nêu trong chú thích của tôi là tuổi trung bình của các giáo sư trong tất cả các ngành khoa học tự nhiên ở Bắc Mỹ. Nếu tách riêng ngành toán thì tuổi trung bình có thế thấp hơn ở đây. Anh nói khá nhiều, song không đưa ra một con số cụ thể nên không rõ khá nhiều là so với cái gì. Một ví dụ về anh X con ông Y trở thành giáo sư tại Mỹ lúc dưới 40 tuổi thì không đủ thống kê để đưa ra một kết luận chung.

    ReplyDelete